Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Những tiến triển xung quanh đàm phán hạt nhân Iran

Biên phòng - Đầu tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhận định các cuộc đàm phán giữa nước này với các bên liên quan tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được “tiến bộ đáng kể”. Trước đó, từ đầu tháng 2 đến nay, Iran với nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức đã nối lại các cuộc đàm phán tổ chức tại Vienna nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân được Tehran ký hồi năm 2015 với các cường quốc thế giới.

Toàn cảnh vòng đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo. Ảnh: Reuters

Những tiến bộ đáng kể

Phát biểu tại họp báo hàng tuần, ông Khatibzadeh đánh giá, cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, ông Khatibzadeh nhấn mạnh sẽ không thể đạt thỏa thuận cho đến khi tất cả mọi vấn đề được thống nhất tại các cuộc đàm phán ở Vienna lần này. Theo ông Khatibzadeh, các vấn đề còn lại là những vấn đề khó nhất. Trước đó, ngày 19-2, Ngoại trưởng Iran cho biết, nước này đã sẵn sàng trao đổi tù nhân với Mỹ, đồng thời cho rằng các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ thành công “sớm nhất có thể”, nếu Mỹ đưa ra các quyết định chính trị cần thiết.

Cùng quan điểm với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh, Trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân của Nga Mikhail Ulyanov thông báo, tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sắp kết thúc. Ông Ulyanov cho biết: “Tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) rõ ràng sắp tới vạch đích”.

Tại các cuộc đàm phán, các bên tham gia đàm phán tại Vienna đã dần phác thảo một thỏa thuận giữa Mỹ và Iran, trong đó cũng đề cập đến các vấn đề khác, bao gồm các cam kết dỡ bỏ phong tỏa số tiền của Iran trị giá hàng tỷ USD tại các ngân hàng ở Hàn Quốc và việc phóng thích các tù nhân phương Tây bị giam giữ ở Iran.

Giới chuyên gia quốc tế nhận định, từ những căng thẳng, bất đồng tưởng như bế tắc không thể tháo gỡ trong năm 2020 thì việc Iran và các bên ngồi lại vào bàn đàm phán tại Vienna để tiếp tục đàm phán về vấn đề hạt nhân trong thời gian qua có thể khẳng định là tín hiệu tích cực giữa các bên. Kết quả trên cho thấy những nỗ lực ngoại giao của các nước châu Âu, Trung Quốc khi tổ chức nhiều cuộc đàm phán song phương, đa phương với Iran; đồng thời thuyết phục Mỹ tới cuộc đàm phán nhằm tránh một cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran.

Con đường gập ghềnh phía trước

JCPOA được ký kết năm 2015. Tháng 5-2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Tehran cũng ngừng một số cam kết hạt nhân một năm sau đó và tái khởi động các chương trình hạt nhân của mình. Kể từ khi Mỹ không tham gia JCPOA, theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), dù nền kinh tế Iran không đứng bên bờ vực sụp đổ và dự kiến tăng trưởng 2% năm nay, song các khoản nợ lớn, lạm phát và thách thức mang tính cấu trúc chỉ được giải quyết khi không còn cấm vận.

Cụ thể, sau khi JCPOA được ký, kinh tế Iran tăng trưởng mạnh, từ -1,3% (năm 2015) lên 13,5% (năm 2016) và 3,7% (năm 2017). Song, từ năm 2018, kinh tế Iran tăng trưởng âm những năm sau đó, lần lượt là -6% (năm 2018), -6,7% (năm 2019) và -3,3% (năm 2020). Sau khi JCPOA được ký kết, xuất khẩu dầu mỏ của Iran năm 2015 tăng từ 1,3 lên 2 triệu thùng/ngày năm 2015. Tuy nhiên, năm 2018, con số này chỉ còn chưa tới 500.000 thùng/ngày trong 2019-2020 và chỉ tăng nhẹ lên 551.000 thùng/ngày trong năm vừa qua.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AFP

Từ tháng 4-2021, đã có 8 vòng đàm phán được tổ chức tại Vienna giữa Iran với các bên còn lại của JCPOA, bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức, trong khi Mỹ tham gia một cách gián tiếp nhằm khôi phục thỏa thuận lịch sử này.

Cuộc đàm phán mới nhất được các bên đánh giá là có sự tiến triển nhưng thực tế còn nhiều vấn đề chưa được các bên thống nhất để có thể đi tới ký thỏa thuận. Đầu tiên là việc các bên, cụ thể là Iran vẫn còn nghi ngờ Mỹ sẽ một lần nữa đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Còn Mỹ và một số nước phương Tây cho rằng, Iran chưa thực sự thiện chí đàm phán nhằm tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân và làm giàu uranium. Bên cạnh đó, các bên tham gia đàm phán cũng còn có một số quan điểm bất đồng.

Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani nhận định các cuộc đàm phán đã đến giai đoạn có thể đưa ra những đánh giá “chắc chắn” chứ không phải những suy đoán. Ông Ali Shamkhani cho biết, kết quả đàm phán hiện nay sẽ phụ thuộc vào quyết định của Mỹ, có chấp nhận các nguyên tắc đã đạt được thỏa thuận trong JCPOA để xây dựng một thỏa thuận đáng tin cậy và lâu dài hay không.

Đối với các nước trong khu vực Trung Đông, người dân đều mong muốn và kỳ vọng cuộc đàm phán hạt nhân đi tới hồi kết và một khu vực an toàn, hòa bình. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những vấn đề còn tồn tại giữa các bên vẫn khiến thỏa thuận trở nên mong manh. Dư luận quốc tế cho rằng, rủi ro thỏa thuận bị đổ vỡ lần nữa vẫn còn hiện hữu, đồng thời cuộc đàm phán ở Vienna có được các bước đột phá là rất khó khăn.

Những động thái giữa các nước cũng cho thấy các nhà đàm phán đang đối mặt với con đường gập ghềnh. Ngay cả các nhà ngoại giao phương Tây không hy vọng các cuộc thảo luận ở Vienna sẽ mang lại nhiều kết quả, vì Iran đang cố gắng đàm phán lại các điều khoản trong thỏa thuận, chứ không phải quay trở lại thỏa thuận 2015. Khi tiến trình đàm phán thỏa thuận Iran đang dần đi vào giai đoạn cuối, câu hỏi thực tế mà các bên đưa ra đó là Mỹ và Iran có sẵn sàng đạt được thỏa thuận cuối cùng hay không, vì hòa bình, lợi ích của hai nước, khu vực và thế giới.

Thu Minh

Bình luận

ZALO