Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:22 GMT+7

Những tổ chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới An Giang

Biên phòng - Những lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong nắng gió biên cương. Những nụ cười tươi rói trên gương mặt rắn rỏi, sạm đen của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trên các tổ chốt phòng, chống dịch Covid-19. Những bữa cơm trưa muộn, hanh hao, dập dềnh theo sóng nước... Đó là những ấn tượng, hình ảnh khó phai đối với chúng tôi trong hành trình đi dọc biên giới An Giang giữa tháng 11-2020 này... 

Tổ tuần tra Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm việc ra vào biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Đăng Bảy

Tổ chốt trên sông

Tổ phòng, chống dịch Covid-19 số 3, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, được bố trí trên một chiếc trẹt (một loại phà nhỏ - theo cách gọi của người dân miền Tây Nam bộ) neo đậu ngay đầu nguồn con sông Hậu, thuộc địa phận xã Khánh An (huyện An Phú). Trong diện tích khoảng 10m2 đó, là nơi ăn ở, sinh hoạt và làm việc của 6 cán bộ, chiến sĩ tổ chốt số 3.

Thiếu tá Đào Văn Phong, Chốt trưởng, cho biết, anh em ở tổ chốt số 3 nói riêng và ở các tổ chốt trên sông nói chung, ngoài việc tinh mắt, còn phải thính tai để nghe tiếng tàu, thuyền di chuyển, để phân biệt đâu là thuyền đánh cá, đâu là thuyền chở hàng lậu... Khi phát hiện phương tiện di chuyển trên sông có dấu hiệu khả nghi, anh em sẽ dùng loa hướng dẫn, nhắc nhở người dân. Nếu cố tình vi phạm, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phải dùng phương tiện truy đuổi...

Theo Thượng tá Nguyễn Hoài Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, khu vực biên giới trên sông thường là nơi có nhiều lồng bè neo đậu, ảnh hưởng đến tầm quan sát, khó cơ động lực lượng, xử lý tình huống phát sinh, không thể đặt tổ chốt trên bờ như các địa bàn khác. Vì vậy, đơn vị đã nghiên cứu, đề xuất đặt các chốt phòng chống dịch trên trẹt và lồng bè.

Mặc dù chật chội, lại mưa gió thường xuyên, gặp nhiều vất vả trong sinh hoạt, nhưng anh em làm nhiệm vụ ở các tổ chốt trên sông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, vất vả, làm quen với môi trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đã có hàng chục vụ buôn lậu qua biên giới và đưa người xuất nhập cảnh trái phép bị anh em trên các tổ chốt này phát hiện, bắt giữ...

Tổ chốt vượt lũ

Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, dọc tuyến biên giới dài gần 100km, BĐBP An Giang đã bố trí và duy trì thường xuyên hơn một trăm tổ công tác phòng, chống dịch. Những điểm xung yếu, các đường mòn, lối mở được bịt kín, việc xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu cơ bản đã được kiềm chế.

“Nhưng bắt đầu từ tháng 8, khi mùa nước nổi về, các con kênh, cánh đồng sát khu vực biên giới, nước ngập trắng xóa, các tổ chốt Biên phòng, vốn là những căn nhà tạm được dựng bằng lều bạt hay mái lá trước đó cũng bị ngập trong nước. Để đảm bảo cho việc đóng chốt lâu dài, cũng như phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, BĐBP An Giang đã xây dựng các tổ chốt vượt lũ” - Đại tá Trần Quốc Khánh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP An Giang chia sẻ.

Theo đó, đến cuối tháng 8-2020, dọc trên tuyến biên giới An Giang, đã có 108 tổ chốt vượt lũ phòng, chống dịch Covid-19 được xây dựng xong. Mỗi tổ chốt vượt lũ có diện tích khoảng 25m2, thiết kế theo mô hình nhà sàn, khung gỗ, vách và mái làm bằng tôn, sàn cách nền đất khoảng 3m. Bên trong có bếp ăn, thùng đựng nước sạch, cạnh chốt còn lắp đặt cột thu lôi chống sét, đèn năng lượng mặt trời... đảm bảo an toàn, cũng như phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Đại úy Võ Huy Hoàng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhơn Hưng - đơn vị được chọn xây dựng chốt vượt lũ đầu tiên, chia sẻ: “Những tổ chốt trước kia của đơn vị đều tạm bợ. Có chỗ là cái nhà bạt, cũng có nơi là túp lều tranh mượn của dân. Nắng thì nóng, mưa thì dột, điện, nước không có, anh em vất vả lắm, nhiều khi đêm hôm còn bị rắn, rết chui vô mùng (màn) nữa. Có được tổ chốt kiên cố như thế này, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biên giới yên tâm, không còn sợ mưa to, gió lớn hay nước lũ nữa...”.

Vừa chống dịch bệnh, vừa chống buôn lậu

Trên tuyến biên giới huyện Tịnh Biên, cứ vài ba trăm mét là có một chốt Biên phòng phòng, chống dịch Covid-19. Đứng ở tổ chốt này, có thể nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc của tổ chốt bên cạnh.

Trung tá Trần Hòa Hiệp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên cho biết: “Trên đoạn biên giới dài trên 9km do đơn vị phụ trách, về mùa lũ, có nhiều nơi nước ngập đến 1m, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, công tác của bộ đội. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương xây mới 18 chốt vượt lũ thay thế những chốt dựng bằng lều bạt trước đó. Nhưng khi mùa lũ về, công tác tuần tra, kiểm soát phòng chống các loại tội phạm của anh em gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với hoạt động buôn lậu”...

“Bếp” dã chiến trên chốt phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Nhơn Hội, BĐBP An Giang. Ảnh: Đăng Bảy

Khác với thời điểm mùa khô, việc ngăn chặn tình trạng đưa người vượt biên trái phép, chống buôn lậu, cũng như tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng mùa nước nổi hiện nay trở nên khó khăn và vất vả bội phần. Bởi lúc này, các cánh đồng trên biên giới mênh mông nước. Nhiều đối tượng buôn lậu cho hàng hóa vào những bao tải rồi thả trôi trên cánh đồng nước. Thủ đoạn này vừa không tạo ra tiếng động, đỡ tốn công sức, vừa tránh được sự phát hiện của BĐBP. Việc phòng chống buôn lậu vì thế càng thêm phần khó khăn, vất vả.

“Nhưng dù là mùa khô hay mùa lũ như hiện nay, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” - Trung tá Trần Hòa Hiệp chia sẻ....

Chính vì thế nên chỉ trong khoảng 3 tháng trở lại đây, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã bắt giữ trên 30 vụ buôn lậu thuốc lá, bia, nước ngọt, mỹ phẩm... qua biên giới, tổng trị giá hàng hóa trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ trong ngày 30-9, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 2 vụ buôn lậu. Tang vật thu giữ gồm 1.000 gói thuốc trừ sâu, 633 hộp kem dưỡng da các loại, 468 chai nước hoa, 1.000 gói thuốc lá các loại, tổng trị giá hàng hóa khoảng 500 triệu đồng.

Đăng An

Bình luận

ZALO