Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

Những phím đàn thơ ngân vọng nghĩa tình

Biên phòng - Một nhà thơ đã từng ví: Những ngôi mộ hình chữ nhật màu vôi trắng trong nghĩa trang liệt sĩ là một phím đàn piano mà từ đó ngân vọng lên những âm thanh chưa bao giờ tắt của những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ. Đọc lại thơ viết về đề tài thương binh liệt sĩ từ trước tới nay, tôi thấy nhiều nhà thơ viết về ngôi mộ trong những lần đến viếng thăm, thắp hương tri ân các liệt sĩ tại các nghĩa trang bằng tất cả tấm lòng của mình. Và qua lăng kính của tâm hồn thi sĩ họ đã viết những bài thơ hay như những “tượng đài thơ” trong lòng bạn đọc, sống mãi với thời gian, với những rung cảm mãnh liệt ...

Có lẽ, bài thơ “Viếng bạn” của nhà thơ Hoàng Lộc - Một người lính Vệ quốc đoàn, phóng viên một tờ báo của quân đội được viết sớm nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bài thơ viết theo thể thơ 5 chữ, như những tâm tình kí thác rắn rỏi mà sâu nặng: “Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ”. “Hôm qua” và “hôm nay”, cái khoảng cách của 24 tiếng đồng hồ giữa cõi sống và cõi chết thật ngắn như nỗi tiếc thương đến quá bất ngờ. Và tiếng nấc tiếc thương cùng với những câu độc thoại: “Đứa nào bắn anh đó/ Súng nào nhằm trúng anh/ Khôn thiêng xin chỉ mặt/ Gọi tên nó ra anh!”. Ai đã từng nếm đau khổ sẽ thấy một điều: Đau khổ đến mức không kêu than, cặp mắt cứ ráo hoảnh không giọt lệ lúc ấy chính là nỗi đau hiện hữu đến tột cùng. Nhịp điệu bài thơ dồn nén: “Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời/ Mà hàm răng dính chặt”.

Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Thanh Hải - Một người con miền Nam đã viết bài thơ “Mồ anh hoa nở” cũng theo thể thơ 5 chữ, với lời tự sự trữ tình. Vẫn là mạch thơ kể chuyện: “Hôm qua chúng giết anh/ Xác phơi đầu ngõ xóm” với lời đe dọa: “Thằng này là cộng sản/ Không được đứa nào chôn”, nhưng khi kẻ thù quay đi thì bà con làng xóm bất chấp lời đe dọa: “Lũ chúng vừa quay lưng/ Chiếc quan tài sơn son/ Đã đưa anh về mộ”. Ngôi mộ của người chiến sĩ cộng sản được đặt trên đồi cao và luôn được đắp lên những bó hoa hồng tươi: “Hoa hồng nở và nở/ Hương thơm bay và bay”. Hoa hồng- biểu tượng cho tình yêu hạnh phúc, hoa hồng cũng là dòng máu đỏ tươi của người chiến sĩ. Hình ảnh ngôi mộ tươi thắm hoa hồng trên đồi cao như một biểu tượng đấu tranh cho sự sống bất diệt. Không chỉ có vòng hoa chị đơm, cây bông hồng em ươm mà còn hình ảnh: “Đi theo sau hồn anh/ Cả làng quê đường phố/ Cả lớn nhỏ, gái trai/ Đám càng đi càng dài/ Càng dài càng đông mãi”, có sức khái quát sức mạnh nghĩa tình đã gắn kết mọi người trước sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ cộng sản.

Trong thơ viết về thương binh liệt sĩ có hai ngôi mộ thật lạ mà chỉ có trong cuộc chiến tranh ác liệt của đất nước Việt Nam thân yêu chúng ta mới có và đi vào thi ca như những điểm nhấn mà lay thức cho đến bây giờ. Đó là “Ngôi mộ sông” trong thơ Lê Bá Dương và “Ngôi mộ gió” trong thơ Trịnh Công Lộc. Chiến tranh đã đi qua, nhưng khi trở lại dòng sông Thạch Hãn người cựu chiến binh Lê Bá Dương đã nức nở, thổn thức: “Đò lên Thạch Hạn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Ôi câu thơ đã chạm đến cõi tâm linh sâu thẳm nhất của con người, chạm đến sợi dây đàn nhạy cảm nhất của cõi người. Phải chăng phím đàn đây là dạt dào tiếng sóng vỗmãi với thời gian như viền lại những ám ảnh thường trực trong kí ức người cựu chiến binh thi sĩ với một động tác khẩn khoản: “Xin chèo nhẹ”. Chạm vào sóng nước là chạm vào máu thịt của của đồng đội mình. Trong cuộc chiến với kẻ thù trên biển để bảo vệ lãnh hải Tổ quốc, nhà thơ Trịnh Công Lộc đã rất thành công với một khúc ca thơ xúc động: “Mộ gió”. Theo tục lệ từ xưa, người dân Lý Sơn làm những ngôi mộ gió và tổ chức lễ chiêu hồn cầu an cho những linh hồn mãi ở lại nơi biển cả giữ gìn lãnh hải Tổ quốc. Bài thơ bộc lộ một cảm xúc mãnh liệt, dâng trào dồn nén như những lớp sóng vô cùng, vô hạn. Là “mộ gió” nên chỉ có “cát vun thành da thịt” và khi ta: “Chạm vào gió/ Như chạm vào da thịt/ Chạm vào nhói buốt/ Hoàng Sa”. Câu thơ thổn thức nghẹn ngào và tứ thơ xúc động đó cứ trào dâng: “Mộ gió đây/ Giăng từng hàng từng lớp/ Vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi”. Lớp lớp người ngã xuống đã hòa và ngọn gió vào cát vào đất đai sóng biển của Tổ quốc để thổi bùng lên chạm khắc một tượng đài người lính thật hiên ngang, bất khuất, như một tấm lá chắn vô hình bảo vệ non sông đất nước: “Là mộ gió/ Gió thổi hoài, thổi mãi/ Thổi bùng lên/ Những ngọn sóng ngang trời”. Và có hàng ngàn ngôi mộ vô danh trên dãy Trường Sơn trong bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý với lối cấu trúc điệp chữ và điệp ý như những điểm nhấn là cả một dư ba vang vọng với những phím đàn rung lên: “Mười ngàn đồng đội nằm rải Trường Sơn/ Mười ngàn hài cốt chưa về khói hương/Mười ngàn khát vọng cùng về bên nhau”.

Hà Huy

Bình luận

ZALO