Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:07 GMT+7

Những tư liệu mới về Trung tướng Hà Ngọc Tiếu - Nguyên Phó Tư lệnh BĐBP

Biên phòng - Cố Trung tướng Hà Ngọc Tiếu, nguyên Phó Tư lệnh Lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) sinh năm 1921 tại xã Trực Tiến, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ông thuộc lớp cán bộ hoạt động trước cách mạng tháng 8 năm 1945 và là một trong số ít những vị tướng sớm có mặt và đóng góp nhiều công sức, trí tuệ xây dựng Lực lượng BĐBP trưởng thành như ngày nay.

600-24an
Trung tướng Hà Ngọc Tiếu

Cho đến nay, đã có nhiều bài viết về những cống hiến to lớn của Trung tướng Hà Ngọc Tiếu đối với Lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nhưng còn rất ít tác giả đề cập đến những hoạt động của ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Mới đây, trong khi sưu tầm tư liệu về Lực lượng Tự vệ Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, chúng tôi được ông Nguyễn Quang Ngọc, nguyên là liên lạc của Trung tướng Hà Ngọc Tiếu từ năm 1946 - 1949, hiện trú tại số 4C, phố Nguyễn Thái Học, phường Ba Đình, Thành phố Hà Nội cung cấp một số tư liệu về Trung tướng Hà Ngọc Tiếu trong những năm ông hoạt động bí mật ở Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và Khu 7 .

Theo tư liệu của ông Nguyễn Quang Ngọc thì ngay từ năm 1944, đang hoạt động bí mật ở Hà Nội và Hải Phòng, thì ông Hà Ngọc Tiếu, lúc đó tên là Nguyễn Văn Hoàn bị mật thám Pháp theo dõi rồi truy bắt. Để thoát được mạng lưới mật thám dày đặc luôn theo sát từng bước chân, ông đã bí mật vào Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn để tiếp tục hoạt động trong giới thợ thuyền. Với vỏ bọc là võ sư dạy môn Hướng đạo sinh, ông đã lãnh đạo và tổ chức cho anh chị em công nhân Nghiệp đoàn Da giày Sài Gòn tham gia phong trào đấu tranh chống bọn thực dân xâm lược, cùng với Lực lượng Thanh niên Tiền phong do bác sỹ Phạm Ngọc Thạch lãnh đạo.

Ngày 23-9-1945, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, hơn một triệu người dân Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn nhất tề đứng dậy giành chính quyền từ tay quân Nhật. Đoàn biểu tình đã bao vây Dinh Đốc lý (nay là Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) trên đường Lagrandiere (nay là đường Lý Tự Trọng). Trong dòng người cuồn cuộn khí thế cách mạng, ông Nguyễn Văn Hoàn dẫn đầu hơn 100 công nhân của Nghiệp đoàn Da giày Sài Gòn tiến thẳng vào Dinh Đốc lý.

Ông Nguyễn Quang Ngọc kể lại: “...Lúc đó tôi đi theo anh Nguyễn Văn Hoàn cung với đoàn biểu tình vào Đinh Đốc lý. Tôi còn nhớ rất rõ là những người tham gia biểu tình chẳng có vũ khí gì. Ngoài mấy khấu mút cơ tông cũ kỹ và vài quả lựu đạn tự chế, thì chỉ có gậy tầm vông vót nhọn và mã tấu. Nhưng lúc đó, tinh thần của bọn lính Nhật canh giữ Dinh Đốc lý rất suy sụp, hoang mang. Hầu như bọn chúng không hề có phán ứng gì, chỉ đứng nhìn chúng tôi. Bọn chúng còn tỏ ra sợ hãi, cố lảng ra xa đứng nhìn chúng tôi ào ào bao vây Dinh Đốc lý. Anh Nguyễn Văn Hoàn tay cầm khẩu mút cơ tông dẫn đầu đoàn thợ của Nghiệp đoàn Da giày xông thẳng vào phòng làm việc của tên thống đốc, buộc y phải giao Dinh Đốc lý cho anh...”.

Nhưng chỉ một tháng sau, núp dưới bóng quân Đồng Minh do tướng Henry Gracey - Tư lệnh Binh đoàn 20 của Quân đội Hoàng gia Anh chỉ huy, quân Pháp đã trở mặt gây hấn ở Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn vào đêm ngày 23-10-1945. Việc đầu tiên là chúng chiếm lại Dinh Đốc lý. Ông Nguyễn Văn Hoàn chỉ huy một phân đội vũ trang chống trả quyết liệt. Nhưng với thế mạnh như chẻ tre, quân Pháp đã chiếm được Dinh Đốc lý, buộc đơn vị của ông Nguyễn Văn Hoàn phải rút ra Chiến khu Láng Le - Vườn Thơm. Đầu năm 1946, địch tăng cường khủng bố, đánh phá ác liệt các cơ sở bí mật của ta trong nội đô Sài Gòn. Các đồng chí Hoàng Minh Châu, Hà Huy Giáp và ông Nguyễn Văn Hoàn lần lượt bị mật thám bắt, rồi giam tại bót Catinat Sài Gòn. Bọn mật thám Pháp và lũ chỉ điểm người Việt thay nhau tra tấn các ông.

Trong những ngày bị giam cầm, bị tra tấn bằng đủ các ngón đòn của địch, ông Nguyễn Văn Hoàn không những không khai báo bất kỳ điều gì có liên quan đến kháng chiến, mà còn tỏ thái độ coi thường lũ mật thám. Ông Nguyễn Quang Ngọc kể lại “Khi làm liên lạc cho anh Nguyễn Văn Hoàn ở Chiến khu Vuờn Thơm, tôi cứ thắc mắc vì sao anh lại có tên là Hà Ngọc Tiếu. Một hôm, anh kể cho tôi nghe về những ngày anh bị giam tại bót Catinat và vì sao anh lại có tên là Hà Ngọc Tiếu. Anh nói là trong đám mật thám ở bót Catinat không phải đứa nào cũng có nghiệp vụ giỏi giang. Nhiều đứa khi hỏi cung tỏ ra ngờ nghệch, biểu lộ nghiệp vụ non kém. Anh Tiếu vắn là người có nhiều kiến thức về hoạt động bí mật và có nhiều kinh nghiệm đối phó với các tình huống nguy hiểm, gay cấn khi bị địch theo dõi, vây bắt.

Sau mỗi lần bị hỏi cung, bị tra tấn dã man được trả về phòng giam thì anh lại cười chúng. Anh em cùng phòng giam rất thắc mắc vì sao anh còn cười được khi thân thể bị bầm dập bởi đòn thù. Anh Tiếu giải thích là bọn địch rất ngớ ngẩn khi hỏi cung, nên khi nghĩ đến sự dốt nát của chúng thì lại muốn cười cho thỏa thích trước sự ngu dốt của bọn tay sai bán nước. Vì vậy anh em tù chính trị đã đặt cho anh tên mới là Hà Ngọc Tiếu. Theo tiếng Hán thì Hà còn có nghĩa là muốn, Tiếu nghĩa là cười, Ngọc có hàm ý ví anh Tiếu như viên ngọc quý. Ghép ba chữ này thì có nghĩa là một người tốt muốn cười. Kể từ đó, anh Nguyễn Văn Hoàn mang tên mới là Hà Ngọc Tiếu cho đến khi anh qua đời vào năm 2010.

Ông Nguyễn Quang Ngọc còn cho chúng tôi biết Trung tướng Hà Ngọc Tiếu còn có tài viết kịch, làm thơ, viết báo. Ông kể “ ...Những ngày bị giam cầm ở bót Catinat, đồng chí Hà Huy Giáp có viết vở kịch thơ với tựa đề Nguyễn Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi. Trong vở diễn này, ông Lê Việt Tiến (còn có tên là Lều Thọ Bính), nguyên là một công chức của Pháp đã tự nguyện tham gia Tự vệ Thành rồi bị bắt giam, đã đóng vai Nguyễn Trãi và anh Nguyễn Văn Hoàn đóng vai Nguyễn Phị Khanh. Sau đêm biểu diễn đó, bọn mật thám càng tra tấn các tù chính trị dã hơn, hòng buộc các anh phải nhụt ý chí chiến đấu, không thể để đòn roi của kẻ thù gây hoang mang cho tù nhân, chỉ ít tháng sau, anh Nguyễn Văn Hoàn lại viết một vở kịch thơ “Trần Bình Trọng thà chết chứ không đầu hàng giặc”. Lần này anh Hoàn đóng vai Trần Bình Trọng. Bọn địch lại tra tấn các anh dữ dằn hơn lần trước. Anh Nguyễn Văn Hoàn bị chúng đánh nhiều nhất, vì can tội “cầm đầu lũ cứng cổ”. Song anh vẫn làm thơ để động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của anh em tù chính trị... ”

Sau ngày Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp 6-3-1946 có hiệu lực, ông Hà Ngọc Tiếu được địch trả tự do, cũng là thời điểm Khu trưởng Khu 7 Nguyễn Bình ký quyết định thành lập Lực lượng Tự vệ Thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Khi mới thành lập, Ban chỉ huy Lực lượng Tự vệ Thành gọi là Thành bộ Tự vệ, gồm có các ông: Nguyễn Xuân Diệu (Nguyễn Thanh Chương) là Chỉ huy trưởng; Nguyễn Mạnh Liên ( Vũ Kiên Chinh) và Nguyễn Văn Tư (Trịnh Văn Hà) là Chỉ huy phó. Đầu tháng 4-1946, cả hai ông Nguyễn Mạnh Liên và Trịnh Văn Hà đều bị mật thám bắt. Đẻ kiện toàn bộ máy lãnh đạo Lực lượng Tự vệ Thành, tháng 10-1946, Khu trưởng Nguyễn Bình bổ nhiệm ông Hà Ngọc Tiếu chức vụ Chỉ huy phó Lực lượng Tự vệ Thành. Tháng 4-1947, tại Chiến khu Vườn Thơm, 4 cán bộ là Hà Ngọc Tiếu, Nguyễn Tứ Phương, Hồ Hữu Đức và Trần Bá Hào được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) do đồng chí Nguyễn Văn Mười - Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Bộ phụ trách Đảng bộ Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn chủ trì lễ kết nạp.

Ba tháng sau (tháng 7-1947), khi bốn đảng viên này được công nhận là đảng viên chính thức, thì đồng chí Nguyễn Văn Mười ký quyết định thành lập một chi bộ độc lập, do đồng chí Hà Ngọc Tiếu làm Bí thư chi bộ. Đây là chi bộ đầu tiên của Lực lượng Tự vệ Thành Sài Gòn. Ít tháng sau, do yêu cầu nhiệm vụ, ông Nguyễn Xuân Diệu được Bộ Chỉ huy Khu 7 giao chức trách là Hiệu trưởng Trường Quân chính Khu 7, thì đồng chí Hà Ngọc Tiếu được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Lực lượng Tự vệ Thành, trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ tác chiến trong nội đô và chỉ đạo Ban Tác chiến, Ban chính trị thuộc Lực lượng Tự vệ Thành.

Tháng 5-1947, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn ra quyết định thành lập một trung đoàn chủ lực đầu tiên, lấy phiên hiệu là Trung đoàn Phạm Hồng Thái, gồm ba tiểu đoàn: Tiểu đoàn Hoàng Văn Thụ, Tiểu đoàn Ngô Gia Tự và Tiểu đoàn Ký Con. Khi mới thành lập, Ban chỉ huy Trung đoàn Phạm Hồng Thái gồm các đồng chí: Huỳnh Văn Vàng - nguyên là Trưởng Công an Thành Sài Gòn là Trung đoàn trưởng, Nguyễn Văn Hâm (Sáu Hâm) đại diện 6 Ban Công tác Thành là Trung đoàn phó và Hà Ngọc Tiếu là Chính trị viên.

Trung đoàn Phạm Hồng Thái có nhiệm vụ bảo vệ các Chiến khu Vườn Thơm, Láng Lê - Bàu cỏ, Kinh Xáng và các cơ quan lãnh đạo của Xứ ủy và ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Bộ Chỉ huy Khu 7 và các cơ quan thuộc Ủy ban Kháng chiến Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, phối hợp với lực lượng chiến đấu trong nội đô Sài Gòn tác chiến đánh địch, hỗ trợ phong trào đấu tranh của nhân dân. Ngày 15-4-1948, Lữ đoàn Âu Phi vừa từ Pháp sang Sài Gòn, với hơn 3.600 quân mở trận càn quy mô lớn bằng bộ binh, kết hợp với máy bay và tàu chiến, hòng xóa sổ Chiến khu Vườn Thơm, bao gồm khu vực Vườn Thơm, Bà Vụ và Tân Nhật (gồm Láng Le - Bàu Cỏ).

Trong trận chiến đấu không cân sức này, Chính trị viên Hà Ngọc Tiếu cùng Ban Chỉ huy Trung đoàn Phạm Hồng Thái đã chỉ đạo các tiểu đoàn kiên cường bám trụ địa bàn, tổ chức chiến đấu linh hoạt, kiên quyết ngăn chặn các mũi tiến công của địch, diệt và làm bị thương hơn 300 tên lính Âu Phi tinh nhuệ, bảo vệ an toàn các cơ quan dân, chính, đảng tại Chiến khu Vườn Thơm. Sau trận đánh oanh liệt này, Chính trị viên Hà Ngọc Tiếu được điều về Phòng Quân báo Khu 7 với cương vị là Trưởng phòng.

Cuối năm 1948, theo chỉ thị của Trung tướng Nguyễn Bình, ông đã triệu tập một cuộc họp quan trọng gồm Đại đội trưởng của 10 Đại đội du kích (nguyên là các Ban công tác Thành cũ) tại Trung Huyện - Chợ Lớn. Tại cuộc họp này, Trung tướng Nguyễn Bình đã quyết định đổi tên 10 Đại đội du kích thành 10 Ban Công tác Thành như trước năm 1947 và thành lập Ban Thường vụ 200 - CT để chỉ đạo 10 Ban Công tác Thành. Ban Thường vụ 200 - CT do đồng chí Phạm Ngọc Thảo làm Trưởng ban và đồng chí Hà Ngọc Tiếu làm Phó ban.

Cuối tháng 7/-950, hai đội viên biệt động là Quảng Thị Nguyệt (còn có tên là Quảng Thị Mùi) và Võ Thị Nga (còn có tên là Võ Thị Như) bị mật thám bắt giam tại nhà tù Thành Kèn (Biên Hòa), đã tổ chức cho các tù chính trị vượt ngục. Bà Quảng Thị Nguyệt đã bí mật cho cơ sở báo cáo kế hoạch vượt ngục và đề nghị Trưởng phòng Quân báo Khu 7 Hà Ngọc Tiếu hỗ trợ. Ông đã chỉ đạo Phòng Quân báo khu 7 cử cán bộ đến trợ giúp anh chị em tù chính trị vượt ngục. Sau khi số tù chính trị thoát khỏi nhà tù Thành Kèn, địch liền chuyển hai bà Quảng Thị Nguyệt và Võ Thị Nga về giam tại nhà tù Thủ Đức.

Khi được địch trả tự do, bà Quàng Thị Mùi lại tổ chức cho anh chị em tù chính trị ở nhà tù Thủ Đức vượt ngục. Như lần trước, bà Quảng Thị Mùi cử hai đội viên của Ban Công tác Thành số 6 vào Chiến khu Đ báo cáo kế vượt ngục. Được trưởng ban Quân báo Khu 7 ủng hộ, hơn 200 tù chính trị đã thoát khỏi nhà tù Thủ Đức. Tuy nhiên, vào phút chót của cuộc vượt ngục tập thể, một tên lính gác đi chơi về vô tình phát hiện thấy các tù nhân đang trèo tường thoát ra ngoài. Tên lính gác vội leo lên tháp canh, bắn một băng đại liên làm cho hơn 20 tù nhân bị hy sinh, số tù nhân chưa kịp chạy thoát lại bị bắt giam tại Thủ Đức.

Năm 1953, theo yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí Hà Ngọc Tiếu được ra Bắc tập huấn nghiệp vụ. Khi trở lại Nam Bộ, ông được Chính phủ ủy nhiệm mang theo 36 kg vàng để giúp cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Năm 1954, ông ra Bắc tập kết, rồi công tác tại Cục II (nay là Tổng cục II) Bộ Quốc phòng. Từ năm 1961 cho đến khi từ trần, ông đã kinh qua các chức vụ: Phó Cục trưởng Cục Trinh sát Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng), Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang và Phó Tống Cục trưởng thường trực Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an. Ông qua đời ngày 18-7-2006 với quân hàm Trung tướng.

Đại tá Cao Thế Khiển - Nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu và Điện Biên

Đại tá Hoàng Khúc - Nguyên Cục phó Cục Tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP

Bình luận

ZALO