Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 12:49 GMT+7

Những thách thức của Tổng thống Putin sau bầu cử

Biên phòng - Chiến thắng cách biệt và đầy thuyết phục của ông Vladimir Putin trong cuộc bầu cử với 76,66% số phiếu ủng hộ, gấp 6,5 lần so với người đứng thứ hai, là kết quả mang tính lịch sử trong sự nghiệp chính trị của Tổng thống Nga Putin. Chiến thắng này sẽ cho phép ông cầm quyền ở Nga tới năm 2024, khi ông 71 tuổi.

gu92s4dzjx-73862_3111246251995121333_anh_1
Tổng thống Putin tươi cười khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua. Ảnh: AFP

Chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 18-3 vừa qua diễn ra trùng dịp Nga kỷ niệm 4 năm sáp nhập bán đảo Crưm từ Ukraine, một trong những màn thị uy kịch tính nhất trong nỗ lực của ông Putin nhằm tái khẳng định sức mạnh của nước Nga. Theo AP, việc Moscow bị cho hậu thuẫn các phần tử ly khai ở Đông Ukraine, kéo theo hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu bên cạnh giá dầu giảm đã ảnh hưởng đến kinh tế xứ bạch dương cũng như khiến đồng rúp mất giá một nửa. Vực dậy nền kinh tế được cho là thách thức lớn đối với ông chủ Điện Kremlin.

Tổng thống Putin cho biết, ông sẽ sử dụng nhiệm kỳ thứ 4 để giải quyết một loạt vấn đề trong nước, bao gồm tình trạng đói nghèo và chăm sóc sức khỏe. Với mức giá dầu như hiện nay, chính quyền Tổng thống Putin cũng sẽ có quyết tâm và động lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa để nước Nga thời đại 4.0 không rơi vào “tình trạng lạc hậu công nghệ, dẫn đến làm suy yếu, xói mòn tiềm năng con người, làm giảm an ninh và các cơ hội kinh tế của đất nước”.

Tổng thống Putin sẽ ưu tiên cho việc phát triển công nghệ, hiện đại hóa nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và quản lý nhà nước nhằm tận dụng được tiềm năng của cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Điều mà các nước phương Tây không thể phủ nhận là, quyết định can thiệp vào Syria hồi tháng 9-2015 đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong cục diện chính trị và quân sự tại quốc gia Trung Đông này. Với vị thế mới trong nhiệm kỳ tới, Tổng thống Putin nhiều khả năng sẽ tăng cường các chiến dịch quân sự của Nga tại Syria nhằm tăng cường vị thế của nước này ở Trung Đông.

Tuy nhiên, trước mắt, ông Putin cần phải nhanh chóng giải quyết cuộc xung đột ngoại giao giữa Nga và Anh cũng như với Mỹ và phương Tây xung quanh vụ tấn công bằng chất độc thần kinh cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal gần đây. Việc cải thiện quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây cũng là một thách thức không nhỏ đối với Tổng thống Putin.

Một điều khá bất ngờ là sau khi tái đắc cử với sự ủng hộ rộng rãi của cử tri, Tổng thống V.Putin cho thấy, lập trường có phần hòa giải hơn với phương Tây khi khẳng định không hề có ý định tham gia vào một cuộc đua vũ trang và muốn giải quyết bất đồng với các đối tác. Theo ông, không ai muốn thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang. Do vậy, Chính phủ Nga sẽ làm mọi việc có thể để giải quyết bất đồng với các đối tác thông qua con đường ngoại giao và chính trị. Tuyên bố này một lần nữa cho thấy sự chủ động mà người đứng đầu nước Nga vẫn luôn cho thấy trong suốt 18 năm qua không những trong giải quyết các cuộc khủng hoảng ở trong nước, mà cả các cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ Đông - Tây.

Các nhà phân tích cho rằng, tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Nga có thể khiến các nước phương Tây bối rối, bởi chỉ cách đây chưa đầy một tháng, trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống V.Putin đã tiết lộ các loại vũ khí hạt nhân mới, mà theo ông là có khả năng tấn công khắp nơi trên thế giới. Song nếu nhìn lại quá trình cầm quyền của ông V.Putin thời gian qua thì điều này là không khó hiểu. Bởi ông vẫn luôn cho thấy sự chủ động không chỉ trong giải quyết các vấn đề trong nước, mà cả trong các mối quan hệ quốc tế.

5ab37629f9ff19c308002ac8
Trong chuyến thăm Tajikistan năm 2017, Tổng thống Vladimir Putin (bên trái) và người đồng cấp Emomali Rahmon khẳng định thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Ảnh: news.tj

Bên cạnh đó, nước Nga trong 6 năm tới sẽ tiếp tục tăng cường bảo vệ an ninh biên giới của mình cũng như gia tăng ảnh hưởng tại các quốc gia láng giềng. Từ trước đến nay, Nga không những muốn tạo ảnh hưởng riêng với Afghanistan mà còn đối với cả các khu vực Trung Á. Nhóm khủng bố “Liên minh Thánh chiến hồi giáo” (UDI), một phong trào thánh chiến Trung Á liên kết với Al-Qaeda đang có ít nhất một doanh trại ở Afghanistan, chuyên đào tạo các lực lượng thánh chiến đặc biệt để tấn công Kabul và các nước Trung Á.

Nguy cơ đến từ những đối tượng thánh chiến người Trung Á tị nạn tại Afghanistan và các khu vực bộ lạc người Pakistan vẫn là một vấn đề thời sự nóng bóng, đe dọa an ninh khu vực. Điều này đã giải thích tại sao Nga đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quân sự với Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan. Mới đây, Nga cam kết hỗ trợ hơn 1 tỷ USD để đào tạo và trang bị cho quân đội Tajikistan. Bên cạnh đó, Nga cũng đang nhích lại gần với Pakistan, trong bối cảnh quan hệ giữa Islamabad và Washington đang gia tăng căng thẳng. Hai bên thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chống buôn bán ma túy, chống khủng bố…

Có thể nói, những thách thức trên đang đặt gánh nặng trên vai người thuyền trưởng V.Putin. Nhưng với những gì mà người dân xứ Bạch Dương mong đợi, Tổng thống V.Putin chắc chắn sẽ hóa giải thành công những thách thức trên, đưa nước Nga phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO