Biên phòng - Tại hội thảo khoa học Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (BVBGQG) do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) tổ chức ngày 24-7 tại Hà Nội, các đại biểu đã khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Chiến lược BVBGQG. Các đại biểu cũng nhấn mạnh và làm rõ những nguyên tắc, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện Chiến lược BVBGQG. Phóng viên Báo Biên phòng lược ghi một số ý kiến thảo luận tại hội thảo.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng BQP:
Nội dung của Chiến lược BVBGQG khá toàn diện, sâu, sát thực tiễn, đã quán triệt được Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và tiếp thu được các nghị quyết khác của Đảng.
Theo tôi, phần đánh giá trong Chiến lược cần nêu bật được những thành tựu trong hơn 20 năm qua. Đó là chưa bao giờ nước ta có một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như hiện nay. Chúng ta đã hoàn thành phân giới cắm mốc trên đất liền với Trung Quốc, hoàn thành tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Chưa bao giờ BĐBP lớn mạnh và được Đảng, Nhà nước và Quân đội quan tâm như ngày hôm nay. Lực lượng BĐBP ổn định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và được đầu tư trang bị cơ sở vật chất, chế độ chính sách tốt.
Trong xây dựng chiến lược cần chú ý tới vấn đề giải quyết biên giới trên biển giữa nước ta với các nước láng giềng. Về mục tiêu, Chiến lược BVBGQG cần làm nổi bật nội dung bảo vệ biên giới bằng huy động sức mạnh tổng hợp, trong đó, vấn đề phát triển kinh tế hết sức quan trọng. Công tác trọng tâm hiện nay là ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, làm sao cho nhân dân có cuộc sống tốt hơn, khu vực biên giới ngày càng giàu mạnh lên. Về nguyên tắc, cần bổ sung: Bộ trưởng BQP là chỉ huy thống nhất BĐBP; nắm chắc tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Về giải pháp, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền về hình ảnh BĐBP tới các tầng lớp nhân dân.

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng BQP:
Điều quan trọng trong BVBGQG là xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh. Nếu chính quyền vững mạnh, BĐBP vững mạnh thì biên giới sẽ vững mạnh. Từ xa xưa, các vương triều nước ta từ thời Đinh, Lê đã rất quan tâm đến biên giới và có chiến lược về biên giới, nên trong nhiều năm, biên giới nước ta luôn được giữ vững.
Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay trong thực hiện Chiến lược BVBGQG là phải xây dựng được chính quyền cơ sở vững mạnh và nâng cao đời sống kinh tế, xã hội cho địa phương, làm sao cho địa phương biên giới giàu lên, đời sống nhân dân tốt lên. Vì vậy, BĐBP cần hết sức quan tâm tới việc nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới ngày càng giàu lên để gắn bó với biên giới, gắn bó với chính quyền, với BĐBP bảo vệ biên giới.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam:
Chiến lược BVBGQG cần giải quyết được các vấn đề về mặt chiến lược sát với tình hình cụ thể của nước ta. Đó là chủ trương lớn có tính chất chiến lược của Đảng và Nhà nước ta là giữ hòa bình, hữu nghị, ổn định biên giới và những chủ trương giải quyết những vấn đề tồn đọng về biên giới.
3 xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các dân tộc luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, các nước lớn đang chi phối ngày càng lớn tình hình thế giới. Những điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo vệ biên giới.
Chiến lược BVBGQG cần làm rõ chủ thể, đối tượng, chủ trương chiến lược rõ ràng. Chiến lược cũng cần đánh giá những tác động của khu vực và dự báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội, hợp tác quốc tế, đối ngoại... ảnh hưởng tới công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Xác định rõ “biên giới cứng”, “biên giới mềm”. Về phương châm và quan điểm bảo vệ biên giới, giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới phải hết sức rõ ràng, có định hướng chiến lược và các mốc thời gian cụ thể.

Trung tướng Phan Thu, nguyên Thứ trưởng BQP:
Trước hết, cần khẳng định, Chiến lược BVBGQG phải được xây dựng càng sớm, càng tốt. Nó là một bộ phận của chiến lược Bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Chiến lược BVBGQG không hề cản trở việc mở cửa, cải cách đổi mới đất nước mà nó còn giúp các nhà hoạch định chính sách kinh tế trong quá trình đổi mới không phạm những sai lầm trong phát triển kinh tế đất nước. Chiến lược BVBGQG chính là đường lối của Đảng, Nhà nước để bảo đảm gìn giữ nền độc lập của đất nước trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, tư tưởng đến kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, văn hóa, xã hội. Chiến lược BVBGQG phải gắn chặt với Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, coi đây là một quan điểm hàng đầu, không vì thấy lợi ích trước mắt về kinh tế mà “châm chước” yếu tố an ninh-quốc phòng. Trong dự thảo phải nói rõ điều này. Phải xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan Hải quan, Biên phòng với các cơ quan an ninh-quốc phòng và các ngành, các địa phương trong việc quản lý xuất nhập cảnh của người trong nước cũng như người nước ngoài qua biên giới Việt Nam.
BVBGQG là bảo vệ nền độc lập của đất nước. Có được một chiến lược như dự thảo lần này là rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là chiến lược phải được thể chế hóa bằng luật pháp, bằng các quy định của các ngành, các cấp. Giải pháp quan trọng không nên bỏ qua là phải quan tâm xây dựng bản làng biên giới và ven biển thành những tiền đồn vững chắc giữ gìn an ninh vùng biên giới và bờ biển của Tổ quốc. Phải xây dựng đường giao thông ven biên giới, giữa các đồn Biên phòng để bảo đảm đi lại thuận lợi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, tích cực củng cố các đảo thuộc chủ quyền quốc gia.

Trung tướng Tăng Huệ, nguyên Tư lệnh BĐBP:
Chiến lược BVBGQG thể hiện khá đầy đủ các nội dung cơ bản nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ biên giới, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và diễn biến trong nhiều năm tới. Dự thảo đã tập trung chỉ rõ những nội dung trọng tâm, điểm nhấn hết sức quan trọng như: Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trên cơ sở của nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Đẩy mạnh xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bố trí xây dựng các cụm dân cư, cơ sở chính trị xã hội ở khu vực biên giới. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, nâng cao trách nhiệm, tạo sự đồng thuận thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động của toàn dân, toàn quân, hệ thống chính trị trong bảo vệ biên giới. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và BĐBP nói riêng vững mạnh toàn diện đủ sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Những nội dung trình bày trong dự thảo là phù hợp và sát với thực tiễn, nếu được ban hành sẽ là cơ sở tốt cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ biên giới, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các cơ quan, lực lượng chức năng, nhất là BĐBP thực thi nhiệm vụ giữ ổn định biên giới quốc gia, góp phần tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Bích Nguyên (lược ghi)