Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 06:28 GMT+7

Niềm tin cho Singapore vượt qua khủng hoảng

Biên phòng - Cuộc bầu cử đặc biệt trong lịch sử Singapore vừa kết thúc với chiến thắng giành cho đảng Hành động nhân dân (PAP) của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này cũng cho thấy những điều lo ngại về thực trạng chính trị, xã hội cũng như tương lai của “đảo quốc sư tử” trong bối cảnh suy thoái.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bỏ phiếu tại cuộc tổng tuyển cử ngày 10-7. Ảnh: AFP

Những ngày này, Singapore đang gấp rút chuẩn bị cho việc thành lập chính phủ mới, sau khi đảng PAP thêm một lần giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020. Đây là một cuộc tổng tuyển cử đặc biệt nhất trong lịch sử Singapore vì diễn ra trong thời điểm đại dịch Covid-19 nên bầu không khí bầu cử bị bao trùm bởi sự ảm đạm thay vì náo nhiệt.

Đáng chú ý nhất là việc chính trường Singapore nói chung và đảng PAP nói riêng đang cho thấy nhiều sự thất vọng, dù đảng này đã giành chiến thắng áp đảo với 83/93 ghế trong Quốc hội. Lý giải về điều này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thư ký đảng PAP thừa nhận, sự suy giảm về tỷ lệ phiếu bầu cho đảng PAP so với năm 2015 là một tổn thất lớn và đáng thất vọng. Mặc dù vậy, việc giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử cũng cho thấy, đảng PAP vẫn được ủy thác trọng trách dẫn dắt “đảo quốc sư tử” vượt qua bối cảnh khủng hoảng hiện nay.

Theo giới chuyên gia chính trị Singapore, thông thường, trong thời kỳ khủng hoảng, đảng PAP luôn giành được lợi thế vượt trội, nhưng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, đảng PAP lại chỉ giành được chiến thắng sát nút một cách nhọc nhằn. Cụ thể, đảng PAP chỉ giành được 61,24% số phiếu bầu, sụt giảm khoảng 9% so với mức 69,9% vào năm 2015 và chỉ nhỉnh hơn chưa đến 2% so với những mức thấp kỷ lục vào năm 1991 và 2011.

Đánh giá về kết quả cuộc bầu cử, giới chuyên gia chính trị Singapore nhìn nhận, đảng PAP đang mất đi vị thế và chỉ chiến thắng ở mức rất thấp, trong khi đảng Công nhân (WP) đang phát triển rất mạnh. Điều này cho thấy thế hệ lãnh đạo thứ tư của đảng PAP đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong giai đoạn tới.

Kết quả từ cuộc tổng tuyển cử cũng chỉ ra rằng, đảng PAP đang dần mất đi sự ủng hộ của lực lượng cử tri trẻ tuổi. Đây là lực lượng nòng cốt trong xã hội Singapore, nhất là trong bối cảnh Singapore đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay. Trên thực tế, cử tri trẻ tuổi Singapore đã đưa ra thông điệp về sự không hài lòng và muốn có sự thay đổi đối với chính quyền nước này.

Thủ tướng Lý Hiển Long đã thừa nhận rằng, Singapore đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Trong đó có hàng loạt thách thức như nền kinh tế Singapore được dự đoán sẽ suy giảm tới 5,8% trong năm 2020, thay vì tăng ở mức 0,6% như dự báo trước đó; tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao, liên tục đạt các mức kỷ lục mới; mức thu nhập giảm; đại dịch Covid-19 tác động mạnh và toàn diện đối với kinh tế - xã hội Singapore...

Từ thực trạng chính trị, xã hội và kết quả cuộc tổng tuyển cử vừa qua, giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chính trường Singapore sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, sức ép, thậm chí ở một số góc độ còn có thể hiện hữu sự rối ren trong nội bộ. Nổi bật trong đó là quá trình chuyển giao quyền lực nội bộ đảng PAP; thời gian tại nhiệm và trì hoãn kế hoạch nghỉ hưu của Thủ tướng Lý Hiển Long; những người kế vị Thủ tướng có đảm bảo đủ khả năng dẫn dắt đất nước...

Đồng quan điểm với Thủ tướng Lý Hiển Long, giới chuyên gia chính trị khẳng định, kết quả của cuộc tổng tuyển cử đã cho thấy niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của đảng PAP vẫn cao hơn và đó được xem là lựa chọn tốt nhất của Singapore trong lúc này. Trên góc độ tích cực, sự suy yếu của đảng PAP trong cuộc tổng tuyển cử này có thể sẽ trở thành “cú hích” mạnh giúp đảng PAP thực hiện những biện pháp cải tổ hiệu quả nhằm củng cố lại vị thế.

Những thách thức hiện hữu cũng chính là “phép thử” thể hiện rõ nét nhất cho nỗ lực và hiệu quả của chính phủ mới. Đó là việc triển khai các biện pháp ứng phó, dập tắt dịch Covid-19; khôi phục kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; giải quyết “bài toán” thất nghiệp; an sinh xã hội...

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO