Biên phòng - Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2025”, trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Triển khai Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”, ngày 11/1/2016, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 - 2020” (Giai đoạn I).
Trên cơ sở bám sát kế hoạch của tỉnh, UBND các huyện đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới gắn với tuyên truyền các quy định về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS được chú trọng.
Theo ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện Đề án, nhưng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trên địa bàn huyện và sự hỗ trợ của tỉnh nên công tác giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đạt những kết quả đáng ghi nhận.
“Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng các nhóm giải pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình với 206 cuộc tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 644 lượt người, thực hiện các mô hình can thiệp để ngăn ngừa nguy cơ kết hôn sớm, xây dựng và phát động ký hương ước, quy ước thôn không tảo hôn, qua đó, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”- ông Lê Đại Lợi cho biết thêm.
Được biết, để kéo giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các ban, ngành đoàn thể đã tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS ở địa bàn các xã, thôn, bản có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Một số địa phương đưa các quy định về phòng, chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa, qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào DTTS trên địa bàn...
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, số cặp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm 445 cặp, tình trạng kết hôn cận huyết thống giảm 7 cặp so với giai đoạn 2011 - 2015. Theo số liệu mới được cập nhật, năm 2021, trên địa bàn tỉnh còn 175 cặp tảo hôn, tình trạng hôn nhân cận huyết thống gần như đã chấm dứt, 4 năm liền không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.

Theo bà bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS của tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã đề ra các giải pháp, cụ thể như: Xây dựng các thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về chống tảo hôn, tương tự như các thông điệp về phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống Covid-19...; đăng, phát rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là vào mùa lễ hội, mùa cưới nhằm tạo điểm nhấn tuyên truyền, vận động thanh, thiếu niên không tảo hôn và tạo dư luận xã hội phê phán hành vi tảo hôn ở những vùng có tỷ lệ tảo hôn cao.
“Chúng tôi cũng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên không tảo hôn, gia đình không cho con tảo hôn, chính quyền không hợp thức hóa việc tảo hôn. Đồng thời, nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hay để khẳng định tính hiệu quả trong thời gian qua”- bà Hà chia sẻ.
Cũng theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh đối với người tảo hôn và người tổ chức tảo hôn, cần khen thưởng kịp thời người có công phát hiện và ngăn chặn không để xảy ra tình trạng này. Đưa vấn đề tảo hôn vào thảo luận và truyền thông vào giáo dục từ cấp trung học cơ sở, kèm theo các nội dung về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực và kiến thức sức khỏe sinh sản để nâng cao nhận thức cho các em học sinh.
Cẩm Linh