Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Những người thắp lửa biên cương (bài 2)

Biên phòng - Mang khát vọng thay đổi tư duy và nhận thức từ cơ sở, 20 năm qua, xác định rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của khu vực biên giới và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, BĐBP đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-văn hóa ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Và trong 20 năm ấy, theo bước chân những người lính Biên phòng mang trên vai hai trọng trách tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn (1999-2019) để đem lại ấm no cho vùng biên gian khó - biên cương đã thành nơi tỏa sáng tình dân, nghĩa Đảng.

Bài 1: BĐBP tham gia củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức đảng và đảng viên vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Dấu ấn của những người lính Biên phòng “Một đôi vai gánh hai trọng trách”

Bản trắng đảng viên giữa thung xa lầm lũi/ Anh về đây nhen đầm ấm tình người/ Một đôi vai gánh hai trọng trách/ Quân phục xanh lấm đỏ đất chân đồi… 4 câu thơ trong bài thơ “Đảng ở trong dân, dân tìm đến Đảng” của nhà thơ Phạm Vân Anh đã khắc họa rõ nét vai trò của những cán bộ Biên phòng tăng cường xã trong 20 năm BĐBP tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tập trung là xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và đảng viên vùng dân tộc thiểu số.

z48f_8b
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tham quan mô hình trồng lúa giúp dân bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ảnh: Hoa Hạ

Trong 20 năm với “Một đôi vai gánh hai trọng trách”, đội ngũ cán bộ tăng cường xã của BĐBP đã trực tiếp giúp các xã biên giới củng cố kiện toàn hàng trăm tổ chức đảng, phát hiện bồi dưỡng và đề xuất địa phương thay thế hàng nghìn cán bộ chủ chốt cấp xã và thôn bản do hạn chế về năng lực và phẩm chất chính trị, giúp các địa phương phát triển hàng chục nghìn đảng viên mới, xóa 572 thôn, bản trắng đảng viên, góp phần củng cố 1.190 tổ chức đảng, 129 HĐND, 51 UBND; gần 6.000 chi đoàn thanh niên và chi hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, trên 7.000 tổ an ninh, tổ tự quản, tổ đoàn kết ở các xóm, bản...

Mỗi năm, các xã biên giới kết nạp được gần 1.000 đảng viên mới; tỷ lệ cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh năm sau cao hơn năm trước, số xã yếu kém giảm dần. Nhưng cái được lớn nhất kể từ khi những người lính Biên phòng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới, chính là năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo đã được nâng cao, đủ sức “đề kháng” trong bảo vệ chính trị nội bộ, công tác đào tạo nguồn cán bộ, công tác dân vận và giữ vững được lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, Quân đội và BĐBP.

Trên các cương vị công tác, đội ngũ cán bộ tăng cường xã của BĐBP, những người lính “một đôi vai gánh hai trọng trách” đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, vượt qua rào cản bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán để bám làng, bám bản, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm được giao, cùng cấp ủy các xã, phường, thị trấn biên giới đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các xã biên giới.

Trong đó, các cán bộ, sĩ quan tăng cường xã giữ các chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy xã đã mạnh dạn tham mưu củng cố tổ chức, bộ máy hoạt động của MTTQ và các đoàn thể; hướng dẫn các đoàn thể đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để giải quyết những vấn đề bức xúc của địa phương đang đặt ra như: Vận động nhân dân không di cư tự do, đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa theo hướng sản xuất hàng hóa. Về công tác quốc phòng, an ninh, đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy ra nghị quyết chuyên đề về quốc phòng-an ninh, củng cố lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, các tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản... và biện pháp giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần xây dựng mối đoàn kết giữa các dân tộc, dòng họ, đoàn kết trong nội bộ cấp ủy, chính quyền đoàn thể địa phương.

Và cho đến bây giờ, chứng kiến sự đổi thay của quê hương, người dân Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh  Cao Bằng vẫn bồi hồi nhớ lại buổi đầu Thượng tá Mê Văn Đạt, người cán bộ Biên phòng tăng cường xã về nhận nhiệm vụ tại xã trong sự phản đối, chưa thấu hiểu của đội ngũ cán bộ địa phương. Song chỉ một thời gian ngắn về tăng cường, đội ngũ cán bộ xã đã bị chinh phục bởi tấm chân tình, sự tận tụy, cùng sức trẻ, cách làm việc khoa học của Thượng tá Đạt nên đã vào cuộc cùng anh tạo nên bước thay đổi nhảy vọt về đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của xã Đàm Thủy.

Cũng như Thượng tá Mê Văn Đạt, Trung tá Phạm Văn Tôn được cử đi tăng cường xã với chức danh Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn khi anh và cấp ủy đảng tìm mọi cách để phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc Mông. Và sau bao ngày đêm “ba bám”, “bốn cùng”, với những việc làm thấm đẫm tình người, từ 100% bản trắng đảng viên, Trung tá Tôn đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập được 12/12 chi bộ (bản thân anh đã trực tiếp đi 6 tỉnh phía Bắc xác minh 107 hồ sơ và kết nạp được 89 đảng viên là những quần chúng có tín nhiệm trong đồng bào Mông ở Trung Lý).

Cũng từ đó, Bí thư Tôn đã thực sự trở thành người con của Trung Lý khi bất cứ việc gì, từ chuyện chăn nuôi đến việc cưới hỏi, dựng nhà, bà con đều tìm đến "cán bộ Tôn" để hỏi. Ông Lộc Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã lúc ấy chia sẻ: "Từ ngày có bộ đội Tôn về chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, hộ nghèo ở Trung Lý từ 98% giảm xuống còn gần 50%; trẻ em đến tuổi đã được đến trường; ốm đau, sinh nở, bà con đã biết đến trạm y tế".

Đây chỉ là hai trong số hơn 1.000 lượt cán bộ Biên phòng được tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn trong 20 năm qua, đã làm nên kỳ tích khi góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là hệ thống cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên vùng dân tộc thiểu số cả về chất lượng và số lượng, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở; chế độ sinh hoạt, công tác của các tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể đi vào nền nếp; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ở các tuyến biên giới chặt chẽ hơn, uy tín của BĐBP với địa phương và các ngành được nâng cao. Cùng với đó, các cán bộ tăng cường xã cũng nắm địa bàn chắc hơn, kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức lực lượng xử lý bước đầu và tham mưu cho đồn Biên phòng giải quyết các vụ việc xảy ra liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đội ngũ cán bộ tăng cường xã cũng chủ động tham mưu, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, góp phần đưa gần 101 xã từ yếu, kém lên trung bình, 192 xã từ trung bình lên khá về kinh tế, xã hội; 18/25 tỉnh biên giới đất liền tổ chức kết nghĩa được 117 cặp cụm dân cư. Qua đó, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với các nước láng giềng.

Có thể nói, đội ngũ cán bộ tăng cường xã của BĐBP đã đáp ứng được chủ trương tăng cường đầu tư cho cơ sở, vùng sâu, vùng xa biên giới, góp phần đáng kể từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền ở các xã đặc biệt khó khăn, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá và tín nhiệm cao.

Để tiếp tục tham gia xây dựng, củng cố tổ chức đảng từ cơ sở, thực hiện quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP tỉnh, thành phố với cấp ủy cấp huyện biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố đã giới thiệu 2.704 lượt đảng viên là cán bộ các đồn Biên phòng xuống tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn, bản biên giới (hiện tại có 1.560 đảng viên đang sinh hoạt).

Các đồng chí đảng viên xuống sinh hoạt tạm thời đã trực tiếp tham mưu, tham gia giúp đỡ các chi bộ thôn, bản xây dựng quy chế làm việc, kiện toàn hệ thống văn bản, phương pháp quán triệt, ra nghị quyết lãnh đạo và bồi dưỡng, củng cố vai trò, trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cấp ủy viên. Thông qua việc sinh hoạt đảng tạm thời, các đảng viên là cán bộ đồn Biên phòng đã giúp chi bộ thôn, bản phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu cho chi bộ kết nạp đảng cho 28.422 quần chúng ưu tú (trong đó có 8.694 đảng viên là người dân tộc thiểu số), xóa được 705 thôn, bản trắng đảng viên và tổ chức đảng; góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên, tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo ở cơ sở. 

Trên cơ sở quy chế phối hợp với Đảng ủy BĐBP, năm 2017, Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã tổ chức thí điểm chỉ định, bổ sung đồng chí đồn trưởng hoặc chính trị viên đồn Biên phòng tham gia cấp ủy các huyện, thành phố biên giới, biển đảo của tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020 nhằm tăng cường phối hợp lãnh đạo của Đảng ủy BĐBP tỉnh với cấp ủy các địa phương trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Sau 2 năm được bổ sung tham gia cấp ủy các huyện, thành phố biên giới, biển đảo, 5 cán bộ được chỉ định tăng cường đã giải quyết tốt các mối quan hệ công tác thực hiện hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng để các huyện, thành phố biên giới lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên biên giới, hải đảo đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà n­ước, Quân đội và địa phương.

Có thể khẳng định, việc triển khai cán bộ BĐBP tăng cường xuống các xã biên giới đặc biệt khó khăn tham gia củng cố xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo và mới đây nhất là Chỉ thị 681-CT/ĐU ngày 8-10-2018 của Đảng ủy BĐBP “Về việc phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới” là một chủ trương đúng đắn, vừa cơ bản, vừa cấp thiết của Đảng ủy BĐBP, thể hiện sự sáng tạo của BĐBP trong công tác dân vận của Quân đội nói chung và công tác vận động quần chúng của BĐBP nói riêng. Đồng thời, cũng là một trong những chủ trương, biện pháp tích cực, hiệu quả để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng giao cho Quân đội, mà trực tiếp là BĐBP trong tình hình hiện nay là: BĐBP phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ lo cho dân, hướng dẫn nhân dân sản xuất, góp phần cùng địa phương giúp đỡ đồng bào các dân tộc ở biên giới xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân và củng cố sơ sở chính trị ở vùng biên giới vững mạnh (Thông báo 165-TB/TW ngày 22-12-2004 của Bộ Chính trị về tổ chức của BĐBP).

Bài 3: Sao xanh tô thắm đại ngàn

Hương Mai

Bình luận

ZALO