Biên phòng - Đến Tiểu đoàn 22, Cục Hậu cần BĐBP, chúng tôi được thấy không khí làm việc sôi nổi của cán bộ, chiến sĩ đang trong giờ bảo trì, bảo dưỡng xe ô tô, chuẩn bị cho những chuyến đi xa. Bên cạnh nhiệm vụ chủ yếu là vận chuyển người, hàng hóa, vũ khí, trang bị kĩ thuật, quân trang… cho các hoạt động thường xuyên, đột xuất, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn lực lượng BĐBP, Tiểu đoàn 22 còn tích cực tham gia nhiều hoạt động phối hợp với địa phương nơi đơn vị đóng quân. Trong đó, Chương trình “Nâng bước em tới trường” do đơn vị triển khai với Trường Tiểu học xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, tiếp tục giấc mơ con chữ trên hành trình vươn tới tương lai tốt đẹp hơn.

Xã Thủy Xuân Tiên vốn là vùng bán sơn địa, ruộng đất không bằng phẳng, bị chia cắt manh mún, kinh tế thuần nông nên đời sống của nhiều người dân còn khó khăn, thiếu thốn. Nhận thấy điều đó ảnh hưởng đến con đường học hành của nhiều em học sinh trong xã, từ năm 2016, thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP, Tiểu đoàn 22 đã triển khai kí kết Chương trình “Nâng bước em tới trường” giai đoạn 2016-2020 với Trường Tiểu học xã Thủy Xuân Tiên.
Đại úy Lương Thanh Tùng, Chính trị viên Tiểu đoàn 22 cho biết: “ Với nguồn kinh phí trích từ tiết kiệm tiền lương, phụ cấp, tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ... hằng tháng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang “nâng bước” cho 8 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đang theo học tại Trường Tiểu học xã Thủy Xuân Tiên. Ngoài ra, nhân dịp các ngày lễ, Tết và đầu năm học mới, đơn vị còn trao quà, mua tặng các cháu đồ dùng học tập, quần áo mới...”.
Các em học sinh được đơn vị nhận đỡ đầu đều là con em các gia đình khó khăn, trong đó có những em mồ côi cha, có em thì mẹ bỏ nhà đi biệt tích phải sống với ông bà già yếu; em có cha mẹ ở bên nhưng ốm yếu, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo... Các em nhỏ chật vật để sống đã khó, để được đến trường học chữ càng khó hơn. Nhưng dường như hoàn cảnh khó khăn đã hun đúc nên tinh thần ham học hỏi, cầu tiến của 8 em học sinh được đơn vị đỡ đầu. Năm học vừa qua, tất cả các em nhỏ đều học tập tiến bộ, đạo đức và rèn luyện tốt, đạt học sinh tiên tiến và học sinh giỏi.
Cô Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thủy Xuân Tiên cho biết, trường có nhiều học sinh nghèo, nhiều em thuộc diện gia đình đặc biệt khó khăn. May mắn cho các em học sinh nghèo khi được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 22 luôn giúp đỡ, san sẻ bớt khó khăn cho các cháu, để nhà trường yên tâm hoàn thành công tác. Sự giúp đỡ thiết thực của những người lính quân hàm xanh đã tiếp thêm sức mạnh để các em vượt khó đến trường.
Đến nhà em Hoàng Văn Tuyên, học sinh lớp 3A, ở thôn Gò Cáo, chúng tôi không khỏi ái ngại trước ngôi nhà cũ kĩ nằm chênh vênh, cạnh bờ ao, một góc nền đã lở, có thể bị sụp xuống ao bất cứ khi nào. Trong ngôi nhà với những mảng tường mốc thếch cũ kĩ ấy cũng không có nổi một vật gì đáng giá. Tiếp chúng tôi là chị Phương, mẹ của Tuyên với làn da ngăm đen, mái tóc lơ thơ, xơ xác do truyền hóa chất.
Chị Phương sinh được 4 con, con trai lớn đang học lớp 9, con gái út mới 3 tuổi. Tuyên là con thứ ba trong gia đình. Vì gia cảnh khó khăn, chồng chị phải rời bỏ quê hương đi làm thợ xây ở phương xa. Trớ trêu thay, chị lại bị ung thư vú, đã trải qua xạ trị và qua 25 đợt truyền hóa chất. Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Phương không giấu nổi xúc động: “Từ khi được các chú BĐBP nhận đỡ đầu, hỗ trợ hằng tháng, gia đình tôi và cháu vui lắm. Có sự hỗ trợ đấy, cháu Tuyên cũng vơi đi khó khăn khi đến trường. Gia đình chúng tôi cảm ơn các chú nhiều lắm!”.
Khi đến thăm gia đình em Tống Thị Phương, học sinh lớp 4 đang được Tiểu đoàn 22 nhận đỡ đầu, chúng tôi không khỏi nghẹn lòng bởi hoàn cảnh éo le của em. Phương là kết quả buồn của chuỗi ngày mẹ em bỏ nhà phiêu bạt đi làm ăn xa. Khi sinh ra Phương, mẹ để em lại cho ông bà ngoại ngoài 80 tuổi nuôi rồi bỏ nhà đi. Đến tận bây giờ, khi đã học lớp 4, Phương cũng không biết mặt bố. Ông bà ngoại của Phương hiện đang nuôi dưỡng người con trai bị tàn tật do tai nạn và 2 cháu nội.
Phương ở với ông bà tuổi cao, vất vả, nên việc học hành của em gặp không ít trở ngại. Đã có lúc em tưởng phải nghỉ học bởi ông bà không lo nổi tiền đóng học. Được sự động viên của nhiều người, cùng với sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 22 và nhà trường mà Phương được học tiếp. Hội Cựu chiến binh huyện Chương Mỹ cũng giúp đỡ xây tặng ông bà và các cháu căn nhà khang trang, chấm dứt cảnh nhà dột mỗi khi trời mưa. Phương nói với chúng tôi: “Thấy ông bà đã già yếu vất vả lo cho em ăn học, thương ông bà lắm, nhiều lần em định bỏ học. Được các thầy cô giáo ở trường và các chú BĐBP ở Tiểu đoàn 22 giúp đỡ, nên em vẫn được đến lớp. Em sẽ luôn cố gắng học thật tốt để không phụ lòng các chú". . .
Trong ngôi nhà tình nghĩa chẳng có gì đáng giá, ông Diên, ông ngoại của Phương buồn rầu nói: “Giờ tôi đã ở tuổi gần đất xa trời, như ngọn đèn le lói trước gió. Sau này, tôi mất đi thì 3 cháu tôi biết sẽ sống ra sao?”. Nói về việc học của Phương, khuôn mặt ông Diên rạng rỡ hẳn lên: “Trong 3 năm học trước thì lớp 1 và 2, cháu Phương đạt học sinh giỏi toàn diện. Cháu được tiếp tục đến trường, tôi biết ơn các anh BĐBP lắm! Tôi sẽ nhắc nhở cháu cố gắng học”.
Những việc làm tình nghĩa qua Chương trình “Nâng bước em tới trường” của Tiểu đoàn 22 đã thiết thực giúp đỡ các em học sinh hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn, qua đó tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa đơn vị với chính quyền địa phương và nhân dân, góp phần làm sáng đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng trong lòng nhân dân.
Thanh Thuận