Biên phòng - Năm 2020, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc lần thứ II sẽ diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều sự kiện chính trị trọng đại, vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại, ghi nhận sự thay đổi, phát triển và hội nhập không ngừng của vùng đồng bào DTTS.

Nhìn lại để phát triển
Sau gần 10 năm kể từ khi Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ nhất, năm 2010 được tổ chức, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm từ 60% năm 2010 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2010 - 2015) xuống còn 55,27% cuối năm 2019 (theo chuẩn nghèo mới), bình quân giảm từ 4 - 5% cho cả giai đoạn từ 2011 - 2018; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,2 triệu đồng/người (năm 2010) lên khoảng 21 triệu đồng/người (năm 2018), tăng gấp 5 lần.
Trong những năm qua, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đều đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 8,4%, các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng 8,1%, các tỉnh vùng Tây Nam bộ tăng 7,3%/năm. Cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; dần hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, hàng hóa: cà phê, chè, cao su, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ...
Tính đến cuối năm 2019, vùng miền núi DTTS đã có 42,7% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách huyện nghèo... Đặc biệt, đã có 98,4% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 90% xã có trạm y tế, trong đó, khoảng 70% số xã có bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhân dân; 100% số xã vùng DTTS và miền núi có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS; trên 90% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, 100% số xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân... Các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống đã có hơn 90% số dân được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.
Những con số nêu trên cho thấy, các mục tiêu đề ra tại Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ nhất, năm 2010 cơ bản đã đạt được. Đây chính là thành quả của sự nỗ lực, vươn lên của đồng bào các DTTS trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng, qua đó, đóng góp một phần to lớn vào thành tựu chung của cả nước.
Theo bà Nguyễn Thị Tư, nguyên Vụ trưởng Vụ DTTS, Ủy ban Dân tộc, sự kiện này là dịp tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đánh giá đầy đủ và đúng đắn về những thành tựu và tồn tại, những kinh nghiệm trong công tác dân tộc, từ đó đề xuất những chủ trương, chính sách dân tộc phù hợp với giai đoạn mới.
“Sự kiện này cũng là dịp để đồng bào ở các vùng DTTS thấy rõ hơn sự chuyển biến tích cực và cả những tồn tại, yếu kém trong việc phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc mình, địa phương mình. Trên cơ sở đó, bà con sẽ càng nỗ lực lao động, sản xuất, chiến đấu, xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội, mức sống giữa các vùng, miền, các dân tộc” - Bà Tư chia sẻ thêm.
Tiếp tục lan tỏa những thông điệp nhất quán
Được biết, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II, năm 2020 nhằm tiếp tục khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2009-2019; từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và định hướng đến năm 2030...
Theo yêu cầu, Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II được tổ chức trang trọng với quy mô phù hợp, thiết thực, đồng thời tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, tự hào trong các tầng lớp nhân dân. Đại hội sẽ tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào yêu nước vùng đồng bào DTTS; tổ chức giao lưu trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển lãm, trưng bày tranh ảnh, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của các DTTS. Bên cạnh đó, tổ chức đêm văn hóa, văn nghệ chào mừng đại hội với chủ đề “Tâm hồn Việt Nam hướng tới di sản văn hóa thế giới”; xây dựng kỷ yếu, sách, ảnh tuyên truyền về đại hội và các DTTS Việt Nam...
Chia sẻ góc nhìn về sự kiện này, bà Nguyễn Thị Tư cho rằng: “Đại hội còn là thông điệp quan trọng trong công tác đối ngoại, khẳng định bản chất ưu việt của chế độ XHCN. Thông qua việc tổ chức thành công đại hội, chúng ta góp phần làm cho các quốc gia và nhân dân trên thế giới hiểu rõ, hiểu đúng về chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta cũng như những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với đồng bào các DTTS. Trên cơ sở đó, tranh thủ sự quan tâm của chính phủ các quốc gia và các tổ chức xã hội trên thế giới ủng hộ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS”.
Linh Đan