Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

“Những người nghệ sĩ tuyệt vời trong lòng chúng tôi”

Biên phòng - “Chỉ với 57.000 đồng tiền ăn của Nhà nước hỗ trợ cho mỗi người cách ly, vậy mà các chú BĐBP có thể đi chợ mua nhiều đồ và nấu cho chúng tôi 3 bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng. Ở nhà, bạn chỉ nấu cho 4-5 người ăn đã thấy vất vả. Vậy mà tại khu cách ly, chỉ có 10 chú bộ đội phục vụ ăn uống cho 147 người từ Nhật Bản về nước thì vất vả gấp nhiều lần”.

arbu_10a
Các chiến sĩ tại Trung tâm Huấn luyện BĐBP Khánh Hòa chia cơm phục vụ những người cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Hải Luận

Đó là chia sẻ chân thật của bạn Dương Luyến, từ Nhật Bản về sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa ngày 22-3, sau đó được đưa về Trung tâm Huấn luyện BĐBP Khánh Hòa (tại xã Cam Thành Nam, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cách ly phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế. Tiến sĩ Lê Quỳnh Giang (tốt nghiệp Tiến sĩ tại Nhật Bản từ tháng 9-2019, ở lại làm việc thêm 6 tháng trước khi về Việt Nam) – người được cách ly tại Trung tâm Huấn luyện BĐBP Khánh Hòa tâm sự: “Ở đây, khi mặt trời lấp ló phía đằng Đông, mọi người thức dậy tập thể dục, quét dọn vệ sinh nơi ở... Qua tìm hiểu, tôi được biết các chú ở các đồn Biên phòng được cử về đây để thực hiện nhiệm vụ quản lý và chăm sóc chúng tôi”.

Các chú canh gác cho chúng tôi ngủ ngon giấc

Ban đầu, mọi thứ đều bỡ ngỡ cả “chủ” và “khách” khi những người lính Biên phòng phải phục vụ 147 người từ nước ngoài về, quê ở nhiều vùng, miền khác nhau. “Ngày thứ hai, các chú bộ đội hỏi chúng tôi ăn cơm có ngon không? Ngủ có được không? Các chú nghe chúng tôi góp ý kiến để chuẩn bị bữa cơm ngon hơn. Bữa nào cũng đầy đủ chất dinh dưỡng. Bữa sáng, chúng tôi được ăn thay đổi nhiều món: Bánh bao, bánh cuốn, xôi... Giờ ăn cũng rất “chính quy”: Sáng 6 giờ 30 phút, trưa 11 giờ 30 phút và chiều 17 giờ. Bữa nào mà thừa suất cơm là các chú lại gọi điện qua hỏi chúng tôi tại sao không ăn cơm? Hay cơm không hợp khẩu vị? Ở đây rất nắng mà buổi trưa các chú không quản ngại khó khăn, gian khổ, mang cơm ra khu nhà ở cho chúng tôi, các suất cơm và thức ăn được xếp ngay ngắn trên 2 chiếc bàn” – Bạn Dương Luyến hồ hởi kể lại những điều mới lạ trong khu cách ly của quân đội.

Tiến sĩ Lê Quỳnh Giang cảm nhận từ sâu thẳm trong lòng với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phục vụ tại khu cách ly: “Cầm cốc cháo bữa sáng trên tay, nhìn khá bắt mắt với màu cam của cà rốt, màu xanh của rau hành, màu vàng nhạt của khoai tây, hạt đậu xanh, pha lẫn vào những hạt gạo trắng và thịt băm đã được nấu chín, tôi càng cảm nhận được tấm lòng chân tình mà các chú bộ đội gửi gắm vào trong đó. Người ta thường hay nói, nấu ăn là cả một nghệ thuật, người đầu bếp chính là nghệ sĩ. Các chú BĐBP ở đây là những người nghệ sĩ tuyệt vời trong lòng chúng tôi.

Các chú bộ đội rất tâm lý, hiểu được sự nhớ nhung và mong muốn được liên lạc với người thân của những người đang cách ly. Đơn vị đã liên hệ nhà mạng Viettel đến hòa mạng internet cho chúng tôi sử dụng miễn phí. Hỏi ra mới biết, các chú thiệt thòi và hy sinh bản thân nhiều lắm. Mấy tuần nay, các chú đã không được về nhà mà phải túc trực ở đây 24/24 giờ, lo từng bữa ăn và giấc ngủ cho chúng tôi. Nếu so ra, 14 ngày cách ly của chúng tôi có thấm tháp gì đâu so với những gì các chú phải trải qua”.

“Đi dân nhớ, ở dân thương”

Trung tâm Huấn luyện BĐBP Khánh Hòa nằm dưới chân núi, xa vùng dân cư, nước uống phải bơm qua hệ thống cấp nước cuối nguồn của thành phố Cam Ranh, cách đó 5km. Thông tin này bị “lộ” ra ngoài khiến Tiến sĩ Giang xúc động: “Lúc chúng tôi đang ngủ ngon giấc, các chú bộ đội đã phải dậy bơm nước sinh hoạt từ 2 giờ sáng và chuẩn bị bữa ăn sáng. Hôm đứng xa nói chuyện với một chú, chú ấy mới thật thà nói: “Chỗ ở, chỗ tắm giặt, vệ sinh “sang nhất” được bộ đội nhường cho các bạn, còn anh em phải ngủ dưới nhà bếp”. Nói xong, chú cười tươi, nụ cười chân chất, thân thiện trên ánh mắt và khuôn mặt che bởi chiếc khẩu trang đã hơi lấm thấm mồ hôi do làm việc trong môi trường nắng gắt”.

Để thông tin giữa các khu cách ly và cán bộ, chiến sĩ phục vụ, đơn vị lắp điện thoại, ai có nhu cầu gì gọi điện thông báo trực tiếp hoặc viết giấy để ở bàn. Qua bộ phận tiếp nhận thông tin vòng 1, sau đó truyền qua nhóm vòng 2, cử người “chạy đường” phục vụ theo yêu cầu. Tiến sĩ Giang cảm nhận: “Hiểu được sự vất vả của các chú bộ đội đã làm tốt cho chúng tôi, mọi người trong khu cách ly, ai cũng  bảo ban nhau rằng, phải có ý thức giữ gìn vệ sinh xung quanh chỗ ở thật tốt, nhớ mang khẩu trang, cố gắng không tụ tập theo nhóm, giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Mấy chú bộ đội còn trang bị dụng cụ thể thao, buổi chiều bên khu nhà ở dành cho nam có đá bóng, đánh bóng chuyền, khu nhà ở dành cho nữ có sân đánh cầu lông”. 

Những người Việt Nam đi xa, nay được trở về quê hương trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, nhiều người có chung suy nghĩ, thật may mắn được quay về đất mẹ trong vòng tay giúp đỡ của toàn xã hội. Các bạn yêu đất nước hình chữ S, yêu con người Việt Nam bởi những lúc khó khăn như thế này, mọi người rất đồng lòng, đoàn kết và nhân văn.

7vxy_10b
Tiến sĩ Lê Quỳnh Giang luôn biết ơn những người lính trong những ngày cách ly tại Trung tâm Huấn luyện BĐBP Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

“Tôi cảm ơn những người trên tuyến đầu chống dịch như các bác lãnh đạo, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, đặc biệt là các y, bác sĩ đã và đang kiểm soát rất tốt dịch Covid-19, cùng với sự hợp tác, đoàn kết, đồng lòng chống dịch của toàn dân. Những người trở về từ nước ngoài như chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì đã không bị bỏ rơi, vì đất nước như mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay che chở, kể cả đưa máy bay sang tận vùng tâm dịch nguy hiểm để đón công dân nước mình về. Lòng tự nhủ, sau khi hoàn thành cách ly về nhà, tôi gửi lại ít nhất toàn bộ chi phí mà đất nước đã bỏ ra lo cho mình trong thời gian cách ly để bớt đi phần nào gánh nặng cho đất nước” - Tiến sĩ Giang bộc bạch.

Sắp tới, rời xa Trung tâm Huấn luyện BĐBP nằm dưới chân núi Hàm Rồng, Tiến sĩ Giang và những người được cách ly nơi đây sẽ lưu lại những kỷ niệm khó quên với những người lính Biên phòng. “Khoảng cách giữa chúng tôi và các chú bộ đội ngày càng trở nên ngắn lại. Khi nói về bộ đội, người ta thường nghĩ đến câu “đi dân nhớ, ở dân thương”, thật quá chuẩn!” - Tiến sĩ Giang nói.

Hải Luận

Bình luận

ZALO