Biên phòng - Đà Nẵng đã qua 27 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, các khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 lần lượt đóng cửa sau khi đã “hoàn thành sứ mệnh” của mình. Người dân thành phố đã bắt đầu quay trở lại trạng thái chung sống an toàn với dịch bệnh. Nhưng đối với những người lính Biên phòng, “cuộc chiến” với Covid-19 vẫn đang đặt ra những yêu cầu mới.

Thực hiện tốt sứ mệnh
Chỉ hơn 1 tháng bùng phát dịch, thành phố Đà Nẵng có hơn 200 ca nhiễm trong cộng đồng khiến hàng nghìn người trở thành F1. Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đã cử gần 200 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có 35 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ “vòng trong” tại các khu cách ly: Ký túc xá phía Tây mở rộng (quận Liên Chiểu); Tiểu đoàn 29, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không - Không quân và Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng (quận Thanh Khê).
Dưới thời tiết nắng nóng gần 40 độ C, hình ảnh những người lính Biên phòng mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay, kính chống giọt bắn làm nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, an ninh trong các khu cách ly đã trở nên thân thương đối với nhiều người dân thành phố. Đối với những người lính, sau sự vất vả, nguy hiểm ấy là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời quân ngũ và niềm tự hào được góp phần mang lại sự an toàn, bình yên cho nhân dân.
Không có ca nhiễm mới, các khu cách ly lần lượt đóng cửa, những người lính ở tuyến đầu bắt đầu 21 ngày tự cách ly tại đơn vị trước khi trở lại với nhiệm vụ thường ngày. Giờ các anh mới có thời gian để đọc lại những lá thư cảm ơn của các trường hợp F1, dù họ viết vội nhưng vẫn đong đầy sự khâm phục và lòng biết ơn.
Thầy giáo Trần Văn Cát, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (cách ly tại Đại học thể dục - Thể Thao Đà Nẵng) viết: “Mặc dù những ngày Hè, nhiệt độ lên tới 40 độ C nhưng các anh vẫn không kêu than mà phục vụ rất tận tình, chu đáo. Sự chuyên nghiệp, tận tụy trong công tác phòng, chống dịch của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng chúng tôi. Dù thời chiến hay thời bình, những người lính luôn sẵn sàng phụng sự Tổ quốc, phục vục vụ nhân dân”.
Có lá thư không ký tên, câu từ chân tình và đầy xúc động: “Cả quãng đường theo xe về khu cách ly, tôi rất lo lắng, thế nhưng, khi tới nơi, mọi việc không như tôi nghĩ. Tôi nhận được sự tiếp đón ân cần, chân tình và vô cùng chu đáo của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Lộc. Các anh đã không quản ngại khó khăn, chấp nhận hy sinh, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm để chăm lo, giúp đỡ chúng tôi. Bản thân tôi rất muốn chung tay giúp đỡ các anh nhưng do trong thực hiện cách ly nên không thể giúp được gì”.
“Cuộc chiến” bảo vệ thành quả
Hoàn thành sứ mệnh tại các khu cách ly nhưng Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng vẫn tiếp tục duy lực lượng tại 11 tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại các tuyến đường trọng điểm ở khu vực biên giới biển của thành phố. Điều đó đồng nghĩa với việc những người lính Biên phòng vẫn thường trực 24/24 giờ cùng lực lượng liên ngành kiểm soát phương tiện, người ra vào thành phố ở chân đèo Hải Vân; là những đêm trắng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Trà đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phòng, chống dịch tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang...
Đại tá Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chính ủy BĐBP Đà Nẵng cho biết: Mặc dù Đà Nẵng đã qua 21 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, tuy nhiên, khi tình hình dịch trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp thì chắc chắn, thành phố cũng chưa thể an toàn, còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Hiện nay, các đồn Biên phòng: Sơn Trà, Phú Lộc, Hải Vân, Non Nước, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng phối hợp với UBND các phường biên giới biển đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới biển; xây dựng phòng tuyến “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài trên mặt trận phòng, chống dịch”. Một khi phong trào lan tỏa, đi sâu vào cuộc sống, người dân sẽ nâng cao ý thức phòng, chống dịch, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm, báo cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, nhiều đơn vị đã có làm hay, hiệu quả. Cảng Tiên Sa là cảng lớn nhất khu vực miền Trung với nhiều tàu nội địa, nước ngoài ra vào, tiềm ẩn nguy cơ xuất, nhập cảnh trái phép. Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu khi rời cảng cũng như cập cảng; yêu cầu các thuyền viên tàu nội địa tuyệt đối không tiếp túc với thuyền viên tàu nước ngoài; không cấp phép đi bờ với các thuyền viên nước ngoài. Bên cạnh đó, đơn vị thành lập các tổ công tác tiến hành tuyên truyền, vận động và yêu cầu các chủ phương tiện, thủy thủ, các chủ cửa hàng kinh doanh khu vực cảng ký cam kết không tiếp tay cho hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, khi phát hiện các trường hợp vi phạm, cần nhanh chóng báo cho lực lượng chức năng.
Để hạn chế việc tập trung đông người, Đồn Biên phòng Phú Lộc đã chủ động soạn, in và phát tờ rơi đến từng gia đình trên địa bàn với nội dung trích Điều 348, Bộ Luật Hình sự năm 2005 quy định hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, hoặc ở lại Việt Nam trái phép; những vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 và mức phạt hiện hành; Khoản 9, Điều 17, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ (quy định mức phạt tiền cho các hành vi liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới) để người dân nắm rõ. Trên tờ rơi cũng in số điện thoại của Trung tá, Đồn trưởng Đinh Tiến Dũng để tạo thuận lợi cho người dân thông báo vụ việc một cách kịp thời...
Như vậy, có thể thấy, dù thành phố đã bắt đầu trạng thái chung sống an toàn với dịch bệnh, nhưng những người lính Biên phòng thành phố Đà Nẵng vẫn luôn trong tâm thế nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép” vừa bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, vừa phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Trúc Hà