Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 08:38 GMT+7

Những “tượng đài máu” trên biên giới Tây Ninh (bài 3)

Biên phòng - Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, BĐBP Tây Ninh có 125 cán bộ, chiến sĩ đã hóa thân vào lòng đất mẹ; 238 người trở thành thương binh. Vì thế, ở các đồn Biên phòng từ Chàng Riệc đến Xa Mát, Lò Gò, Phước Tân… đều có bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Với người dân Tây Ninh thì đó là những “tượng đài máu” được tạc nên bởi sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Biên phòng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Bài 1: Vững vàng Xa Mát

Bài 2: Phước Tân anh hùng

Bài 3: Những chiến công oai hùng

Chúng tôi tới Đồn Biên phòng Lò Gò (đóng quân tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đúng lúc đơn vị tổ chức khánh thành bia tưởng niệm 13 liệt sĩ.

06uy_10a
Đại úy Chu Tiến Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lò Gò giới thiệu cho chiến sĩ trẻ lịch sử chiến đấu hào hùng của đơn vị. Ảnh: Đăng Bảy

Theo Đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy BĐBP Tây Ninh, tổng kinh phí xây dựng trên 500 triệu đồng do UBND tỉnh Tây Ninh hỗ trợ. Đồn Biên phòng Lò Gò (trước kia là Trạm Biên phòng 73) là đơn vị được thành lập cùng lúc với Trạm Biên phòng 27 (Xa Mát), thuộc Đoàn 180, Ban An ninh vũ trang miền Nam. 

Lò Gò - công sự dưới lòng đất

Là Chính trị viên đầu tiên của Trạm Biên phòng 73 Lò Gò, Đại tá Nguyễn Phong Giang, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP nhớ lại: Lúc mới thành lập, đơn vị vô cùng khó khăn, nhà cửa lụp xụp, tạm bợ, chủ yếu làm bằng cây rừng, lợp tranh, muỗi mòng nhiều vô kể... Tuy nghiệp vụ còn non trẻ, nhưng đơn vị đã phát hiện và triệt phá một số vụ án phản động, các toán cướp có vũ trang. An ninh chính trị ngày càng được đảm bảo ổn định, lòng dân biên giới thêm tin tưởng vào cách mạng. Giai đoạn chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã chiến đấu kiên cường, bảo vệ an toàn địa bàn, tài sản, tính mạng của nhân dân.

Theo ông Trịnh Huy Phương, Đồn trưởng Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Lò Gò giai đoạn 1977-1979 kể:?Trước sự hung hãn của lính Khmer đỏ, giữa năm 1977, đơn vị đã triển khai đào hệ thống phòng thủ ngầm xung quanh đồn, kết nối với 3 điểm chốt tương ứng với 3 mũi phòng thủ trên 3 hướng. Tại mỗi điểm chốt đều cho đào thêm nhiều hầm nhỏ, mỗi hầm chứa được 2 người. Sau đó, đơn vị đã chuyển toàn bộ vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm xuống 3 điểm chốt. Với độ sâu 1,5m, mọi hoạt động của đơn vị, các kíp trực vẫn diễn ra bình thường dưới lòng đất. Mỗi ngày, bộ đội chỉ được ăn một bữa cơm trưa, còn lại là dùng lương khô. Một cái giếng sâu 15m cũng đã được đào sẵn, nhưng nước chỉ đủ dùng cho sinh hoạt cá nhân, còn tắm rất hạn chế, chủ yếu là tắm “khô”.

Ngày 22-1-1978, lính Khmer đỏ sử dụng 1 tiểu đoàn tăng cường, có trang bị hỏa lực mạnh, cối 105mm và 120mm, tấn công  Đồn CANDVT Lò Gò. Lúc đầu, chúng nã đạn như mưa, sau đó lùa quân áp sát đồn, nhưng chúng đã gặp phải sự phản kháng quyết liệt của ta. Chớp lửa sáng lòa, bụi đất, đá bay mù mịt, hơi thuốc súng nồng nặc, xác địch như ngả rạ. Bãi mìn và hàng rào dây thép gai phía ngoài cổng đồn trở thành một trợ thủ đắc lực cho ta tiêu diệt địch. Bị tiêu hao lực lượng, địch không dám hung hăng xông lên trận địa của ta như lúc đầu nữa. Một ngày sau thì chúng rút lui, để lại rất nhiều xác chết.

2t7i_10b
Bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Lò Gò vừa được xây mới. Ảnh: Đăng Bảy

Ông Phạm Ngọc Bảo (năm 1978 là Trung úy, Chính trị viên Đồn CANDVT Lò Gò) nhớ lại: Trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, tuy khó khăn, gian khổ, lại phải chiến đấu trong điều kiện công sự, hầm hào ngập nước, nhưng ý chí của cán bộ, chiến sĩ ta vẫn kiên cường. Đơn vị đã chiến đấu và phối hợp chiến đấu 385 trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch, gọi hàng 26 tên; thu và phá hủy 443 vũ khí các loại, 4,5 tấn đạn. Để giữ được đơn vị, giữ được sự bình yên cho nhân dân, giữ chủ quyền biên giới quốc gia, 13 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ Tây Ninh.

Chàng Riệc kiên trung

Nếu Xa Mát và Lò Gò là 2 đồn được thành lập đầu tiên ở miền Nam, thì Đồn CANDVT Chàng Riệc lại được thành lập sau giải phóng (ngày 20-8-1977). Lúc đầu, biên chế được lấy từ quân số được tăng cường của CANDVT Thanh Hóa chi viện cho Tây Ninh. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ đã được trui rèn, thử thách, trong đó có Đại úy, Đồn trưởng Lê Văn Nông từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở giới tuyến quân sự tạm thời Vĩnh Linh. Do vậy, chỉ sau một tháng được thành lập, đơn vị đã vững vàng chống trả các cuộc tấn công điên cuồng của quân Khmer đỏ.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, nguyên là nhân viên vận động quần chúng nhớ lại: Lúc mới thành lập, cơ sở vật chất của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Cả đồn chỉ có 2 căn nhà tranh tạm bợ, trong đó, 1 căn dùng để chứa vũ khí, lương thực. Ban chỉ huy đồn và phần lớn cán bộ, chiến sĩ phải ở tạm trong nhà dân.

Ghi nhận những chiến công oai hùng, tháng 3-1979, Đồn CANDVT Lò Gò và Đồn CANDVT Chàng Riệc được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Chi đoàn Đồn CANDVT Lò Gò được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng cờ “Tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc” (đây là chi đoàn đầu tiên của Tây Ninh được nhận danh hiệu này). Nhiều cá nhân, tập thể của 2 đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và hạng Ba.

Ông Lê Văn Nghĩa, nguyên Trung đội phó vũ trang nhớ lại: Lúc 0 giờ 5 phút, bọn Khmer đỏ dưới sự yểm trợ của pháo binh đã tấn công vào Đồn CANDVT Chàng Riệc và địa bàn. Chốt B9 (cách đồn 5km về hướng Tây Bắc) bị khoảng 1 tiểu đoàn quân Khmer đỏ tấn công đầu tiên. Lúc này, tại Chốt B9 chỉ có 1 Tiểu đội CANDVT, do Binh nhất, Tiểu đội trưởng Trần Đình Dậu phụ trách và 1 trung đội phối hợp của Trung đoàn 201, Quân khu 7.

Liên tục trong 3 ngày đêm, ỷ thế đông, bọn Khmer đỏ liên tiếp tổ chức các đợt tấn công vào các trận địa của ta, nhất là Chốt B9. Tuy quân số, trang bị ít, nhưng cán bộ, chiến sĩ ta chiến đấu rất dũng cảm, nhiều lần đánh bật quân dịch, không cho chúng chiếm trận địa, bảo vệ đồn, chốt, tài sản, tính mạng người dân an toàn. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm như đồng chí Nguyễn Tài Kiêu, là y tá của đơn vị, bị địch bắn vào bụng, bị thương rất nặng nhưng vẫn dũng cảm chiến đấu. Đồn trưởng Lê Văn Nông bị sức ép của súng ĐKZ, chảy máu tai, máu mũi nhưng vẫn cầm súng chiến đấu và chỉ huy đơn vị. Đồng chí quán triệt: “Mỗi đồng chí giữ lấy 1 quả lựu đạn. Nếu địch chiếm được đơn vị thì kiên quyết tử thủ, không để chúng bắt”...

Nhờ mưu trí, dũng cảm nên Đồn CANDVT Chàng Riệc đã cùng với các lực lượng khác đánh bại các cuộc tấn công của địch, giữ vững từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc. Sau này, đơn vị còn tổ chức đánh trả 4 trận tấn công của địch, tiêu diệt hàng chục tên, thu nhiều vũ khí, khí tài. Trong các cuộc chiến đấu anh dũng đó, đơn vị có 5 đồng chí hy sinh và 9 đồng chí bị thương.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO