Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 09:10 GMT+7

Những người thắp lửa biên cương

Biên phòng - Mang khát vọng thay đổi tư duy và nhận thức từ cơ sở, 20 năm qua, xác định rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực biên giới và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, BĐBP đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-văn hóa ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Và trong 20 năm ấy, theo bước chân những người lính Biên phòng mang trên vai hai trọng trách tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn (1999-2019) để đem lại ấm no cho vùng biên gian khó - biên cương đã thành nơi tỏa sáng tình dân, nghĩa Đảng.

Bài 1: BĐBP tham gia củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng và đảng viên vùng dân tộc thiểu số

Ngay từ khi mới thành lập, để hoàn thành sứ mệnh xây dựng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia mà Đảng, nhân dân giao phó, BĐBP đã triển khai lực lượng trên các tuyến biên giới, thực hiện 3 bám: “Bám dân, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương”, 4 cùng: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, vừa tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, giúp dân lao động sản xuất, ổn định đời sống.

Chỉ tính riêng 10 năm (1989-1999), BĐBP đã tham gia củng cố 678 tổ chức cơ sở đảng, 656 UBND và HĐND, 861 Ban Công an xã, hơn 600 Ban xã hội; phát hiện, bồi dưỡng để địa phương bố trí 987 cán bộ có năng lực vào bộ máy xã, thôn, bản; kiện toàn 2.806 chi đoàn thanh niên, 2.371 chi hội phụ nữ; lập hơn 2.000 tổ phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo...

w0n2_7
Cán bộ Đồn Biên phòng Cái Cùng và lực lượng Kiểm lâm tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn biên phòng. Ảnh: Hồ Phúc

Tuy nhiên, sau 10 năm nước ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, mặc dù được Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển khu vực biên giới, song nhìn chung, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao, hệ thống tổ chức đảng và đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số vừa mỏng, vừa yếu; các tổ chức đoàn thể hoạt động hiệu quả thấp. Tỷ lệ đói nghèo trên 30% (có nơi hơn 70%), trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, tình hình di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật diễn biến phức tạp. Trong khi đó, hệ thống chính trị cơ sở còn nhiều yếu kém bất cập, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, khi còn gần 300 thôn, bản chưa có đảng viên, hơn 1.000 thôn bản chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ; năng lực quản lý, điều hành, trình độ văn hóa của đa số đội ngũ đảng viên còn yếu. 

Đứng trước thực trạng đó, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 28-3-1998, của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh các xã, phường biên giới, hải đảo” và Nghị quyết số 150/ĐU-QSTW ngày 1-8-1998 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về "Quân đội tham gia lao động phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn chiến lược biên giới, hải đảo”, xác định đây là nhiệm vụ chính trị mang tính cấp bách, có ý nghĩa chiến lược lâu dài để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới trong xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, Đảng ủy BĐBP đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế -xã hội. Hàng loạt các chỉ thị, nghị quyết cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội về triển khai thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới đã được Đảng ủy BĐBP ban hành theo hướng lấy xây dựng cơ sở vững mạnh làm mục tiêu, xây dựng tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân là biện pháp quan trọng để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc. 

Với chủ trương này, tháng 10-1998, Đảng ủy BĐBP đã thống nhất với một số Tỉnh ủy, Thành ủy chủ trương tăng cường mỗi xã đặc biệt khó khăn một cán bộ BĐBP để tham mưu và tham gia giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh. Đồng thời, Đảng ủy BĐBP đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố lựa chọn những cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị và ý thức trách nhiệm cao, có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng đi tăng cường xã.

Bên cạnh đó, các Tỉnh ủy, Thành ủy biên giới cũng đã ban hành chỉ thị, xây dựng kế hoạch triển khai cán bộ tăng cường xã; thành lập Ban chỉ đạo, bộ phận thường trực theo dõi, đôn đốc và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở các cấp, nhất là các đồn Biên phòng và các xã biên giới; xây dựng các quy chế, quy định để thực hiện, quan tâm chăm lo về cơ sở vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ BĐBP tăng cường cho các xã biên giới. 

Kết quả, năm 1999, Đảng ủy BĐBP đã cử 163 sĩ quan, 174 quân nhân chuyên nghiệp tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn để giúp chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nhất là hệ thống tổ chức đảng và đảng viên vùng dân tộc thiểu số, góp phần “xóa các thôn, bản trắng đảng viên”. Năm 2000 đến tháng 10-2003, Đảng ủy BĐBP cử 146 sĩ quan, 205 quân nhân chuyên nghiệp đi tăng cường xã. Trong giai đoạn này, một số đơn vị đã điều chỉnh rút cán bộ về khi nhiều nơi đảm bảo được yêu cầu cán bộ cho cơ sở như: Hải Phòng, Hà Giang, Quảng Ngãi, Bình Định.

Tuy nhiên, đến năm 2005, do tình hình an ninh chính trị ở một số địa bàn biên giới phức tạp, nhiều địa phương tiếp tục đề nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai cán bộ Biên phòng tăng cường cho các xã biên giới để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đội ngũ cán bộ Biên phòng cho các xã biên giới đã tăng lên 374 đồng chí, trong đó, riêng tỉnh Lai Châu tăng cường 69 đồng chí. Năm 2014, BĐBP bố trí tăng cường 337 cán bộ cho 323 xã biên giới, trong đó có 247 đồng chí giữ 296 chức danh trong cấp ủy, chính quyền xã (11 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, 12 đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, 208 đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã; 6 đồng chí Chủ tịch UBND xã, 5 đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã).

Và đến thời điểm hiện tại (nhiệm kỳ 2015-2020), BĐBP đang tăng cường 332 đồng chí, trong đó, 259 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã, nhiều đồng chí được bầu, chỉ định giữ các chức danh chủ chốt trong cấp ủy xã như: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã; Huyện ủy viên kiêm Bí thư Đảng ủy... Quá trình triển khai đưa cán bộ Biên phòng tăng cường xã, rất nhiều đơn vị có cách làm sáng tạo, hiệu quả, trở thành mô hình điểm để Đảng ủy BĐBP triển khai rộng rãi tại các tỉnh, thành biên giới như BĐBP Nghệ An, BĐBP Quảng Trị, BĐBP Cao Bằng...

Trong đó, tại Nghệ An, quán triệt chủ trương của Đảng ủy BĐBP và Tỉnh ủy Nghệ An về tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn, năm 1999, BĐBP Nghệ An đã lựa chọn những sĩ quan đã qua chỉ huy đồn Biên phòng, có kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng tăng cường về các xã. Đồng thời, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ định cán bộ Biên phòng giữ một số chức danh như Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng hoặc Phó ban Công an xã, Ban chỉ huy Xã đội hoặc Trưởng ban Xóa đói giảm nghèo của xã.

Đến năm 2003, Bộ Chỉ huy chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định tăng cường sĩ quan Biên phòng về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới. Sau hai năm, 19 đồng chí sĩ quan Biên phòng tăng cường xã được bố trí chức danh Phó Bí thư Đảng ủy đã giúp địa phương xây dựng các quy chế làm việc của tổ chức đảng, chính quyền đoàn thể; phân công nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, đưa dần các chế độ sinh hoạt, công tác vào nền nếp và trở thành trung tâm củng cố, đoàn kết nội bộ của các xã.

Qua đó, góp phần quan trọng giúp nhiều xã từ yếu kém vươn lên khá, vững mạnh như xã Tà Cạ, Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn), xã Tam Quang (huyện Tương Dương), xã Tri Lễ (huyện Quế Phong). Ngoài việc phát huy hiệu quả của đội ngũ cán bộ tăng cường là Phó Bí thư Đảng ủy xã, BĐBP Nghệ An còn tham mưu cho Tỉnh ủy phát triển mô hình giới thiệu đảng viên các đồn Biên phòng về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản yếu kém, phức tạp về an ninh, trật tự.

Kết quả, đội ngũ cán bộ tăng cường xã của BĐBP Nghệ An đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương bồi dưỡng phát triển được 1.234 đảng viên (có 19 đảng viên là giáo dân), xóa 16/21 thôn, bản trắng đảng viên, trắng về chi bộ (thành lập mới 15 chi bộ, xóa 3 bản trắng đảng viên). Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên ở các xã, thôn, bản biên giới; xây dựng và củng cố 813 tổ chức đoàn thể đi vào hoạt động có nền nếp, chất lượng.

Còn tại tỉnh Quảng Trị, ngay khi thống nhất chủ trương với Đảng ủy BĐBP về tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã đặc biệt khó khăn, Thường vụ Tỉnh ủy đã ra quy định xác định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cán bộ tăng cường xã. 17 đồng chí cán bộ BĐBP tăng cường (năm 2018 còn 16 đồng chí) xã giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã hoặc Phó Bí thư thường trực, được thay thế Bí thư Đảng ủy xã khi Bí thư đi vắng, được triệu tập, điều hành hội nghị xây dựng cơ sở chính trị, quốc phòng-an ninh cũng như yêu cầu cơ sở, các đơn vị trong địa bàn báo cáo về công tác quốc phòng, an ninh.

Nhờ vậy mà đội ngũ cán bộ tăng cường xã cũng như 38 đồng chí đảng viên các đồn Biên phòng về tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy tổ chức xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở các xã biên giới, kết nạp được 992 đảng viên. Và từ chỗ Đảng bộ huyện Đắkrông có 11 chi bộ ghép, Đảng bộ huyện Hướng Hóa có 15 thôn, bản không có đảng viên, đến nay không còn chi bộ ghép, không còn bản trắng đảng viên, chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên rõ rệt, 5 năm gần đây (2013-2018) có 8 đảng bộ xã 5 năm liền liên tục đạt trong sạch vững mạnh.

Đánh giá về hiệu quả của đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường xã, đồng chí Triệu Tài Vinh khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đã khẳng định: Cán bộ Biên phòng tăng cường xã đã góp phần làm thay đổi bộ mặt các xã biên giới trên mọi phương diện, là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội của các xã biên giới nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng.

Bài 2: Dấu ấn của những người lính “Một đôi vai gánh hai trọng trách”

Hương Mai

Bình luận

ZALO