Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 04:25 GMT+7

Những “tượng đài máu” trên biên giới Tây Ninh

Biên phòng - Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, BĐBP Tây Ninh có 125 cán bộ, chiến sĩ đã hóa thân vào lòng đất mẹ; 238 người trở thành thương binh. Vì thế, ở các đồn Biên phòng từ Chàng Riệc đến Xa Mát, Lò Gò, Phước Tân… đều có bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Với người dân Tây Ninh thì đó là những “tượng đài máu” được tạc nên bởi sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Biên phòng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Bài 1: Vững vàng Xa Mát

Bài 2: Phước Tân anh hùng

Những năm gần đây, bia tưởng niệm 36 liệt sĩ Đồn Biên phòng Phước Tân, BĐBP Tây Ninh đã trở thành điểm đến, điểm du lịch văn hóa, tâm linh quen thuộc của nhân dân huyện Châu Thành nói riêng và thế hệ trẻ tỉnh Tây Ninh nói chung.

2pgx_10a
Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Tân bên bia tưởng niệm. Ảnh: Đăng Bảy

Trận chiến đấu 7 ngày đêm

Buổi chiều, khi ra thăm bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Phước Tân, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy ở đây đã có sẵn một bó hoa tươi, 2 lon bia Tiger đã bật nắp và 3 nén nhang thơm còn cuộn khói. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, Thượng tá Nguyễn Huy Chiến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Tân giải thích: Nhiều người dân địa phương đi ngang đây hay ghé vào thắp nhang tưởng nhớ các liệt sĩ. Có người mời các liệt sĩ điếu thuốc, xị rượu hay lon bia, có người cúng nải chuối, trái cây trồng được trong vườn... Vào các dịp lễ, Tết, nhân dân tổ chức cúng, dâng hương chu đáo hơn.

Tôi đã có dịp viếng thăm nhiều bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ trên cả nước, nhưng theo cảm nhận cá nhân, chưa có tấm bia nào giản dị mà lại đẹp bằng tấm bia này. Trong khuôn viên có rất nhiều cây xanh, một hòn đá xẻ đôi, cao vút được dựng lên. Trên đó là danh sách 36 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.

Đại tá Cao Văn Vĩnh, Phó Chính ủy BĐBP Tây Ninh, tác giả của bia tưởng niệm này cho biết: Không chỉ thể hiện sự vững chắc ngàn đời của chủ quyền thiêng liêng, tấm bia đá đó còn là biểu tượng của cột mốc biên cương, là biểu tượng của hòn đá thề từ thời các vua Hùng dựng nước... Bên cạnh bia tưởng niệm là một gò đất nhỏ trồng hoa, trong đó có hoa mua, hoa sim và nhiều loại hoa khác, bốn mùa khoe sắc; liền phía sau là một cái ao sen. Mảnh đất phía trước, giáp với đường đi, Đại tá Cao Văn Vĩnh đã cho trồng 36 cây hoa mai, tượng trưng cho 36 liệt sĩ...

Cùng có mặt với chúng tôi tại bia tưởng niệm, cựu chiến binh Lê Xuân Kinh, người trực tiếp chiến đấu trong trận đánh ác liệt đó, xúc động nói: Nơi đặt bia tưởng niệm này trước kia là vị trí đóng quân của Đồn Biên phòng 479 (nay là Đồn Biên phòng Phước Tân, đã chuyển sang địa điểm mới, cách đó gần 1km). Đây chính là nơi mà gần 40 năm trước, đồng đội của tôi đã nằm xuống trong trận chiến 7 ngày đêm chống lại sự tấn công điên cuồng của quân Khmer đỏ... Ông kể: Rạng sáng ngày 17-11-1977, chúng dùng 2 trung đoàn, chia làm 3 mũi tấn công trực diện vào Đồn Biên phòng Phước Tân. Tuy địch đông, ta ít cả về quân số lẫn vũ khí, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Tân đã anh dũng chiến đấu, bám trụ trên trận địa, với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”.

Ông Đỗ Văn Phúc, nguyên Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Tân (tháng 11-1977, là Chuẩn úy, Trung đội trưởng vũ trang) nhớ lại: Sau khi bị ta bẻ gãy nhiều đợt tấn công ồ ạt ban đầu, quân Khmer đỏ cho đào công sự, lập nhiều vòng vây xung quanh rồi dùng hỏa lực mạnh bắn cấp tập vào trận địa của ta, hòng xóa sổ đồn Biên phòng. Lực lượng ta, số hy sinh, số bị thương ngày càng tăng, vũ khí bị tiêu hao đáng kể, nhưng tinh thần chiến đấu thì không hề nao núng. Trận chiến không cân sức ngày càng trở nên ác liệt. Bom đạn nổ vang suốt ngày đêm, khói lửa, bụi đỏ bốc lên ngút trời. Đến ngày 24-7-1977, khi có lực lượng chi viện, ta đã đánh bật được quân Pôn Pốt về bên kia biên giới...

Trong trận chiến đấu ác liệt kéo dài 7 ngày đêm đó, Đồn Biên phòng Phước Tân đã đẩy lùi 38 đợt tấn công của địch, tiêu diệt trên 200 tên, thu nhiều vũ khí. Cũng trong trận đánh ác liệt này, 36 cán bộ, chiến sĩ ta đã mãi mãi nằm lại nơi mảnh đất biên cương. Ngày 31-10-1978, Đồn Biên phòng Phước Tân vinh dự được tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Là một trong những người đầu tiên nhận lệnh đi triển khai thành lập Đồn Biên phòng Phước Tân (tháng 5-1975), ông Nguyễn Hữu Minh, nguyên là chiến sĩ thông tin, cơ yếu của đồn, nhớ lại: Ngày ấy, doanh trại của Đồn Công an nhân dân vũ trang Phước Tân chỉ là những căn nhà lá che mưa nắng, cột kèo làm bằng cây rừng. Công sự phòng thủ, hầm hào không được xây dựng vững chắc như sau này. Khi đánh nhau với lính Khmer đỏ, lúc đó đang là cuối mùa mưa, có nhiều chỗ bộ đội ta phải ngâm mình dưới hào ngập nước. Có lúc ta và địch chỉ cách nhau 10m, nhưng anh em vẫn không hề nao núng. Nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, quả cảm như Hạ sĩ Lê Văn Tí, bị thương, mất một mảng xương đầu; Trung sĩ Phùng Bá Sinh bị thương nặng ở chân nhưng vẫn kiên quyết bám trụ, không chịu lùi về tuyến sau; Binh nhất Lò Hải Quỳnh, dù bị thương, nhưng vẫn bắn 82 quả ĐKZ, đến chảy cả máu tai, mới chịu để đồng đội dìu vào hầm trú ẩn. Hay như Chính trị viên, Thượng úy Phạm Văn Hiểu (sinh năm 1930, quê Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã nhận quyết định Phó Chủ nhiệm Hậu cần Công an nhân dân vũ trang tỉnh Tây Ninh, nhưng nghe cấp trên dự báo địch sắp tấn công đồn, anh đã xin ở lại chiến đấu vì sợ Đại úy Nguyễn Hữu Lãi (người nhận Chính trị viên thay anh Hiểu) mới về, còn bỡ ngỡ... Sáng 17-7-1977, Thượng úy Phạm Văn Hiểu đã hy sinh anh dũng, trong túi áo còn nguyên quyết định bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Hậu cần...

8jqc_10b
Ông Lê Xuân Kinh (bên trái) trò chuyện cùng cán bộ Biên phòng. Ảnh: Đăng Bảy

Trong ký ức của ông Lê Xuân Kinh không thể quên được hình ảnh hai chiến sĩ trẻ là Phạm Văn Liêm (quê Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định) và Nguyễn Mạnh Phơn (quê Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình). Ông kể, không biết có linh cảm gì không mà hồi đấy, hai chiến sĩ này được bố mẹ từ ngoài Bắc vào thăm, ở lại chơi với con, với đơn vị 10 ngày. Sau đó, cả hai được nghỉ tranh thủ, tiễn bố mẹ ra bến xe Tây Ninh để về Bắc. Lúc đó, không khí chiến sự đã căng lắm rồi, nên mọi người nghĩ, có lẽ Liêm và Phơn sẽ nhân dịp đó theo bố mẹ ra Bắc luôn. Nhưng không, cả hai đã quay lại đúng hẹn. Đến đơn vị buổi chiều thì đến khuya xảy ra chiến sự. Cả Liêm và Phơn đều chiến đấu anh dũng và hy sinh khi mới 19 tuổi. Và đó cũng là lần cuối cùng hai người lính trẻ này được gặp bố mẹ mình...

Ông Kinh nói, chuyện của liệt sĩ, Thượng úy, Đồn trưởng Dương Văn Nho cũng rất xúc động. Anh hy sinh khi vợ đang mang bầu. Sau khi con ra đời, vì quá yêu chồng, vợ anh đã đặt tên cho con trai là Dương Phước Tân để mãi ghi nhớ địa danh Phước Tân nơi chồng và đồng đội của chồng đã chiến đấu, anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cựu chiến binh Lê Xuân Kinh, quê ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, nhập ngũ tháng 11-1970. Lúc xảy ra trận đánh 7 ngày đêm, ông là Đội trưởng Đội Trinh sát, trực tiếp cầm súng cùng anh em chiến đấu bảo vệ Đồn Phước Tân. Sau khi giải ngũ, vì quá thương nhớ đồng đội, ông đã ở lại, lập nghiệp ngay tại mảnh đất biên cương mà ông và đồng đội từng đổ xương máu. Hơn 40 năm qua, ông vẫn thường xuyên ra thắp hương cho đồng đội cũ. Cũng ngay tại bia tưởng niệm này, ông Kinh đã có dịp kể cho Dương Phước Tân nghe về sự hy sinh anh dũng của bố anh - Đồn trưởng Dương Văn Nho.  

Bài 3: Những chiến công oai hùng

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO