Biên phòng - Tên Đồn Biên phòng Đăk Đam, BĐBP Đăk Nông được đặt theo tên con suối “chứa” 20km đường biên giới với Campuchia do đồn quản lý, với bốn bề chỉ là rừng nguyên sinh. Là “vùng trắng” dân cư, nhưng những người lính Biên phòng nơi đây lại luôn làm cho cuộc sống của mình tươi như những cánh rừng khộp đang trong khúc giao mùa đầy sắc đỏ, vàng, xanh.

“Người dẫn đường” cho chuyến đi của chúng tôi là Đại úy Nguyễn Văn Hoàn, nhân viên Chuyên mục Vì chủ quyền an ninh biên giới của BĐBP Đăk Nông. May mắn hơn nữa, khi anh cũng là họa sĩ thuộc Hội Mi thuật Việt Nam. Bởi vậy, những câu chuyện về vùng đất này được người nghệ sĩ kể cũng đầy màu sắc. Rừng biên giới Đăk Đam đang vào mùa thay lá. Những cây cà chít, cẩm liên, dầu – đặc trưng của rừng khộp xanh mướt vào mùa mưa nay chuyển sắc vàng, sắc đỏ và càng rực rỡ hơn trong ánh nắng và màu xanh thẳm của bầu trời. Bước vào mùa khô, lá cây chuyển sang màu vàng, đỏ khiến chúng tôi liên tưởng đến những cánh rừng của châu Âu bước vào mùa Thu.
Đại úy Nguyễn Văn Hoàn giải thích rằng, “khộp” là tiếng chân đặt vào đám lá rụng dưới gốc, giòn rụm vì hanh khô, bởi vậy mà có tên “rừng khộp”. Mùa khô, rừng khộp trông như khu rừng chết, bởi cây to thì rụng lá, các loại cỏ, le và cây con ở tầng dưới thì chết khô, suối cạn trơ sỏi. Rừng cực kỳ dễ cháy. Để phòng cháy rừng diện rộng, cuối năm, BĐBP phối hợp với Kiểm lâm đi gom, đốt lá mà các anh vẫn tếu táo với nhau là “đốt rừng”. Điểm thú vị là, chính lửa lại là yếu tố tích cực làm quả cây có đủ điều kiện để nảy mầm và tạo nên sức tái sinh mãnh liệt của rừng khộp. Càng về chiều, không gian trong rừng càng trong lành và yên bình đến lạ. Thỉnh thoảng lại có tiếng chim hót cao vút lên rồi rơi tõm vào không gian tĩnh lặng. “Văn vẻ miêu tả hay và đẹp như thế, nhưng lính Biên phòng đi tuần trong rừng khộp mùa khô hay mùa mưa đều vất vả như nhau. Phải mật phục trên đường biên nữa thì không bút nào tả hết được” - Đại úy Nguyễn Văn Hoàn kết luận.
Đón chúng tôi là Thiếu tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đăk Đam Trịnh Minh Ngọc. Sau phút bỡ ngỡ, chúng tôi nhận ra nhau đều là bạn học cùng trường cấp 3. Thật bất ngờ khi ở giữa biên giới, cách xa quê hương hơn nghìn cây số, lại gặp nhau khi cả hai cùng khoác áo lính, mang quân hàm xanh. Năm 2003, chàng sĩ quan trẻ Trịnh Minh Ngọc tốt nghiệp Học viện Biên phòng, nhận công tác ở BĐBP Phú Yên. Người con của rừng lại về ở biển, không phải là “hổ về rừng” nên anh đã xin chuyển công tác lên Đăk Nông. Thời ấy, Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đăk Nông nói riêng vẫn đang căng mình ngăn chặn những đợt vượt biên trái phép, nên đối với Đội trưởng Vũ trang Trịnh Minh Ngọc, thời gian phục trên đường biên giới nhiều hơn ở đồn. Ở Đăk Nông khi ấy vẫn đang nằm trong bản đồ sốt rét, huyện Đăk Mil, Cư Jut nằm trong vùng đỏ.
Bởi vậy, chỉ 1 năm sau, đang có nước da nâu của biển, qua vài trận sốt rét, chàng sĩ quan trẻ mặt lúc nào cũng có màu tái xanh. Công việc cứ cuốn thời gian trôi đi, sắp bước qua tuổi 40 mà Đồn trưởng Ngọc vẫn đi về một mình. “Phép đặc biệt” dành cho chàng trai muộn lấy vợ cũng chẳng giải quyết được gì nhiều, nhiều khi lại cứ lần lữa rồi trực thay cho những cán bộ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Dù muộn vợ, nhưng Đồn trưởng Ngọc tính tình lại rất xởi lởi. Anh “đổ tội” mọi người lấy hết duyên của anh. Năm 2015 về đơn vị, năm 2016, anh trực Tết, “xông đất” cho đồn, thế là năm ấy có 5 cán bộ lấy vợ, rồi sòn sòn 5 đứa trẻ ra đời. Chỉ có anh vẫn “mang tên Nguyễn Y Vân (vẫn y nguyên)”.

Phía đối diện với Đồn Biên phòng Đăk Đam là Đồn Công an Đăk Chô, đóng quân tại bản Bu Sa Ra, Pech Chăn Đa,Mondulkiri, Campuchia. Đồn Công an Đăk Chô cách xa dân, xa chợ, đặc biệt là đường rất khó đi. Bởi vậy cứ tuần 1 lần, với sự giúp đỡ, hướng dẫn của Đồn Biên phòng Đăk Đam, tiếp phẩm của Đồn Đăk Chô lại sang Việt Nam mua thực phẩm. Vào mùa mưa, suối Đăk Đam dâng cao, tiếp phẩm không vượt suối được, mọi người lại buộc thực phẩm vào dây để bên kia kéo sang.
Những khó khăn, vất vả của cuộc sống khiến những con người nơi đây dễ thông cảm và giúp đỡ nhau hơn. Trên gần 20km đường biên giới chạy trên suối Đăk Đam do đơn vị quản lý có 10 cột mốc phụ. Mùa khô nước chỉ đến đầu gối, có đoạn trơ cát sỏi, nhưng đến mùa mưa thì nước lắp xắp mép Quốc lộ 4C. Cũng chính bởi vậy mà việc tuần tra mặc dù không có đèo cao vực sâu, nhưng vẫn vô cùng vất vả. Thiếu tá Trịnh Minh Ngọc cho biết, con đường tuần tra biên giới đã được khảo sát, công tác rà phá bom mìn đã xong, giải phóng mặt bằng đã hoàn thiện. Anh em mong con đường mơ ước ấy sớm được triển khai, hoàn thành để việc tuần tra sẽ thuận tiện hơn, biên giới sẽ đẹp hơn.
Giữa chốn không người, chỉ có rừng và sốt rét, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Đam vẫn bám trụ cùng biên giới, thậm chí còn xây dựng cuộc sống đủ đầy, coi nơi đây là nhà của mình, xây dựng doanh trại xanh, sạch, đẹp. Rau xanh khắp vườn tăng gia, lợn gà đầy chuồng, vườn hoa quả sum suê nên lũ khỉ ở rừng vẫn rủ nhau về hái trộm. Thế đấy, những người lính Biên phòng nơi đây luôn bằng mọi cách thắp sáng biên cương bằng tình yêu biên giới, gắn bó với đơn vị và đồng chí, đồng đội.
Trúc Hà