Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

Những người thắp lửa biên cương (bài 5)

Biên phòng - Mang khát vọng thay đổi tư duy và nhận thức từ cơ sở, 20 năm qua, xác định rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực biên giới và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, BĐBP đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-văn hóa ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Và trong 20 năm ấy, theo bước chân những người lính Biên phòng mang trên vai hai trọng trách tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn (1999-2019) để đem lại ấm no cho vùng biên gian khó - biên cương đã thành nơi tỏa sáng tình dân, nghĩa Đảng.

Bài 1: BĐBP tham gia củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng và đảng viên vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Dấu ấn của những người lính Biên phòng “Một đôi vai gánh hai trọng trách”

Bài 3: Sao xanh tô thắm đại ngàn

Bài 4: Đem ấm no về với bản làng

Bài 5: Biên cương tỏa sáng tình dân, nghĩa Đảng

Biên cương đang đổi thay từng ngày là cảm nhận chung của những ai khi đặt chân đi suốt dọc dài biên cương Tổ quốc. Những ngôi nhà khang trang đã thay thế cho những căn nhà tranh tre vách nứa; những đàn bò, đàn dê thong dong gặm cỏ; những khu vườn cây trái sum suê như một minh chứng cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày càng khởi sắc. Và đóng góp vào sự thay đổi đó có vai trò quan trọng của những người lính quân hàm xanh trong suốt 20 năm qua.

7e8r_9
Cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế hướng dẫn người dân Sê Sáp chăm sóc cây trồng. Ảnh: CTV

Trở lại xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La hôm nay, đi trên con đường ô tô trải nhựa phẳng lì, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi ẩn hiện trong màu xanh mướt mát của cây trái, lúa ngô, ít ai có thể hình dung được 20 năm trước, Chiềng Tương là một trong 16 xã biên giới đặc biệt khó khăn được Bộ Tư lệnh BĐBP chọn làm điểm chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khi triển khai Chỉ thị số 31/CT-BTL về “Tăng cường tham gia các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội ở các xã, phường biên giới, hải đảo”. Hồi đó, Chiềng Tương chưa có đường ô tô, phải đi bộ theo đường mòn mất nửa ngày mới ra được huyện; cuộc sống của người dân thì đói nghèo, lạc hậu, tỷ lệ mù chữ, bệnh tật, hủ tục khá nặng nề. Vậy mà chỉ sau vài năm có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chung tay của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La, một con đường ô tô đã được mở từ xã Lóng Phiêng vào tận xã Chiềng Tương. Có đường ô tô, sản phẩm làm ra được thu mua, đời sống của bà con các dân tộc nơi đây dần ổn định và nâng cao, tỷ lệ đói nghèo, tập tục lạc hậu giảm dần. Và sau 20 năm, từ nhiều nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân; sự giúp đỡ của BĐBP thông qua các mô hình phát triển kinh tế, sự hướng dẫn của những đảng viên về sinh hoạt tạm thời tại chi bộ các thôn bản và đảng viên nhận đỡ đầu hộ nghèo, đời sống nhân dân trong xã ngày càng được ổn định. Đến nay, đã có gần 60% số hộ có mức thu nhập khá, 70% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường...

Và không chỉ có Chiềng Tương, trong 20 năm tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn biên giới, BĐBP Sơn La đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia củng cố cơ sở chính trị; củng cố, kiện toàn các tổ chức quần chúng gắn với nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản; phân công 255 đảng viên phụ trách 645 hộ, 3.595 khẩu ở 174 bản, 17 xã biên giới. Bên cạnh đó, BĐBP Sơn La còn triển khai nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả như: Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc tại xã biên giới ở xã Chiềng Tương (Yên Châu); mô hình vườn ao chuồng, trồng cỏ cao sản của Đồn Biên phòng Mường Lạn (Sốp Cộp); ngân hàng dê giống của Đồn Biên phòng Chiềng On (Yên Châu); trồng cây chanh leo tại xã Lóng Sập (Mộc Châu)..., từ đó nhiều hộ gia đình nông dân đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện kinh tế để mua sắm đồ dùng trong gia đình, có tích lũy và tái đầu tư cho sản xuất. 

Đến với huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc, nơi có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 49%, 51/99 thôn, buôn đặc biệt khó khăn, nhưng đấy là chuyện của ngày xưa, còn hôm nay, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt có sự chung tay của những người lính Biên phòng, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới của huyện Buôn Đôn ngày càng ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng được củng cố, phát triển. Nói về sự đổi thay của quê hương mình, ông Vong Nhi Ksor, Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn cho biết: Những năm qua, BĐBP đã thường xuyên làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh các xã, phường biên giới. Thông qua cán bộ tăng cường xã và đảng viên về sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ, hệ thống chính trị của địa phương được củng cố, kiện toàn, đã có 68 đồng chí quần chúng ưu tú được giới thiệu kết nạp Đảng; 595 thanh niên được kết nạp Đoàn; 15 hộ gia đình nghèo đã được hỗ trợ bò giống; 21 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” trị giá 840 triệu đồng và 15 căn nhà “Đại đoàn kết” trị giá 1,4 tỷ đồng đã được trao cho các hộ nghèo nơi biên giới; xây tặng buôn Đrang Phốk 1 trạm xá quân dân y, 1 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, 5 giếng khoan. Ngoài ra, BĐBP còn tổ chức 2 lớp xóa mù chữ cho nhân dân xã Krông Na với 95 học viên, vận động 635 em học sinh bỏ học đến trường...

Cùng chung niềm vui với người dân Buôn Đôn, kể từ khi Đảng ủy BĐBP Quảng Bình có chủ trương tham gia phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới, thì cuộc sống của đồng bào Vân Kiều, Rục, Mày trên dãy Trường Sơn hùng vĩ vốn bao đời sống cảnh đói ăn, thiếu nước vào kỳ giáp hạt đã bước sang trang mới ấm no và hạnh phúc. Nhớ lại cách đây gần chục năm, khi BĐBP tỉnh quyết định giúp đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Tân Ly, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình làm lúa nước, rất nhiều người nghĩ rằng mô hình sẽ “chết yểu” bởi cánh đồng Tân Ly khô cằn, đầy sỏi đá không thể làm ruộng được. Thế nhưng, với bàn tay và khối óc của người lính Đồn Biên phòng Làng Ho, trong đó có chàng “kỹ sư nông nghiệp mang quân hàm xanh” Phạm Xuân Ninh, sau khi tốt nghiệp xin nhập ngũ vào lực lượng BĐBP, được Bộ Chỉ huy điều lên khảo sát, tìm tòi hướng dẫn đồng bào cải tạo đồng ruộng, tổ chức canh tác, kỹ thuật, cánh đồng Tân Ly vốn bỏ hoang giờ đã thành ruộng lúa nước cho năng suất vụ đầu tiên đạt 4,1 tấn/ha, trong niềm hân hoan, phấn khởi và ngỡ ngàng của người dân Tân Ly.

Từ thắng lợi của khu ruộng Tân Ly 1, các khu ruộng Tân Ly 2, rồi Tân Ly 3 ra đời đã nâng tổng diện tích trồng lúa nước của cả bản lên hơn 2,4ha. Cuộc sống của đồng bào Vân Kiều ở Tân Ly đã ấm no, BĐBP Quảng Bình tiếp tục chuyển sang giúp đỡ người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ, bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (địa bàn Đồn Biên phòng Cà Xèng) làm lúa nước. Khi màu vàng đã trải khắp cánh đồng Rục Làn và người Rục ở bản Mò O Ồ Ồ, bản Yên Hợp đã thành thạo kỹ thuật làm lúa nước, cuộc sống ấm no đã hiện hữu trong mỗi ngôi nhà thì BĐBP Quảng Bình lại tiếp tục hướng dẫn bà con người Mày, người Sách bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (địa bàn Đồn Biên phòng Cha Lo) làm lúa nước. Chia sẻ về hành trình giúp bà con kỹ thuật trồng lúa nước, chàng kỹ sư nông nghiệp mang quân hàm xanh Phạm Xuân Ninh vui mừng cho biết: "Trước đây, cuộc sống của bà con dân tộc trên dãy Trường Sơn này rất khó khăn, năm nào Nhà nước, chính quyền địa phương cũng phải xuất gạo cứu đói kỳ giáp hạt. Song, kể từ khi có chủ trương giúp dân làm lúa nước của Đảng ủy BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đến nay, cuộc sống của bà con nơi đây đã được cải thiện, cái đói, cái nghèo từng bước được đẩy lùi".

Chia sẻ về những đóng góp, sự hy sinh thầm lặng vì chủ quyền, an ninh biên giới, vì cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc nơi biên giới, biển đảo của Tổ quốc của những người lính Biên phòng trong hành trình 20 năm, Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP cho biết: Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng BĐBP có những bước phát triển mới. 

Trong bối cảnh đó, tình hình trên các tuyến biên giới, nhiều nơi kinh tế - xã hội chậm phát triển, hệ thống chính trị cơ sở còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đời sống nhân dân còn không ít khó khăn; an ninh trật tự chưa ổn định đã đặt ra cho BĐBP muốn hoàn thành được nhiệm vụ phải tham gia xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình và cải thiện đời sống nhân dân, coi đó là điểm tựa để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Chính vì vậy, quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân và Quyết định số 16/QĐ-HĐBT ngày 22-2-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về Ngày Biên phòng, ngày 11-6-1990, Đảng ủy BĐBP ra Nghị quyết số 73/NQ-ĐU; Bộ Tư lệnh ra Chỉ thị số 17/CT-BTL về đổi mới công tác vận động quần chúng, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc trong tình hình mới. Tiếp đó, tháng 11-1997, Thường vụ Đảng ủy ra Chỉ thị số 19/CT-ĐU về tăng cường cán bộ cho đơn vị cơ sở làm công tác vận động quần chúng, bố trí cán bộ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tăng cường cho các xã, phường, thị trấn biên giới giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia tổ chức triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa bàn. Và đến tháng 12-1998, Đảng ủy ra Nghị quyết số 24/NQ-ĐU về BĐBP tích cực lao động sản xuất làm kinh tế và tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn biên giới... 

Trong 20 năm qua, Đảng ủy BĐBP đã cử hơn 1.000 lượt cán bộ tăng cường cho 323 xã, thị trấn biên giới đặc biệt khó khăn, kịp thời bổ sung nguồn cán bộ còn thiếu cho địa phương. Đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường cho các xã, phường, thị trấn biên giới đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, hòa nhập nhanh, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững  mạnh.

Có thể khẳng định, việc BĐBP tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới, biển đảo là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP để cùng với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng tiềm lực kinh tế, chính trị, tinh thần cho vùng biên giới, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, Quân đội và BĐBP. Qua đó, đã huy động được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân ở khu vực biên giới xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững chắc, phục vụ sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đây chính là sự tỏa sáng của tình dân, nghĩa Đảng nơi biên cương Tổ quốc.

Hương Mai

Bình luận

ZALO