Biên phòng - Trở về từ “mặt trận” chống dịch Covid-19 phía Nam, các y, bác sĩ thuộc Đội Cơ động phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Tư lệnh BĐBP không chỉ có cơ hội trau dồi kĩ năng nghề nghiệp, mà còn có thêm những bài học về giá trị cuộc sống. Gần 100 ngày ở “tuyến lửa”, thấu hiểu hơn khó khăn, mất mát của người dân trong đại dịch, bởi thế mà những người lính quân y Biên phòng luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Tổ quốc và nhân dân cần.

Những câu chuyện còn mãi
Tham gia Đội Cơ động phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Tư lệnh BĐBP, Trung úy Nguyễn Văn Huỳnh, quân y BĐBP Hà Giang được giao nhiệm vụ về Tổ quân y lưu động số 2 thuộc Trung tâm Y tế phường 2, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Tổ quân ly lưu động số 2 là 1 trong 5 tổ mũi nhọn tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, phát thuốc, tư vấn cách sử dụng, làm thủ tục giấy tờ, đưa bệnh nhân đi điều trị. Số điện thoại của các y, bác sĩ trong tổ đều được đưa cho các gia đình có F0, nên việc mặc định là không ai được tắt máy để bệnh nhân có thể gọi cần sự hỗ trợ bất cứ lúc nào.
Thời điểm tháng 8, 9-2021, thành phố Hồ Chí Minh có hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày, bởi vậy mà mọi thứ đều dồn sức cho việc chống dịch. Do phải phong tỏa, nên việc quan tâm đến những người làm công tác chống dịch cũng bị hạn chế nhiều. Có những hôm, bữa ăn chỉ có cơm, bát canh và miếng đậu phụ nhồi thịt. Thương các chú bộ đội miền Bắc, đầu bếp cố gắng nấu bớt đường, bớt cay, nhưng vẫn thật khó nuốt trôi trong thời tiết nóng bức. Tổ 2 của Trung úy Nguyễn Văn Huỳnh có 5 người, đều là y sĩ BĐBP Hà Giang, Nghệ An, nên mọi người động viên nhau cùng cố gắng, bởi lúc này là lúc cần thể hiện bản lĩnh của người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Thiếu tá, y sĩ Nguyễn Thành Chung là 1 trong 10 y sĩ của BĐBP Cao Bằng tăng cường cho các tỉnh phía Nam. Ngày 11-9, đoàn đặt chân tới thành phố Hồ Chí Minh thì ngày 12-9, Thiếu tá Nguyễn Thành Chung đã có mặt tại xã Nhân Đức, huyện Nhà Bè. Anh được bố trí về Tổ quân y lưu động số 9, làm việc tại Khu cách ly tạm thời xã Nhân Đức. Hàng này, anh cùng đồng nghiệp tham gia test cộng đồng, khám sàng lọc F0 có bệnh nền để chuyển tuyến đến Bệnh viện dã chiến. Dịp cao điểm, khu cách ly tạm thời xã Nhân Đức có cả trăm F0, nên để xử lý cho kịp công việc thì gần như mọi người không có thời gian để nghỉ ngơi.
Điều động viên các anh và mọi người luôn cố gắng hơn nữa là người dân ở đây luôn dành tình cảm đặc biệt cho bộ đội và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, không có thái độ chống đối. Có lần, anh và 2 cán bộ nữa ra thị trấn mua mũ bảo hiểm. Lúc chuẩn bị trả tiền thì chị bán hàng hỏi: “Các anh bộ đội ở đâu về sao nhìn lạ thế?”. Khi biết khách của mình là quân y Biên phòng tăng cường từ ngoài Bắc vào giúp người dân chống dịch, chị bán hàng đã quyết định tặng mọi người mũ bảo hiểm để “thay cho lời cảm ơn các anh vất vả suốt thời gian qua”.
Sẵn sàng cho “cuộc chiến mới”
Thiếu tá Đinh Thành Toàn, quân y BĐBP Cao Bằng chia sẻ, khi còn làm nhiệm vụ tại Trạm y tế thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, anh nhiều lần chứng kiến các y, bác sĩ nhiễm Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ. Thế nhưng, ngay sau khi điều trị khỏi bệnh, các anh chị đã quay trở lại tiếp tục làm việc và lăn xả cùng mọi người, dù ai cũng hiểu khỏi bệnh nhưng phổi ít nhiều bị tổn thương nên cần thời gian để hồi phục như người bình thường. Từ tấm gương của các y, bác sĩ càng khiến anh và mọi người thêm cố gắng, quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hôm đoàn cán bộ quân y về lại Cao Bằng, xe đi ngang qua nhà Thiếu tá, y sĩ Nguyễn Quốc Khánh. Gần đến nhà, Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh xuống xe, bỏ lại trước cổng nhà gói quà mua từ miền Nam cho 2 con. Vợ chồng, bố con nhìn nhau qua lớp khẩu trang và kính chống giọt bắn mà ai nấy đều rưng rưng. Những hi sinh của bộ đội thời bình không phải ai cũng hiểu. Tỉnh Cao Bằng vốn được coi là “thành trì” vững chắc nhất bởi qua 4 lần bùng phát dịch, địa phương vẫn là vùng xanh trên bản đồ Covid-19 của cả nước. Thế nhưng, tháng 11, tỉnh Cao Bằng đã có những ca nhiễm đầu tiên và lây lan trong cộng đồng. Bởi vậy mà 10 y sĩ vừa hoàn thành nhiệm vụ tăng cường cho miền Nam ai cũng sẵn sàng tâm thế bước vào “cuộc chiến mới”.
Từ tháng 4-2021, Đại úy Trần Thành Vinh, quân y Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Nghệ An được điều động tăng cường làm nhiệm vụ tại Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, Đồn Biên phòng Mỹ Lý. Anh là một trong những người đầu tiên viết đơn tình nguyện tham gia Đội Cơ động phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Tư lệnh BĐBP. Nhận nhiệm vụ mới, thời gian không nhiều, nên anh cũng không có thời gian ghé thăm gia đình trước khi vào Nam. Suốt quãng thời gian xa nhà, vợ anh đã chu toàn lo cho các con, mẹ già hơn 80 tuổi để chồng yên tâm công tác. Dịch tạm ổn, trở về đơn vị cũ, cũng là lúc khu vực biên giới Nghệ An có thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 mới. Và Đại úy Trần Thành Vinh hiểu rằng, anh và đồng đội sẽ lại nhanh chóng lên biên giới để thực hiện nhiệm vụ và với kinh nghiệm những ngày ở “tuyến lửa” thành phố Hồ Chí Minh, anh đã có thể giúp được nhiều hơn cho người dân.
Đường ra biên giới những ngày cuối năm giá rét và mây mù. Hành trang của những người lính quân y trở về từ “tuyến lửa” còn có cả những câu chuyện phương Nam, cùng với sắc hoa và chồi non, lộc biếc sẽ làm nên cái đẹp, sự ấm áp của mùa Xuân biên cương.
Trúc Hà