Biên phòng - Trên dòng sông Hoài ở phố cổ Hội An, Quảng Nam có những người chèo đò cặm cụi mấy chục năm qua để mưu sinh. Họ mang đến cho du khách cả trong và ngoài nước những cảm xúc mới lạ và nụ cười của họ cũng theo những tấm hình của du khách đi khắp 5 châu.

Chòng chành con nước
Mới khoảng 5 giờ chiều, nhưng khu vực bên bến Bạch Đằng (đường Bạch Đằng, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã khá nhộn nhịp. Sau 2 năm “đóng băng” vì dịch Covid-19, nhiều khách du lịch phương xa đi lại tấp nập trên bờ kè và bậc tam cấp dẫn xuống lòng sông để lên đò thong dong theo dòng sông Hoài.
Sóng lượn nhấp nhô, những chiếc đò nhỏ nhô lên, hụp xuống khiến bà lái đò phải gò lưng, căng hai tay điều khiển mái chèo trong làn gió ngược nhích đi từng đoạn. Vừa cập bến, đưa tay quệt ngang vệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, bà lái đò Nguyễn Thị Nhánh khoe: “Hôm nay, khách đi về nhiều nên cũng kiếm được kha khá, chứ năm vừa rồi dịch bệnh nên vắng khách, ngày nào cũng phải bù tiền ăn!”. Bà Nhánh năm nay đã 69 tuổi, quê ở làng Kim Bồng bên kia sông. Bà đã làm nghề đưa đò hơn 20 năm nay. Bà kể, ngày còn nhỏ, bà thường theo người làng chèo đò qua lại hai bến Cẩm Kim và Phố Cổ nên khá quen thuộc con nước.
Chị Trần Thị Nhường (45 tuổi) cũng đã trải qua gần 20 năm sống với nghề đưa đò. Đang ngồi bần thần trên đò đợi khách, chị tâm sự: “Tôi nhà nghèo, ruộng vườn cũng chẳng được bao nhiêu lại không vốn liếng nên tôi vay tiền mua một chiếc thuyền làm “cần câu cơm”. Trước đây, tôi cũng làm nghề biển, nhưng chừ không còn sức nữa mà gánh nặng áo cơm ngày càng chồng chất, không biết phải xoay xở thế nào nên cũng ra đây nhập vào đội quân chèo đò này!”. Nghề chèo đò chỉ giúp gia đình chị Nhường sống qua ngày. Tuy nghề không nặng nhọc, nhưng rất vất vả mỗi khi vào mùa gió. “Nhiều lúc gặp dòng nước ngược thì đưa khách đi một vòng lớn là tôi ngồi thở dốc. Vậy đó mà vui, vui vì được tiếp xúc với nhiều người, biết được nhiều chuyện nơi đây nơi đó!” - chị Nhường thổ lộ.
Cuộc mưu sinh với biển cả đã bào mòn nhiều sức lực, thế nên, giờ về với bến Bạch Đằng, những chuyến đưa khách trên sông cũng bớt nhọc nhằn hơn. Nhưng những chiếc đò nhỏ của những người chèo đò cũng chẳng thể so được với những chiếc du thuyền hào nhoáng, được đầu tư kỹ càng của các công ty du lịch ở Hội An này. Thế nên thu nhập của người chèo đò cũng bấp bênh như con nước sông Hoài vậy. Có đêm, chạy được vài chuyến tầm trăm ngàn, trừ tiền bến cũng chỉ dư ra chưa tới năm chục ngàn. Đấy là ngày có khách, còn những ngày mưa bão, những ngày ế khách thì chịu. Tính ra, thu nhập cả tháng cũng chẳng được bao nhiêu. Mà khách xuống thuyền cũng chỉ là khách lẻ hoặc các cặp đôi, thích được cái cảm giác đi chầm chậm trên sông. Những người chèo đò cũng tập tành làm hướng dẫn viên, khách nào thích thì cho thêm đôi ba chục tiền công, gọi là...
Việc dầm mưa, dãi nắng năm này qua tháng nọ khiến những người sống bằng nghề đưa đò ai nấy đều già trước tuổi. Làn da đen sạm vì nắng, họ đội trên đầu những chiếc nón lá cũ mèm, khoác những tấm áo đã sờn từ lâu lắm. Những hình ảnh ấy đã hết sức quen thuộc với mọi người nơi đây.
Với thâm niên hơn 10 năm sống với phận đưa đò, bà Tăng Tị Nì (70 tuổi) cho biết: “Làm nghề này phải chịu khó, chịu khổ, dù nắng hay mưa cũng đều phải ngồi ngoài trời để đón khách! Dù thu nhập không nhiều, lại cực, nhưng dù sao thì bao năm nay, nhờ cái nghề đưa đò mà nhiều gia đình đã sống được qua ngày đoạn tháng, con cái cũng được đến trường cùng chúng bạn. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó! Chèo đò tuy mệt, nhưng lâu không được bơi trên sông, người nó bứt rứt, khó chịu lắm. Như 2 năm vừa rồi đóng cửa du lịch, hàng chục người chèo đò như tôi buồn vì không kiếm được tiền, còn buồn vì nhớ đò, nhớ mái chèo nữa!”. Bà Nì trút tiếng thở dài của nỗi trầm tư in lên cả mặt sông đêm loang loáng ánh đèn màu.
Hầu hết những người làm nghề chèo đò đưa khách bên bến Bạch Đằng này đều cố gắng bám trụ, vì cuộc mưu sinh nào chẳng nhiều vất vả. Bảo làm việc khác được không, họ đều ngần ngại lắc đầu.
Những nụ cười gửi tới muôn nơi
Hội An là địa điểm du lịch hấp dẫn không chỉ trong nước, mà còn thu hút rất đông khách nước ngoài đến tham quan. Có không ít du khách dừng lại ở hai bên bờ sông Hoài để chụp ảnh những con đò hoặc muốn ngắm nhìn Hội An. Trở ngại lớn nhất giữa du khách nước ngoài và người chèo đò chính là ngôn ngữ. Do bến Bạch Đằng là bến sông du lịch sinh thái thường xuyên đón tiếp du khách nước ngoài tham quan các điểm du lịch tại Hội An nên phần lớn những người chèo đò ít nhiều cũng tranh thủ “học” nói ít tiếng nước ngoài để thuận tiện trong việc đưa đón khách.

Nhắc chuyện này, chị Nhường cười: “Ở đây, tụi tôi nói toàn tiếng “bồi”, nếu du khách không hiểu thì mình ra dấu. Họ gật đầu coi như là “OK”. Còn những câu chào hỏi hay giao dịch quen thuộc để biết du khách muốn đi đâu và để ngã giá thì chúng tôi đã thuộc làu! Không chỉ những người trẻ như chúng tôi, mà cả các cụ già chèo đò này cũng nói được tiếng nước ngoài hay lắm!”.
Không chỉ với những người trẻ, mà thực ra đều trên dưới 40 tuổi, còn có những ông cụ, bà cụ ngoài 70 tuổi vẫn ngày đêm chèo đò đưa khách du lịch thong dong trên sông Hoài này. Như ông Tám, đã ngoài 75 tuổi, ông tậu đò vài năm trước với giá 7 triệu đồng. Hằng ngày, ông Tám cứ chèo từ bờ này sang bờ kia sông Hoài để đón khách. Có những đêm mắt mờ quá không nhìn thấy rõ hay tay run, người mỏi, vợ ông sẽ chèo thay để chở khách. Chèo đò tuy cực, nhưng nhắc tới nghề mình đang làm, mắt ông Tám lại sáng lên và kể một cách đầy tự hào. Khách du lịch từ châu Âu, châu Mỹ, ông Tám có thể sử dụng vốn tiếng Anh ít ỏi mà mình học lỏm từ những người xích lô để mời khách. Nhưng khi gặp du khách châu Á thì ông đành chịu. Ở Hội An có không ít khách đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Lào...
Hỏi về chuyện chèo đò, chị Trần Thị Ánh (52 tuổi) thật thà cho biết: “Bây chừ du khách đi thuyền, chèo đò, chụp ảnh, quay phim một cách rất khoái chí và thích thú đến hồn nhiên. Với khách Tây, những điều mới lạ luôn là mối quan tâm của họ khi đi du lịch như thế!”. Mùa lụt ở Hội An cũng là cơ hội kiếm sống của các ngư dân nghèo. Già trẻ, trai gái đều có thể tham gia chèo đò cho du khách. Và dĩ nhiên, trên những chiếc đò nhỏ đều được trang bị áo phao đầy đủ...
Nhìn những người chèo đò cặm cụi chở khách trên sông, hay ngồi đợi khách bên bến Bạch Đằng, tôi hiểu rằng, với mỗi con người, cuộc mưu sinh nào cũng đầy khốn khó. Vì có quy định của thành phố nên giá cả mỗi khách lên đò cũng chỉ dao động từ 40 hoặc 50 ngàn đồng một chuyến đi với những thuyền nhỏ, thuyền to hơn thì 100 ngàn đồng một chuyến. “Khách Tây hay ta cũng vậy cả thôi, “chặt chém” họ mần chi mà mang tiếng. Ở đây tụi tôi tính giá theo quy định và được tính theo giờ (40 ngàn đồng/giờ/người). Du khách sẽ được người chèo ghe chèo theo ý mình hoặc có thể tự tay cầm dầm để xuôi mái!” - bà Nguyễn Thị Nhánh cho biết.
Trên một khúc sông rộng, bên cạnh sự phồn hoa của phố xá vẫn có những con người ngày ngày lặng lẽ mưu sinh bằng những công việc đơn giản nhất. Trên những chiếc ghe ấy có những người khách du lịch đến từ khắp thế giới, họ hào hứng và thích thú với phố cổ Hội An và họ cảm thấy thú vị với những người chèo đò trên sông Hoài này. Rất nhiều người chèo đò đã được du khách chụp hình và trong những bức hình đó luôn là nụ cười tươi bất chấp những khó khăn của cuộc sống.
Những tấm hình với nụ cười của người chèo đò trên dòng sông Hoài đã theo chân du khách đi khắp 5 châu, góp phần quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp và sự mến khách của con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tiêu Dao