Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:14 GMT+7

“Những việc làm ý nghĩa của BĐBP làm rung động trái tim tôi”

Biên phòng - Cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh, giáo viên trường Phổ thông Trung học Bạch Đằng, Quảng Yên, Quảng Ninh có bài viết dài 3.000 trang tham dự Cuộc thi Tìm hiểu về biên giới và BĐBP đoạt giải Nhì (giải cá nhân). Đứng trên bục nhận giải, cô giáo Hạnh có dịp bày tỏ niềm yêu mến đối với lực lượng BĐBP bằng sự chân thành từ trái tim ấm áp và đầy xúc động.

5c30202f3f5e02712b000001
Tại buổi lễ tổng kết cuộc thi, Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP đã chúc mừng và cảm ơn cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh đã dành tình cảm đặc biệt cho lực lượng BĐBP. Ảnh: TTH 

Cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh sống trong gia đình có cha, em trai và chồng là quân nhân. Cô nuôi dưỡng tình yêu với hình ảnh người lính và bày tỏ niềm tự hào được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Ninh địa đầu, phên giậu của Tổ quốc. Điều đáng ngạc nhiên là cô giáo Hạnh khá thông hiểu kho dữ liệu về lực lượng BĐBP, từ lịch sử truyền thống đến công tác đặc thù, thường xuyên trong thời đại hiện nay. Chị bật mí, sở dĩ một cô giáo trung học như chị lại cư trú ở miền quê như Quảng Yên, biết được cả khối lượng dữ liệu khổng lồ là do trong suốt 8 tháng trời, chị tìm đọc, nghiên cứu và “lục tung” tất cả các nguồn thông tin để tìm kiếm dữ liệu làm bài dự thi tìm hiểu về biên giới và BĐBP. Chừng ấy ngày ròng rã khiến chị hoàn thiện hiểu biết của bản thân, nuôi dưỡng trong mình tình yêu lớn dần với lực lượng BĐBP. Hơn thế nữa, những điều tốt đẹp của người lính mang quân hàm xanh đã làm trong cả thời chiến và thời bình đã tiếp thêm sức mạnh cho chị. Từ chị tỏa ra tình cảm ấm áp với biên giới, với quê hương và chị đã truyền lửa, san sẻ tình yêu đó cho các học trò của mình, bổ sung vào bài giảng những điều bổ ích về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Truyền thống đáng tự hào của BĐBP giúp các học sinh của cô Hạnh thêm yêu, tự hào và ngưỡng mộ để kế thừa sự nghiệp, ý chí sự quyết tâm và niềm tin của lớp lớp thế hệ bộ đội quân hàm xanh.

Cô giáo Mỹ Hạnh tâm sự, cô tiếp cận tài liệu về biên giới và BĐBP rất khó khăn, do dữ liệu lưu trữ không nhiều. Ngoài đọc ở trên mạng xã hội, trên trang web, sách, báo, thư viện, đặc biệt là các bài viết đăng trên Báo Biên phòng, cô giáo Hạnh còn phải “cầu viện” sự trợ giúp từ bạn bè, anh chị em mình đang công tác trong lực lượng BĐBP để hoàn thiện bài thi.

Cô giáo Hạnh rưng rưng xúc động chia sẻ: “Chính những việc làm ý nghĩa của BĐBP đã rung động trái tim tôi. Cuộc thi đã mang đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc, hiểu sâu sắc về lịch sử hình thành và phát triển, vai trò vị trí, tầm quan trọng của BĐBP Việt Nam; giúp tôi thấy được những chiến công tiêu biểu, những hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn tiêu biểu của cán bộ, chiến sĩ BĐBP qua các thời kỳ. Tôi hiểu, để có được những chiến công ấy, lực lượng BĐBP phải đổi bằng mồ hôi công sức, xương máu. Ngay cả thời kỳ này vẫn còn những hy sinh thầm lặng, những đánh đổi bẳng cả cuộc đời, bằng tuổi thanh xuân của mình để giữ bình yên biên giới quốc gia”.

Theo Ban tổ chức, tất cả các bài thi đã đoạt giải trong Cuộc thi tìm hiểu về biên giới và BĐBP đều có chất lượng cao, chỉn chu, công phu và đều mang dấu ấn cá nhân mỗi tác giả, nhưng bài của cô giáo Hạnh được đặc biệt chú ý vì chan chứa tình cảm với lực lượng BĐBP. Cô giáo Hạnh chia sẻ, chính cô là người đã từng đưa các học sinh của mình ra biên giới, đến thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Đức, BĐBP Quảng Ninh - đơn vị kết nghĩa với Trường Phổ thông Trung học Bạch Đằng. Ở đây, cô Hạnh đã cùng Đoàn thanh niên của Đồn Biên phòng Quảng Đức đến thăm từng gia đình ở biên giới, tặng quà, tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho bà con. Mặc dù các gia đình ở đây nhà nào cũng đã treo ảnh Bác Hồ và có cờ Tổ quốc, nhưng khi họ nhận quà từ tay cán bộ Biên phòng, ai cũng cảm động, vì món quà ý nghĩa, vì thông điệp thiêng liêng ẩn chứa trong món quà đó. Cũng vì những hành động đẹp và giàu tình nghĩa đó nên đồng bào hết sức, hết lòng giúp đỡ BĐBP trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cô Hạnh nói, bản thân mình từng được đào tạo, chuyên tu và tập huấn nhiều, trong khi các thầy giáo mang quân hàm xanh không được trang bị kiến thức sư phạm chính quy, nhưng các anh làm được những việc thật đáng khâm phục. Những người lính nơi biên cương vẫn ngày đêm đem hết trách nhiệm và tâm huyết của mình lặn lội dạy chữ ở miền cao, vùng sâu, cho con em đồng bào thiểu số, ở cả những nơi mà hệ thống giáo dục chưa thể “phủ sóng” tới.

Điều đáng khâm phục nữa là bây giờ, các đồn Biên phòng đều dành những suất học bổng khuyến học cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình “Nâng bước em tới trường” là một chương trình ý nghĩa nhân văn. “Tôi sẽ trích tiền từ giải thưởng của mình, tặng cho quỹ “Nâng bước em tới trường” của Đồn Biên phòng Quảng Đức tặng em Lưu Thị Ninh Phương, một trường hợp trong chương trình này” - Cô Hạnh bộc bạch.

Điều cảm động hơn cả là trong quá trình làm bài thi, cô Hạnh biết được liệt sĩ Biên phòng Lù Công Thắng đã hy sinh anh dũng vì nhiệm vụ, để lại vợ và con nhỏ. Chị dành 1 triệu đồng từ giải thưởng của mình làm món quà Tết dành cho vợ con liệt sĩ Lù Công Thắng với tâm niệm, vợ của người lính trong thời bình cũng chịu nhiều hy sinh vì sự nghiệp của chồng và cô giáo Hạnh cũng là vợ một người lính nên quá hiểu điều đó.

Cuộc thi Tìm hiểu về biên giới và BĐBP đã làm lan tỏa và phổ biến sâu rộng những hiểu biết về lực lượng Biên phòng đến mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng ngược lại, chính lực lượng lại nhận về những tình cảm quá đỗi thân thương của người dự thi. Một sự truyền dẫn tình yêu, niềm tự hào ở cả 2 phía mà câu chuyện của người dự thi, cô giáo xinh đẹp, hiền dịu Đỗ Thị Mỹ Hạnh là một ví dụ.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO