Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:40 GMT+7

Những trái tim hướng về biên giới

Biên phòng - Hội nghị sơ kết và gặp mặt điển hình tiên tiến thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019 (diễn ra vào ngày 14-1-2019, tại Hà Nội) sẽ tôn vinh gần 500 đại biểu có nhiều cống hiến, đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên toàn quốc. Không phân biệt vùng miền, dân tộc, tôn giáo hay chức sắc, dù tuổi đã cao, sức không còn khỏe, nhưng họ vẫn luôn hướng về biên giới Tổ quốc, chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Phóng viên Báo Biên phòng đã gặp gỡ, trao đổi và ghi lại những ý kiến tâm huyết của một số tấm gương tiêu biểu về tham dự hội nghị này.

66-3

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi: “Cổ vũ, động viên ngư dân luôn đoàn kết, vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo”

Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải được thành lập vào năm 2011, với tinh thần tự nguyện của ngư dân đoàn kết lại với nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất trên biển. Hiện nay, Nghiệp đoàn có 624 đoàn viên; trong đó có 35 tàu cá đánh bắt xa bờ, chia thành 8 tổ. Chúng tôi hiểu rằng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển, đảo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân toàn dân và của cả hệ thống chính trị.

Những năm qua, Ban Chấp hành Nghiệp đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Lý Sơn và các lực lượng có liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên Nghiệp đoàn 2 xã về Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Nghị định 71/NĐ-CP; Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Từ nhận thức đúng, toàn thể đoàn viên Nghiệp đoàn đã không ngừng phát huy trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên. Đặc biệt, tôi luôn cổ vũ, động viên các ngư dân đoàn kết, vươn khơi bám biển, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

66-1

Ông Vàng Sảo Hòa, thôn Sả Chải, xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: “Phát huy vai trò người có uy tín, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đời sống của nhân dân” .

Sinh ra và lớn lên tại thôn Sả Chải, xã Pha Long, mảnh đất địa đầu nơi biên giới của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai nên tôi hiểu rất rõ những khó khăn của nhân dân và chính quyền địa phương nơi đây. Với vai trò, trách nhiệm là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôi thường xuyên nắm bắt và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con.

Những năm qua, tôi cùng với những người có uy tín, già làng, trưởng bản trong xã đã đi từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia hàng nghìn buổi tuần tra cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long bảo vệ an toàn đoạn biên giới dài 8,8km. Cán bộ đồn biên phòng phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được gần 200 buổi với trên 1.900 lượt người tham gia. Việc tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh của xã và các thôn, bản cũng được thực hiện thường xuyên, có nền nếp với gần 150 giờ phát thanh về các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới. Vì vậy, những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Pha Long luôn được ổn định, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc.

Không những vậy, tôi còn tham gia vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, thúc đẩy phong trào xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số hình thành ý thức đại đoàn kết, xây dựng đời sống mới.

66-2

Ông Rơ Lan Chim, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai: “Phát huy sức mạnh của các ban, ngành, đoàn thể bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”

Trên cương vị là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, những năm qua, tôi đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của xã phối hợp chặt chẽ với hai đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn (Đồn Biên phòng Ia Mơ và Ia Lốp) làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới, lãnh thổ được hơn 300 lần/20.000 lượt người tham gia. Chính quyền xã đã tổ chức tuyên truyền  hơn 3.000 buổi với 12.000 lượt người nghe. Ngoài ra, tôi còn vận động cán bộ, nhân dân tham gia các cuộc thi tìm hiểu về Pháp lệnh BĐBP, Luật Biên giới Quốc gia, thi tìm hiểu về biên giới và BĐBP, qua đó, nhận thức, trách nhiệm, vai trò của đội ngũ cán bộ và nhân dân trong xã đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới từng bước được nâng lên.

Đồng thời, làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện âm mưu, ý đồ hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, những năm qua, nhân dân trong xã đã cung cấp cho BĐBP 342 nguồn tin có giá trị phục vụ nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Phối hợp phát hiện, xử lý 582 vụ/1.552 người vi phạm pháp luật và vi phạm quy chế khu vực biên giới. Vận động và thu hồi vũ khí trái phép trong dân được 2 súng AR15, 37 khẩu súng tự chế các loại và 2 nòng súng kíp, 35 viên đạn. Xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 879 triệu đồng, vận động 1 vụ/11 đối tượng vượt biên trái phép qua biên giới quay trở về.

66-4

Sư cả Kim Hải Toàn, chùa Âng Kol, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh: “Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là trách nhiệm của mọi người dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo”

Là sư cả chùa Âng Kol, tôi luôn có trách nhiệm và nghĩa vụ giáo dục cho chư tăng sống “tốt đời, đẹp đạo”; tinh thần “vô ngã vị tha”. Tôi cũng hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tuyên truyền vận động bà con tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Trong các buổi thuyết pháp cũng như đời sống thường ngày, tôi thường xuyên khuyên nhủ và nhắc nhở chư tăng của mình phải nhận thức rằng, đất nước có bình yên thì tôn giáo mới phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững thì cuộc sống của người dân mới được bình yên, có Tổ quốc, dân tộc mới có đạo pháp. Vì vậy, tôi thường xuyên vận động đồng bào phật tử về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới là trách nhiệm của mọi người dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo.

Được cán bộ, chiến sĩ BĐBP vận động, hướng dẫn, các phật tử đã tích cực tham gia xây dựng xóm, ấp bình yên và bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển. Từ đó, nhận thức của phật tử được nâng lên, lòng tin đối với Đảng được củng cố, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển được nâng cao, tệ nạn xã hội được đẩy lùi. Trong những năm qua, có 20 phật tử đảm nhận làm tổ trưởng tổ tự quản và 30 thanh niên là con em phật tử tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với BĐBP tuần tra bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.

Trần Đức

Bình luận

ZALO