Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 02:22 GMT+7

Những nỗi đau da cam

Biên phòng - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trên mảnh đất A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn còn đó những hố bom sâu hoắm của một thời đạn bom khốc liệt với những địa danh đã đi vào lịch sử như: Địa đạo Đông So, đồi Thịt Băm, suối Máu, sân bay A So... Các bản làng, thôn xóm giờ đây đã được sống trong hòa bình. Tuy nhiên, phía sau sự yên bình ấy vẫn còn đó những nỗi đau dai dẳng do chiến tranh để lại trong hàng ngàn gia đình đồng bào A Lưới, mà thủ phạm chính là chất độc da cam - đi-ô-xin.

10ru_8b-1.jpg
Nạn nhân CĐDC ở A Lưới được hỗ trợ đào tạo nghề để hòa nhập cộng đồng.

Chất ngất nỗi đau...

Là một vùng đất nằm dọc biên giới Việt - Lào trong tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, thời kỳ chiến tranh, do A Lưới có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt quân sự nên Mỹ - ngụy đã thiết lập tại đây 3 sân bay, 6 khu vực đồn trú quân lớn cùng với hệ thống đồn, bốt dày đặc nhằm khống chế đường hành quân của quân Giải phóng từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Theo nguồn tài liệu từ phía Mỹ, để phục vụ cho các mục đích quân sự, trong chiến dịch Ranch Hand được tiến hành từ năm 1962-1971, Mỹ đã thực hiện hơn 300 phi vụ tập kích và đã rải xuống A Lưới 549.274 gallons chất diệt cỏ có chứa chất độc da cam (CĐDC) - đi-ô-xin, bằng 1/2 tổng lượng chất độc hóa học đã rải trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đi-ô-xin là cách gọi tắt của chất 2,3,7,8-Tetrachloro dibenzo-p-Dioxin - một trong những chất hóa học mang tính độc cao nhất mà loài người từng biết đến. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế về chất độc hóa học được thực hiện bởi UB10-80 (Ủy ban quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học dùng trong chiến tranh Việt Nam) của Việt Nam và Công ty tư vấn môi trường Hatfield Consultant  Ltd - Ca-na-da, các nhà khoa học đã chứng minh được lượng tồn dư đi-ô-xin có trong CĐDC được xác định ở nhiều vùng thuộc huyện A Lưới vẫn ở mức báo động. CĐDC đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sinh sản của người dân địa phương như: Làm tăng đột biến tỷ lệ tai biến sinh sản, sinh con dị tật và các bệnh nan y khác..
Đông Sơn là một xã biên giới, nơi được các nhà khoa học xác định là một trong những điểm nóng bởi sự tác động của CĐDC - đi-ô-xin. Trong số hàng trăm người trên địa bàn xã bị nhiễm CĐDC, có 61 người bị tàn tật, bại não, thần kinh, liệt chân tay, trong đó có gần 30 trẻ em dưới 6 tuổi bị dị tật bẩm sinh, được xác định có nguyên nhân từ loại chất kịch độc này. Gia đình ông Quỳnh Ngân, 50 tuổi, dân tộc Tà Ôi, ở thôn Rơ Môm là một ví dụ điển hình. Do thời kỳ chiến tranh sinh sống trong vùng bị rải CĐDC nên cả hai vợ chồng đều bị nhiễm chất độc, qua 11 lần sinh chỉ có ba đứa con sống được, trong đó, cháu gái đầu sinh ra đã bị mù, bại não, đầu dị tật, dù vẫn nhận thức được, nhưng mỗi khi lên cơn đau, cháu lại la hét, gào khóc. Sở dĩ ở xã Đông Sơn có tỷ lệ người tàn tật do CĐDC tăng cao bởi vì ngay từ năm 1962, để bảo vệ sân bay A So, Mỹ đã tiến hành rải chất diệt cỏ với mật độ dày đặc nhằm phát quang cây rừng quanh khu vực. Báo cáo của dự án "Đánh giá sự tồn lưu của đi-ô-xin đối với hệ sinh thái và con người vùng thung lũng A Lưới" do Công ty Hatfield và UB 10-80 thực hiện đã chỉ rõ, khu vực quanh sân bay A So hiện nay là một trong những nơi bị nhiễm đi-ô-xin nặng nhất ở Việt Nam.

Tuy không khốc liệt như ở Đông Sơn, nhưng xã biên giới Hồng Trung, nơi từng bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC - đi-ô-xin có hơn 350 đứa trẻ bị câm, điếc, mù, lòa hoặc dị dạng... Trung bình, mỗi gia đình ở đây có hơn một đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi CĐDC. Xã vùng sâu A Đớt cũng không phải là ngoại lệ với hàng trăm người phải chịu di họa của CĐDC, trong đó nặng nề nhất phải kể đến gia đình bà Viên Thị On với ba đứa con bị dị tật nằm một chỗ, không biết đến cảm giác vui, buồn và cũng không thể tự mình lo cho bản thân.

... Và những trăn trở

Trao đổi với báo chí, ông Trần Anh Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện A Lưới, thông báo những con số khiến ai nghe cũng phải giật mình: Hiện nay, A Lưới có tới 5.000 người nghi nhiễm CĐDC, chiếm hơn 10% dân số toàn huyện. Đối với nhiều người trong số họ, mặc dù cuộc chiến đã ngưng tiếng súng gần 40 năm, nhưng vẫn chưa đến hồi kết thúc.

Thực tế cho thấy, phần lớn những người bị nhiễm CĐDC đều phải chịu cảnh nghèo khó, lam lũ, đau khổ, thiệt thòi so với cộng đồng. Theo báo cáo của Hội Nạn nhân CĐDC huyện A Lưới, thời gian qua, đã có nhiều chương trình, dự án của các tổ chức nhân đạo-xã hội trong nước và quốc tế triển khai ở các địa phương được xác định là điểm nóng CĐDC như Đông Sơn, Hồng Vân, A Ngo, Hương Lâm, A Đớt... nhằm giúp đỡ, cải thiện, nâng cao đời sống cho các gia đình nạn nhân bị nhiễm CĐDC - đi-ô-xin. Điển hình, Quỹ Bảo trợ nạn nhân CĐDC và một số đoàn thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cho nhiều hộ có người thân là nạn nhân CĐDC vay vốn khuyến học, xóa đói giảm nghèo. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế vận động được dự án cung cấp miễn phí hàng trăm con bò của Úc, Pháp cho các gia đình nạn nhân CĐDC.

Đặc biệt, qua kênh đối thoại Việt - Mỹ, một dự án về nước sạch trị giá 1,4 tỷ đồng đã cung cấp nước sạch cho rất nhiều hộ dân ở điểm nóng CĐDC thuộc xã Đông Sơn. Hay như Văn phòng tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ khuyết tật của PGS.TS Nguyễn Viết Nhân, trường Đại học Y Dược Huế đã giúp nhiều trẻ khuyết tật mổ và phục hồi chức năng... Những chương trình, dự án này dù chưa đáp ứng hết nhu cầu cần được giúp đỡ của các nạn nhân CĐDC, nhưng đã đem đến cho họ niềm tin và đã vực dậy bao cuộc đời của những số phận bất hạnh, góp phần làm cho cuộc sống của họ bớt nghiệt ngã hơn...
i3fw_8a-1.jpg
Một nạn nhân CĐDC ở xã Đông Sơn, A Lưới.


Tuy nhiên, việc cần làm nhất hiện nay đối với các nạn nhân CĐDC không phải chờ đợi vào sự tài trợ của các tổ chức nhân đạo-xã hội. Điều mà họ mong mỏi nhất chính là sự giúp đỡ mang tính ổn định, bền vững của Nhà nước và cộng đồng. Thực tế cho thấy, nhu cầu cấp bách và chung nhất của những người bị nhiễm CĐDC và gia đình họ hiện nay là mong muốn cải thiện hoàn cảnh sống còn quá nhiều khó khăn.

Vấn đề đặt ra đối với việc này ở A Lưới hiện nay trước hết là làm sao giải quyết những vướng mắc từ nhiều phía đối với việc thực hiện chế độ trợ cấp cho số nạn nhân bị nhiễm CĐDC theo quy định của Nhà nước. Theo thống kê của cơ quan chức năng A Lưới, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện mới có gần 800 người được hưởng chế độ hàng tháng (thuộc đối tượng là người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐDC). Trong số người nghi nhiễm CĐDC trên địa bàn A Lưới, có khoảng 2.400 người chưa thuộc đối tượng được xét hưởng chế độ...

Vẫn biết, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các nạn nhân CĐDC ở nhiều vùng miền trên cả nước, trong đó có huyện A Lưới như đầu tư kinh phí tìm kiếm công nghệ xử lý các khu vực tồn lưu lượng đi-ô-xin cao, thúc đẩy công tác chăm sóc nạn nhân và hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý cho họ...

Tuy vậy, từ thực tế ở A Lưới cho thấy, các chính sách cụ thể đối với nạn nhân CĐDC, nhất là đối với các thế hệ thứ ba, thứ tư của người hoạt động kháng chiến, dân thường và người làm nhiệm vụ tại các khu vực bị nhiễm CĐDC nặng cần được thường xuyên cập nhật, hoàn thiện để đáp ứng với tình hình thực tiễn. Nỗi đau da cam luôn dai dẳng và nhức nhối, nếu được cả xã hội chung tay góp sức cùng với sự sẻ chia của cộng đồng quốc tế, sẽ góp phần làm cho nỗi đau này dịu bớt phần nào...
Hoàng Phương Uyên

Bình luận

ZALO