Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 08:14 GMT+7

Những “thủ lĩnh tinh thần” gắn bó với biên cương

Biên phòng - Trong những năm qua, thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn Tây Nguyên luôn nhận được sự quan tâm xây dựng, củng cố của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Sự chung sức, đồng lòng xem biên giới là quê hương, là máu thịt đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Để có được “quả ngọt” đó, không thể không nhắc đến những “thủ lĩnh tinh thần” của buôn làng biên giới mà chúng ta vẫn gọi bằng hai tiếng thân thương: Già làng…

zadv_17a
 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn cùng già làng và Hội Phụ nữ xã chăm lo Tết cho nhân dân. Ảnh: Thái Kim Nga

Trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) hiện có khoảng 3,000 “thủ lĩnh tinh thần” đại diện cho hơn 2 triệu cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hàng trăm già làng đến từ các buôn làng biên giới. Điểm đặc biệt của các già làng biên giới là họ đều được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất biên cương và khi được nhân dân tín nhiệm bầu làm già làng, họ cống hiến gần như trọn cuộc đời mình cho quê hương.

Chính điểm đặc biệt này đã gắn kết già làng biên giới với các thế hệ người lính Biên phòng như mối “lương duyên” bền chặt. Trong cuộc sống thường nhật, già làng biên giới với chiến sĩ Biên phòng là cha và con, còn khi “xắn tay áo vào cuộc”, họ là những người đồng chí, đồng đội, tâm đầu ý hợp trên mọi trận tuyến.

Năm nay, dẫu đã bước qua tuổi 80, nhưng già làng Y Wăm ở bon Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Min, tỉnh Đắk Nông vẫn nhớ như in tên tuổi của các thế hệ cán bộ chỉ huy 2 Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An và Đắk Lao. Theo giải thích của già làng Y Wăm đơn giản là vì ông vào đồn nhiều lần nên không thể quên ai được, kể cả những vị chỉ huy đầu tiên cách đây đã hơn 40 năm về trước.

Đơn giản trong cách nói, nhưng để kể về những kỷ niệm xa lắc xa lơ như thế, chắc chắn phải có ấn tượng sâu đậm lắm mới nhớ hết được. Cuộc đời của già làng Y Wăm tương đối phẳng lặng, song nỗi lòng của ông thì có lúc thăng, lúc trầm. Thời chiến tranh, cả vùng Sa Pa, Bu Đắk - quê hương ông một lòng theo cách mạng. Bà con lũ làng kề vai sát cánh với quân giải phóng, kiên cường chiến đấu và giành chiến thắng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), khí chất ấy vẫn được lưu giữ, để đồng hành với chiến sĩ Biên phòng trong cuộc chiến chống “giặc đói”, diệt “giặc dốt”.

Các chủ nhân vùng biên giới lúc bấy giờ đồng cam cộng khổ trong cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả. Bao nhiêu câu chuyện cảm động, bao nhiêu hình ảnh đẹp về tình quân dân đã được viết nên trên vùng biên giới - nơi kinh tế còn nghèo nhưng rất giàu tình người. Già làng Y Wăm và các chủ nhân biên giới trong tỉnh Đắk Lắk (sau này là Đắk Nông) rất vui về điều đó. Thế nhưng, “nốt trầm” trong câu chuyện của “thủ lĩnh tinh thần” bon Bu Đắk cũng kéo thật dài kể từ khi mảnh đất giàu chất sử thi Tây Nguyên trở thành địa bàn phá hoại của các thế lực thù địch và bọn phản động FULRO, “Tin lành Đề-ga”.

Sau sự kiện tụ tập biểu tình gây rối trên địa bàn Tây Nguyên xảy ra vào năm 2001, một số người dân nhẹ dạ, cả tin bị kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, kích động gây rối, gây bạo loạn, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và vượt biên trái phép sang Campuchia. Trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp ấy, già làng Y Wăm nói riêng, hàng trăm “thủ lĩnh tinh thần” trên toàn tuyến biên giới Tây Nguyên nói chung lấy các đồn Biên phòng làm chỗ dựa, tích cực đấu tranh phản bác lại các luận điệu tuyên truyền kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, từng bước làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của bọn phản động, triệt tiêu những điểm nóng về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đưa biên giới trở về với nguyên bản là vùng đất bình yên.

Sau “khúc nhạc buồn”, nụ cười đã trở lại trên môi các chủ nhân biên giới. Già làng Y Wăm của bon Bu Đắk cùng hàng trăm già làng khác trên biên giới lại tiếp tục “khúc quân hành” với người chiến sĩ Biên phòng trong công cuộc xây dựng quê hương biên giới ngày càng bình yên và phát triển.

Trên dọc dài tuyến biên giới Tây Nguyên, bước chân của các già làng dường như không bao giờ biết mỏi. Nếu như ở thôn Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) có nữ già làng Y Pan, người mà suốt mấy chục năm qua vẫn miệt mài đồng hành cùng chiến sĩ Biên phòng trên “mặt trận” kinh tế - văn hóa - xã hội, trong đó có những đóng góp vào việc bảo tồn tộc người Brâu, vốn được liệt vào “sách đỏ”, cũng như phát huy những giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng, thì ở xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có già làng Ksor H’Blâm, nữ cựu binh đã dành trọn cuộc đời cho biên giới.

Năm nay, họ đều đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những nữ “thủ lĩnh tinh thần” Y Pan, Ksor H’Blâm, Siu H’Phuyl (làng Gòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) vẫn “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” cùng với BĐBP mang niềm vui đến với người dân vùng biên giới. Bằng uy tín, tình thương và trách nhiệm của mình, các già làng biên giới luôn sống hết mình vì dân, trở thành chiếc cầu nối quan trọng của chính quyền, nhân dân địa phương và BĐBP trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

unqd_17b
Quân y BĐBP Gia Lai khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các già làng. Ảnh: Thái Kim Nga

Cùng đồng hành, chia sẻ niềm vui, gánh vác nhọc nhằn trên biên giới, các già làng và BĐBP đã trao gửi tình thương và đón nhận trách nhiệm như những người thân trong cùng một mái nhà. Ông Rơ Châm Chiếk, già làng Ó, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) vẫn luôn khắc ghi tình cảm của BĐBP dành cho gia đình và buôn làng mình. Xã Ia Dom, quê hương ông là địa phương đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nhờ vào sự hỗ trợ đỡ đầu của BĐBP Gia Lai.

Chia sẻ với chúng tôi, già làng Rơ Châm Chiếk cho biết: “Được BĐBP giúp đỡ, xã Ia Dom giờ đã đổi thay nhiều lắm, từ vệ sinh môi trường, đường giao thông nông thôn, hệ thống đèn điện chiếu sáng đến an ninh trật tự, cái gì cũng tốt cả. Riêng gia đình mình được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh giúp đỡ hỗ trợ xây dựng nhà mới, phát triển chăn nuôi đàn gia súc để thoát nghèo bền vững. Mình sẽ tiếp tục đồng hành với đồn Biên phòng, tiếp tục đóng góp sức mình vì sự bình yên và phát triển trên biên giới...”.

Đại tá Vũ Trung Kiên, Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai khẳng định: “Già làng biên giới là những người cha, người mẹ, người đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Chúng tôi luôn trân trọng những đóng góp tích cực hiệu quả, đầy tình người của các già làng và sẽ mãi trân trọng tình cảm đó. Để tri ân các già làng biên giới, chúng tôi thường xuyên tổ chức những cuộc tọa đàm, gặp gỡ, động viên hoặc trực tiếp xuống địa bàn tặng quà, thăm khám sức khỏe, trợ giúp y tế cho già làng, trưởng thôn và bà con. Có thể khẳng định, trong thế trận biên phòng toàn dân được xây dựng vững chắc hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của các già làng biên giới...”.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO