Biên phòng - Tằng A Tài là một gương mặt thơ trẻ, người dân tộc Dao (Dao Thanh Y). Thơ anh mang giai điệu trong veo của suối, của khe róc rách, chảy giữa núi rừng, góp một nét xanh thầm lặng giữa mênh mông đại ngàn.

Nhà thơ Tằng A Tài, quê ở làng Hợp Thành, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Quê anh có những con suối ngày đêm chảy róc rách, bên núi Ba Hồi. Tâm hồn thơ của anh sớm rung động, đặc biệt in sâu hình ảnh người mẹ tần tảo một mình bên những thửa ruộng bậc thang nuôi 6 người con khôn lớn vì cha anh không may mất sớm. Những nỗi buồn, những giọt mồ hôi của mẹ đã đọng lại trong anh nhiều cảm xúc và bật thành những câu thơ.
Trong bài thơ “Người đàn bà”, anh viết: “Người đàn bà lầm lũi bước theo luống cày/ Trời lặng yên/ Đất lặng yên/ Con trâu cũng lặng lẽ!/ Người đàn bà góa chồng nhiều con - Tôi biết thế/ Nắng vàng lênh láng cánh đồng trăng/ Bà ngước nhìn lên đỉnh núi sương giăng/ Giật mình tưởng vành khăn tang trắng/ Đất yên lặng/ Trời yên lặng/ Con trâu cũng yên lặng!/ Người đàn bà úp mặt vào hai bàn tay/ Khô gầy và nham nhở/ Những giọt nước từ sa mạc khô/ Sâu chín tầng số kiếp/ Vặn mình đau khủng khiếp/ Chảy ướt lá mạ non xanh.../ Và tôi biết/ Có một ước mơ/ Mằn mặn khóe môi mình”.
Đề tài về người mẹ miền núi tần tảo trong hồn thơ Tằng A Tài không bao giờ vơi cạn: “Mẹ ôm mùa Đông ướt sũng /Nghẹn ngào dắt con chống gậy lạy xóm làng / Bố/Từ ấy /Bóng rừng hoang...” hay “Mẹ chìm trong khói lửa nương/ Mắt nhòe cay chát đắng/... Lưng mẹ/ Cánh đồng hạn/ Chân chim/ Sạm đất” (Mẹ tôi).
Mặc dù trong điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ anh vì thương con vẫn cố gắng tạo điều kiện cho anh đi học. Tằng A Tài học hết phổ thông tại Trường Dân tộc nội trú huyện Tiên Yên năm 1999 và thi đỗ vào khoa Triết, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2003, Tài nhận công tác tại Ban Dân tộc - Tôn giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.
Lớn lên phải sống xa quê, nhưng quê hương luôn hằn sâu trong trí nhớ của anh: “Ký ức tuổi thơ thao thức/ Lằn nhớ hằng in giấc mơ/ Đêm đêm giấc ngủ trằn trọc/ Thương bản nghèo thóc nghèo cơm/ Bẻ nhau củ khoai củ sắn/ Bát cháo gừng cay muối mặn/ Căn nhà đất chật tiếng cười/ Bây giờ sống giữa khung trời/ Thị thành hào hoa tráng lệ/ Bỗng thèm ngồi trên lưng nghé/ Ngấu nghiến củ mài đen thui” (Ký ức).
Những phong tục, tập quán quen thuộc của người Dao được tái hiện qua thơ Tằng A Tài, người đọc như cảm thấy đang đối thoại với những số phận, những mảnh đời tuy có buồn và day dứt, nhưng hầu hết đều lấp lánh một sức mạnh và niềm tin tưởng đi lên: “Mẹ địu con lên núi/ Núi Ba Hồi vững yên/ Con dìu mẹ xuống núi/ Núi Ba Hồi nghiêng nghiêng...” (Mẹ con trò chuyện).
Tằng A Tài luôn tâm niệm, thông qua ngôn ngữ văn chương để bảo tồn văn hóa dân tộc. Do đó, thơ anh luôn có sự mộc mạc và chân thật, từng câu chữ đều như muốn bày tỏ nỗi niềm, sự yêu mến quê hương và con người. Vì vậy, mảnh đất quê hương máu thịt của anh luôn là nguồn cảm hứng, những xúc động làm nao lòng người và cho những sáng tạo nghệ thuật làm đẹp cho đời.
Nơi ấy có con đường mòn len lỏi trong rừng sâu, có núi, có suối ngàn réo chảy ngày đêm, có mây bay vờn đỉnh núi, có bản làng mờ trong hơi sương, có những con người miền núi bình dị, thân thương, đậm đà tình người, tình đất. Nơi nhà thơ đã “tắm” cả tuổi ấu thơ, đầy ắp những kỉ niệm đầu đời... “Quê hương/ ấy là nơi cắt rốn bằng que nứa/ Mẹ sinh tôi bên bếp lửa than hồng/ Trong tiếng khóc tôi gào tên của núi/ Núi Ba Hồi sừng sững phía trời Đông/ Ơi con chim bé bỏng trong lồng/ Tháng hai lây phây mưa phùn thấm nhẹ/ Tôi uống mặt trời trên lưng mẹ/ Thét khúc rừng ca nương lúa đâm chồi”. Hay: “Anh không về với người Dao quê em/ Mùa hạ tới đất trời xanh lắm đó/ Nắng từng trang mở lòng cười hớn hở/ Em trên đồi lá rủ gió song ca... Anh không về thăm bản thăm em/ Cô gái vùng cao đêm đêm thêu váy thắm/ Trăng mười sáu - vầng trăng tròn trĩnh lắm/ Như cái vòng em đeo/ Như cái mong cái nhớ nhắc anh về” (Cô gái vùng cao).
Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng, những phong tục tập quán độc đáo của người dân tộc Dao, thì chuyện khó nhọc và cuộc sống đói nghèo của người miền núi cũng được anh khắc họa chân thực: “Con chó gặm miếng thịt chạy quanh bờ ruộng/ Người đàn bà hớt hải đuổi theo/ Những mái nhà tranh eng éc lợn kêu/ Báo hiệu mùa xuân đang đến/ Con chó gặm miếng thịt chạy hổn hển/ Người đàn bà thục mạng đuổi sau/ Sáu đứa con nheo nhéo đứng nhìn nhau/ Bỗng khóc như thể ống gạo cuối cùng trong nồi bốc cháy”... (Miếng thịt sinh tồn).
Tằng A Tài không chỉ làm thơ mà còn sáng tác nhạc, có khi chắp cánh cho chính những lời thơ của mình để thành những giai điệu mượt mà, trầm lắng, mang đậm phong cách vùng cao như bài “Người đàn bà”, “Ru mẹ”... Cũng có khi anh phổ nhạc cho những bài thơ của bạn thơ, những bài thơ mang âm hưởng núi rừng và cũng có những giai điệu nghe như tiếng rì rào sóng vỗ.
Với sự say mê trong nghề, đến nay Tằng A Tài đã cho ra đời một số tập thơ riêng, trong đó, tập thơ “Bông mây” của anh đoạt giải C Giải thưởng Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam 2006. Đây là giải cao nhất (không có giải A và B). Những bài thơ trong tập thơ “Bông mây” được đánh giá cao là sáng tác bằng trực cảm, cách nhìn nhận đôn hậu, đằng sau mỗi câu thơ là sự suy ngẫm về đời người: “Bài ca bông lúa vàng hươm mùa chín rộ/ Hạnh phúc mỏng tang như hơi thở/ Nhưng thường trực trong tôi từ lúc chào đời/ Lúc mồ hôi người nông dân mặn thấm thịt da tôi” (Ruộng).
Hiện nay, hòa nhịp với dòng chảy của thơ, Tằng A Tài đang “lấn sân” sang lối thơ hậu hiện đại với các tập thơ như: Kháng sinh 1, Kháng sinh 2..., nhưng lối viết độc đáo, với những bài thơ viết cho người miền núi, cho dân tộc mình mới thực sự là thế mạnh của anh.
Hồng Hà