Biên phòng - Từ ngày thành lập đến nay, BĐBP đã thực hiện nhiều phong trào, mô hình hay, cách làm sáng tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
* Phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”
Suốt 60 năm qua, phương châm này thể hiện tình cảm, quyết tâm và ý chí thống nhất của toàn lực lượng BĐBP trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Công tác chăm lo xây dựng đơn vị, gắn bó, tâm huyết với biên cương như quê hương thứ hai và tình cảm “Hạt muối cắn đôi, bát cơm sẻ nửa” cùng đồng bào biên giới được cán bộ, chiến sĩ BĐBP tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác đã đi vào trang sử vàng của lực lượng và được chuyển hóa thành nhiều chương trình hành động cụ thể, sáng tạo.
* Thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”
Ngày 3-3-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16/HĐBT lấy ngày 3 tháng 3 hằng năm là “Ngày Biên phòng”; kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI (tháng 6-2003) đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó quy định ngày 3 tháng 3 hằng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”. 30 năm qua, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã có nhiều cố gắng xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh; phòng tuyến nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới ngày càng vững mạnh.
* Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”
Ra đời năm 1995, phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới” đã phát triển sâu rộng trong các tỉnh, thành biên giới, biển đảo, huy động sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Đến ngày 9-1-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
* Phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” và tham gia xóa đói giảm nghèo khu vực biên giới
Được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, tổ chức từ năm 2012, đến nay, BĐBP đã tham gia hỗ trợ 458 xã biên giới từng bước đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành 5 nhóm tiêu chí đăng ký hỗ trợ cho 172 xã, phường, thị trấn biên giới. Lực lượng BĐBP còn thực hiện thành công trên 200 dự án kinh tế-xã hội ở 44 tỉnh, thành phố với tổng số vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.
* Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”
Được phát động từ năm 2008, đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân đã xây dựng gần 10.000 ngôi nhà và 300 công trình dân sinh tặng các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên biên giới, hải đảo”.
* Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”
Từ năm 2013 đến nay, Chương trình đã trao tặng 24.766 con bò với tổng trị giá trên 370 tỷ đồng cho đồng bào các dân tộc nơi biên giới.
* Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”
Đây là hoạt động trọng điểm của lực lượng BĐBP trong những ngày đầu năm mới về việc chăm lo cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo vui Xuân, đón Tết. Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo thực hiện chương trình bằng nhiều hình thức, nhiều cấp độ với nhiều tên gọi khác nhau như: “Xuân biên cương Tết ấm tình người”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân đảo”, “Tết ấm biên cương”, “Xuân biên giới ấm tình quân dân”, “Ngày hội bánh chưng xanh vì người nghèo”...
* Chương trình “Thầy giáo quân hàm xanh - Nâng bước em tới trường”
Năm 1992, Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ tại các địa bàn biên giới, hải đảo. Các đồn Biên phòng đã cùng ngành giáo dục mở hàng vạn lớp xóa mù chữ, hàng ngàn lớp phổ cập giáo dục tiểu học, lớp học tình thương và vận động hàng triệu trẻ em đến trường.
Năm 2014, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phát động toàn lực lượng thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đến nay, các đơn vị BĐBP nhận đỡ đầu 2.844 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới.
* Mô hình “Thầy thuốc quân hàm xanh”
Từ năm 1999 đến nay, các đồn Biên phòng đã phối hợp xây dựng 150 trạm quân - dân y kết hợp, bố trí trên 400 y, bác sĩ vừa chăm lo sức khỏe cho bộ đội, vừa tham gia chữa bệnh cho nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Lào và Campuchia...
* Mô hình “Cán bộ Biên phòng tăng cường xã”
Từ năm 1999 đến nay, BĐBP đã tăng cường 332 cán bộ cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn, trong đó có 263 đồng chí giữ chức danh trong cấp ủy, chính quyền xã. BĐBP cũng đã giới thiệu 1.208 đảng viên ở các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản, “xóa” hơn 100 thôn, bản chưa có đảng viên...
* Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và “Trồng cây chủ quyền biên giới”
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên, huy động cán bộ, chiến sĩ và đoàn viên, thanh niên các đơn vị kết nghĩa tổ chức “Tết trồng cây” vào những ngày đầu Xuân. Năm 2016, toàn lực lượng trồng 105.256 cây xanh, cây ăn quả các loại; năm 2017, trồng hơn 220.422 cây xanh các loại và năm 2018, trồng 241.018 cây các loại...
* Các chương trình giao lưu biên giới và “Biên cương thắm tình hữu nghị”
Được sự nhất trí của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP và lực lượng bảo vệ biên giới các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia đã phối hợp triển khai các chương trình giao lưu hữu nghị với các nội dung, ý nghĩa sâu sắc, góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết, hữu nghị và thực hiện chủ trương hội nhập, cùng phát triển giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Hiện nay, Bộ Tư lệnh BĐBP chủ trì, phối hợp tổ chức các chương trình tiêu biểu như: giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”, “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc”, “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào”, “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam – Camp-chia”, “Giao lưu công tác chính trị giữa BĐBP Việt Nam và Công an Biên phòng Trung Quốc”.
* Mô hình kết nghĩa hai bên biên giới
Từ sự tham mưu, giúp đỡ của BĐBP, hiện nay, trên 3 tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam – Campuchia, đã có 176 cặp cụm dân cư kết nghĩa hai bên biên giới.
* Các đề án bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số
Từ năm 2009 đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã huy động gần 100 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ cho các đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ” ở Lai Châu, “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai” ở Nghệ An và “Bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc Chứt” tại Quảng Bình, Hà Tĩnh.
* Mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”
Từ năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP thực hiện chương trình đẩy mạnh và nâng cao hoạt động văn hóa - thông tin trên các tuyến biên giới, biển, đảo, đưa văn hóa thông tin về cơ sở. Nhiều cách làm sáng tạo đã phát huy được hiệu quả cao như: “Tổ, đội tuyên truyền văn hóa”, “Cụm loa phát thanh vùng biên”, “Thư viện, tủ sách phục vụ đồng bào và chiến sĩ khu vực biên giới”, “Câu lạc bộ dân ca”...
* Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”
Năm 2016, Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Trung tâm tin tức VTV 24, Đài Truyền hình Việt Nam và Trung tâm Tình nguyện quốc gia thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”. Chiến dịch đã huy động sự tham gia đông đảo của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân và các lực lượng tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, làm sạch môi trường biển, hải đảo nơi các đơn vị BĐBP đóng quân, từng bước đưa hoạt động “Hãy làm sạch biển” trở thành hoạt động tình nguyện thường xuyên của tuổi trẻ BĐBP.
* Phong trào “Chiến sĩ Biên phòng viết”
Được phát động từ năm 2012, phong trào “Chiến sĩ Biên phòng viết” đã được các đơn vị BĐBP trên toàn quốc tích cực hưởng ứng. Các bài viết thể hiện suy nghĩ, tâm tư tình cảm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đất nước, con người, với Đảng, Bác Hồ và Quân đội. Bên cạnh đó, còn có những trang viết về vẻ đẹp của non nước biên phòng, tình quân dân bền chặt và nét đẹp tâm hồn của người chiến sĩ Biên phòng...
* Phong trào “Cán bộ Biên phòng học ngoại ngữ, học tiếng dân tộc và ngôn ngữ nước láng giềng”
Ngày 24-11-2009, Thường vụ Đảng ủy, BĐBP đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/ĐUBP về việc học ngoại ngữ, học tiếng dân tộc thiểu số và tiếng nước láng giềng đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Phong trào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, kiểm soát cửa khẩu, vận động quần chúng, góp phần tăng cường mối đoàn kết gắn bó quân - dân, giữa lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam và các nước láng giềng.
* Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”
Tháng 3-2018, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phát động Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020 huy động sự tham gia của các cấp Hội phụ nữ cả nước hướng về các xã biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn. Đến nay, 110 xã biên giới được các đơn vị đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ với số tiền trên 37 tỉ đồng. Chương trình giúp 1.200 gia đình phụ nữ thoát nghèo, trao tặng bò giống trị giá 600 triệu đồng, hỗ trợ 14 công trình phụ trợ tại các xã biên giới trị giá 100 triệu đồng. Các tầng lớp nhân dân hướng về biên giới đã nhắn tin ủng hộ 50.000 tin nhắn, quy đổi giá trị khoảng trên 1 tỉ đồng.n
Nguyên Bình