Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:08 GMT+7

Những người viết nên bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968

Biên phòng - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 là một trận đánh tổng lực, huy động sức mạnh của nhiều thứ quân, nhiều lực lượng và các tầng lớp nhân dân trên khắp chiến trường miền Nam. Tại Sài Gòn-Gia Định, cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta đã đi vào lịch sử như một huyền thoại... Đúng 50 năm sau chiến thắng Mậu Thân, tôi may mắn được tiếp chuyện với những người tham gia cuộc Tổng tiến công đó.

2z0n_3a
Đồng chí Lê Việt Bình và Đại tá Trần Minh Sơn. Ảnh: Đăng Bảy

Những chiến sĩ An ninh vũ trang quả cảm

Tôi tìm gặp ông Lê Việt Bình tại nhà riêng ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Trong cái se se lạnh hiếm hoi của ngày cuối năm, ông nhắc nhiều tới những kỷ niệm trong đợt Tổng tiến công mùa Xuân Mậu Thân 1968. Ông kể, trong nhóm của ông có 5 người là An ninh vũ trang trực tiếp đánh vào sào huyệt của địch ở Sài Gòn. Đó là Nguyễn Văn Lệnh, Phương Hữu Mẫu, Ba Uynh, Nguyễn Văn Nam và Lê Việt Bình. Cả 5 người đều là chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) từ miền Bắc được chi viện cho chiến trường miền Nam, sau đó chuyển sang Trinh sát vũ trang nội đô, thuộc Ban Bảo vệ an ninh Sài Gòn-Gia Định.

Dáng người to cao nên tuy đã bước sang tuổi 75, nhưng ông Lê Việt Bình vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Bằng chất giọng miền Trung trầm ấm, ông kể khá chi tiết về những trận đánh mà ông và đồng đội trực tiếp tham gia... Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Lê Việt Bình (bí danh Trần Văn Cường, Hai Đường) và đồng đội được phân công đánh Tòa Đại sứ Philippines. Đúng lúc phát lệnh Tổng tấn công, Tổ trinh sát gồm 6 người, do ông Nguyễn Văn Hưng (Tư Hưng) chỉ huy cho nổ bộc phá, đánh tung cổng chính và tầng lầu phía trước tòa đại sứ.

Tuy lực lượng không cân xứng, nhưng ta đã chủ động tổ chức tấn công dồn dập, tiêu diệt nhiều lính địch, phá nổ hai xe cảnh sát. Trận đánh để lại tiếng vang lớn về sự quả cảm của lực lượng An ninh vũ trang. Cuối năm 1968, Lê Việt Bình và 3 đồng đội thuộc Trinh sát vũ trang lại tiếp tục lập công xuất sắc, tiêu diệt tên tướng tình báo hai sao Nguyễn Văn Kiểm, Tham mưu trưởng An ninh biệt bộ Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Vụ tiêu diệt tên trùm tình báo Nguyễn Văn Kiểm đã làm chấn động dư luận Sài Gòn trong một thời gian dài.

Sau trận đó, Nguyễn Văn Lệnh, Lê Việt Bình và một số chiến sĩ Trinh sát vũ trang tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ tiêu diệt Thủ tướng ngụy Trần Văn Hương. Trận đánh diễn ra ngay trung tâm Sài Gòn đúng như kế hoạch, chỉ tiếc là Trần Văn Hương đã thoát chết... Trong trận chiến đấu trực diện đó, Lê Việt Bình và một số đồng đội bị địch bắt tù đày và phải chịu nhiều kiểu tra tấn cực kỳ dã man...

Đúng 50 năm sau cuộc Tổng tấn công lịch sử, ông Lê Việt Bình vẫn không giấu được xúc động khi nói về những người đồng đội, nhất là những người lính Công an nhân dân vũ trang mưu trí, dũng cảm đã cùng ông vào sinh ra tử.

Trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ

Tại Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” tổ chức ngày 29-12-2017, tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi có dịp gặp lại Đại tá Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn), nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Phân khu Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ông là người đã trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ và trực tiếp tham gia hai chiến dịch Mậu Thân 1968 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Bước sang tuổi 93, nhưng đôi mắt ông vẫn sáng, giọng nói còn khỏe và minh mẫn. Ông hào hứng khi nhắc lại cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, đặc biệt là trận đánh Đại sứ quán Mỹ.

Ông kể, trong kế hoạch tác chiến ban đầu của Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định, không tấn công Đại sứ quán Mỹ. Nhưng theo chỉ đạo của trên nên mới bổ sung thêm mục tiêu này. Chỉ có 5 ngày chuẩn bị cả về phương án, con người, vũ khí cho mục tiêu tác chiến mới.

Đồng chí Ngô Thanh Vân (bí danh Ba Đen), người đang giữ chìa khóa của 14 hầm vũ khí trong nội thành được giao nhiệm vụ chỉ huy đánh trận này. Do lực lượng đã bố trí ở các mục tiêu khác nên Ba Đen được bổ sung 16 người chưa tham gia trận mạc bao giờ. Nhưng Ba Đen vẫn lạc quan và huấn luyện cấp tốc cho anh em. “Chiều 29 Tết, tôi vào nội thành kiểm tra, gặp và ăn Tết với anh em ở mục tiêu Đại sứ quán Mỹ, thấy việc chuẩn bị đã đâu vào đấy, mọi người đều vui vẻ” - Ông Bảy Sơn nhớ lại.

Đến 1 giờ 45 phút, sáng 31-1-1968 (mùng 2 Tết Nguyên đán), ta đồng loạt tấn công. Nội thành Sài Gòn rung chuyển dữ dội bởi tiếng B40, tiếng bộc phá và các loại súng đồng loạt khai hỏa. Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn, dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh Hải quân... lần lượt bị ta chiếm giữ. Cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ kéo dài đến sáng mùng 2 Tết thì phần lớn anh em hy sinh, chỉ còn Ba Đen bị thương nặng và bị địch bắt vì lực lượng chi viện của ta không đến kịp. Ông nói: “Các chiến sĩ cảm tử đã chiến đấu dũng cảm, chiếm được mục tiêu, giữ vững trận địa tới giây phút cuối cùng. Trận tấn công oanh liệt này đã tạo ảnh hưởng lớn đến cục diện của cả chiến dịch". Ông rất xúc động khi nói tới những đồng đội đã anh dũng hi sinh trong trận đánh đó: “Thằng Vinh nhỏ nhất, mới 17 tuổi. Gia đình Vinh đã dự định cưới vợ cho nó sau khi trận đánh kết thúc...”.

Nửa thế kỷ đã đi qua, nhưng bản hùng ca Mậu Thân 1968 vẫn vang mãi giai điệu tự hào trong lòng các thế hệ người dân Việt Nam. Sâu thẳm trong trái tim, trong tâm hồn mỗi chúng ta luôn in đậm hình bóng đồng đội, đồng chí và đồng bào ngàn lần yêu quý và khâm phục.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO