Biên phòng - Ngày 16-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Các ý kiến của đại biểu đã đi sâu phân tích, làm rõ tên gọi Luật BPVN, sự cần thiết ban hành Luật, phạm vi điều chỉnh nhiệm vụ của BĐBP chế độ, chính sách biên phòng kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện có dấu hiệu vi phạm tại biên giới, cửa khẩu. Dưới đây là một số ý kiến tâm huyết của các đại biểu góp ý nhằm sớm hoàn thiện và ban hành Luật BPVN:

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, đại biểu QH tỉnh Lạng Sơn:
Lực lượng BĐBP đã có hơn 60 năm chiến đấu và trưởng thành, qua 5 lần chuyển đổi, 3 lần ở Bộ Quốc phòng, 2 lần ở Bộ Công an, nhưng vẫn ổn định về tổ chức. Sau khi tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP và thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng xây dựng Luật BPVN.
Qua hội thảo, tham khảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến nâng Pháp lệnh BĐBP thành Luật BĐBP, nếu vậy BĐBP là một mảng nhỏ trong toàn bộ nền biên phòng toàn dân, trong thế trận quốc phòng toàn dân. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến giữ tên Luật BPVN để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng biên giới vững mạnh.
Việt Nam đã ký Hiệp ước biên giới, Nghị định thư về phân giới cắm mốc với 3 nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đây là hành lang pháp lý mang tầm quốc tế. Hoàn thành việc phân giới cắm mốc Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào và hoàn thành 90% việc phân giới cắm mốc Việt Nam-Campuchia. Giao thương qua lại biên giới ngày càng phát triển, đoàn kết nhân dân hai bên biên giới được tăng cường. Đây là cơ sở pháp lý để xây dựng Luật BPVN. Trong suốt mấy chục năm phát triển đất nước, khu vực biên giới phát triển rất nhanh, nhiều địa phương trở thành trung tâm giao lưu thương mại biên giới. Do đó, rất cần có hệ thống cơ sở pháp lý để thực thi.
Ngoài ra, công tác đối ngoại nhân dân hai bên biên giới có sự phát triển. Trên tuyến biên giới Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia thực hiện mô hình kết nghĩa bản-bản rất hiệu quả, thắt chặt tình đoàn kết nhân dân hai bên biên giới, chung tay xây dựng bảo vệ đường biên mốc giới, giúp nhau phát triển kinh tế... Vì vậy, phải có luật điều chỉnh để tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Về duy trì an ninh trật tự, nguyên tắc Bộ Công an phải chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh trật tự trước Đảng, Nhà nước. Nhưng riêng khu vực biên giới thì giao cho lực lượng BĐBP nòng cốt, chuyên trách. Để xử lý hiệu quả vướng mắc này, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã có cơ chế phối hợp. Còn quy định về, kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu là phù hợp với thực tiễn lịch sử. Về nguyên tắc, BĐBP kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hệ thống cửa khẩu, kể cả sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Nhưng khi chuyển giao BĐBP về Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không chuyển 2 cửa khẩu này, nên toàn bộ hệ thống cửa khẩu đường bộ, cảng biển thì BĐBP kiểm soát. Khi tổng kết Nghị quyết 11, Bộ Chính trị có kết luận giữ nguyên như hiện trạng….

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH, đại biểu QH tỉnh Cao Bằng:
Luật BPVN trình QH thảo luận lần này, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ QH; giải trình rất thuyết phục. Đối với tên gọi Luật BPVN là chính xác, thể hiện đầy đủ mục đích, ý nghĩa xây dựng Luật BPVN, thể chế hóa được Hiến pháp 2013, các nghị quyết của Đảng, Nhà nước gần đây và thống nhất với các luật hiện hành. Việc xây dựng, ban hành Luật BPVN không chỉ xây dựng lực lượng BĐBP mà xây dựng thế trận biên phòng, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, xây dựng nền biên phòng toàn dân, xây dựng tuyến biên giới vững mạnh, toàn diện, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện, bền vững lâu dài với các nước có đường biên giới chung.
Nói đến biên giới bao gồm có 3 hoạt động: Xây dựng, quản lý và bảo vệ. Điều 13 quy định về chức năng, nhiệm vụ cụa BĐBP: “Lực lượng chuyên trách, làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia”. Quy định như vậy chưa đầy đủ, cần bổ sung quy định “xây dựng”. Thực tế xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia - 3 hoạt động này rất quan trọng. Chức trách nhiệm vụ của BĐBP không thể bỏ qua 3 nhiệm vụ lớn này.
Mặt khác, đời sống nhân dân biên giới còn khó khăn, dân cư sinh sống thưa thớt, đội ngũ cán bộ trình độ có nơi còn hạn chế. Lực lượng BĐBP ở những địa bàn này hướng dẫn bà con sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, chăm sóc y tế cho người dân, xóa xóm “trắng” đảng viên… Nên việc tham gia xây dựng biên giới quốc gia là phù hợp, giúp BĐBP phát huy được những kết quả đạt được trong những năm qua. Vì vậy, cần bổ sung đầy đủ vào khoản 1 Điều 13 về “Lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia”.
Về chính sách đối với khu vực biên giới, chính sách đối với BĐBP, cần khẳng định rõ quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với khu vực biên giới, bởi biên giới là bộ mặt quốc gia, thể hiện tiềm lực quốc gia. Nếu không chú trọng đầu tư cho biên giới, sẽ hạn chế vấn đề lưu thông hàng hóa qua lại biên giới, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời, có chính sách thích đáng cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP, để xứng đáng với sự hi sinh, gian khổ bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.

Ông Thào Xuân Sùng, đại biểu QH tỉnh Hà Giang:
Việc QH đưa ra dự án Luật BPVN thảo luận, hoàn thiện để ban hành là cần thiết và cấp bách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến lược xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Về những vấn đề cụ, Ban soạn thảo cần đầu tư nghiên cứu kỹ hơn, sâu sắc hơn, xác định rõ chủ thể BĐBP phải có nhiệm vụ, quyền hạn là chủ trì xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới. Nếu xác định lực lượng khác chủ trì, khi xảy ra tình huống trên biên giới rất khó xử lý.
Hiện nay, BĐBP đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ mà Pháp lệnh BĐBP chưa điều chỉnh như: Xây dựng tiềm lực về chính trị, BĐBP đã tăng cường cán bộ về làm Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã biên giới và phát huy hiệu quả, tích cực trong củng cố cơ sở chính trị; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xây dựng mô hình tăng cường cán bộ Đồn trưởng, Chính trị viên đồn Biên phòng tham gia cấp ủy huyện biên giới và đã có sơ kết, đánh giá kết quả. Đồng thời, Ban Bí thư đã có Kết luận số 68- KL/TW ngày 5-2-2020 về thực hiện chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng vào cấp ủy cấp huyện biên giới. Do đó, Luật BPVN cần có quy định cụ thể để phát huy những thành công này nhằm xây dựng biên giới vững mạnh.

Ông Đỗ Quang Thành, đại biểu QH tỉnh Cao Bằng:
Nếu lấy tên Luật BĐBP thì chỉ nâng Pháp lệnh BĐBP và quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, chính sách của BĐBP và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Như vậy, nhiều nội dung liên quan không được điều chỉnh như: Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, nhiệm vụ quyền hạn của một số tổ chức có liên quan thực hiện nhiệm vụ biên phòng; xây dựng nền biên phòng toàn dân; thế trận biên phòng toàn dân.
Do đó, để điều chỉnh một cách tổng thể, phát huy sức mạnh toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, bảo vệ biên giới, thì tên gọi Luật BPVN là phù hợp, có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát toàn bộ phạm vi biên phòng, chứ không chỉ riêng BĐBP. Bên cạnh đó, đã bổ sung những vấn đề thực tiễn mà các văn bản pháp luật khác chưa quy định; khắc phục những thiếu sót, quy định chung chung liên quan đến các Bộ, ban, ngành và nâng cao tính pháp lý của BĐBP. Đồng thời, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về biên phòng, biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu bảo vệ biên giới quốc gia; an ninh trật tự trên địa bàn biên giới.
Đối với nhiệm vụ của BĐBP (Điều 14) đây là nhiệm vụ đặc thù của BĐBP. Tuy nhiên còn có ý kiến băn khăn tại khoản 4 Điều 14, BĐBP có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị và các văn bản pháp luật hiện hành về xây dựng BĐBP trong tình hình mới đều đã xác định BĐBP có nhiệm vụ: “Kiểm soát việc xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và qua các đường qua lại biên giới; ngăn chặn, xử lý các hành động vi phạm pháp luật về biên giới”.

Ông Vũ Xuân Hùng, đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa:
Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong đó có Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia. Tuy nhiên, việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia chưa được thể chế thành các văn bản pháp luật hiện hành, dẫn đến trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc, bất cập.
Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là sự phức tạp về an ninh chính trị trên thế giới và khu vực, vấn đề di dịch cư và an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới, tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP từ Trung ương đến địa phương, tất cả các tỉnh, thành đều có văn bản đề nghị Chính phủ nâng Pháp lệnh lên thành Luật BPVN.
Cùng với đó, thực tiễn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành lực lượng BĐBP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia... Rất cần thiết ban hành Luật BPVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong tình hình mới.
Danh Anh (thực hiện)