Biên phòng - Chỉ huy trưởng trực tiếp theo tàu ra biển cứu bà con ngư dân bị nạn, lắng nghe lời chia sẻ của ngư dân từ máy Icom và thấu hiểu nỗi đau mất mát. Những người lính túc trực ca nô và trở thành những "người lái đò" tại rốn lũ Minh Hóa (Quảng Bình) để sẵn sàng cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn. Đó là những nghĩa cử của BĐBP Quảng Bình trong những ngày mưa lũ.
Bầu trời Quảng Bình chiều 6-9 đã bớt u ám và những đám mây vần vũ chở đầy hơi nước. Mặc dù vậy, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa vẫn rơi vào cảnh như đồng bằng sông Cửu Long mùa lũ về. Điểm lũ cao nhất đo được trên 3m, mặc dù nước đã rút xuống 1m so với những ngày trước đó. Từ ngày 3-9, xã Tân Hóa có 630 ngôi nhà bị ngập sâu, trong đó có 40 ngôi nhà bị ngập tới nóc.
Số liệu “nước lên, nước xuống” được cập nhật từng giờ. Đến sáng 6-9, lũ tại các vùng ngập nặng đã rút xuống 1m, nhưng vẫn có những điểm còn ngập sâu đến 3m. Xã Tân Hóa là địa bàn nội địa, nhưng BĐBP Quảng Bình đã sớm triển khai lực lượng bao gồm 1 ca nô, 1 ô tô và 10 cán bộ, chiến sỹ, do Trung tá Hoàng Xuân Long, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật BĐBP tỉnh trực tiếp chỉ đạo, hàng ngày giúp bà con nhân dân vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống. Chỉ trong 3 ngày, hàng chục chuyến ca nô ra vào điểm lũ và trở thành phương tiện vận chuyển hết sức quan trọng kết nối người dân rốn lũ với bên ngoài.
Chỉ chờ mưa lũ ngớt là các lực lượng hỗ trợ lại tiếp tục vào các khu dân cư bị ngập để tiến hành các hoạt động hỗ trợ. Tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo ngành kiểm dịch chuẩn bị các loại thuốc phòng ngừa bệnh cho trâu bò; ngành Y tế, Hội Chữ thập đỏ sẵn sàng đón tiếp các đoàn từ thiện, khử khuẩn nguồn nước giếng tại các khu dân cư khi nước rút. Đối với các địa phương bị ngập nặng, nguồn nước trở thành vấn đề vô cùng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Xã Tân Hóa có dãy núi án ngữ phía sau lưng, nước từ nhiều nguồn đổ về, vì vậy, chỉ cần những trận mưa lớn thì lập tức vùng trũng này biến thành túi nước. Chiều 5-9, ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, nước vẫn dâng lên. Tuy nhiên, người dân ở rốn lũ Tân Hóa đã có chuẩn bị sẵn từ trước, tích trữ lương thực, đặc biệt là sử dụng phuy nhựa lót dưới sàn nhà, thực hiện mô hình giống nhà dân vùng lũ. Vì vậy, nhiều nhà đã nổi theo con nước và ước tính ngôi làng này còn phải sống trong cảnh nhà nổi khoảng 5 ngày nữa, nếu mưa gió tạnh ráo.
Do ảnh hưởng của 2 cơn áp thấp nhiệt đới và bão số 4, tại vùng biển tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi xuất hiện sóng to gió lớn, cộng với mưa lớn, làm ảnh hưởng đến tầm nhìn và hướng di chuyển của tàu thuyền trên đường vào bờ. Sáng 5-9, tàu cá mang số hiệu NA 93010 TS của ngư dân Nguyễn Văn Thắng (quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) khi di chuyển vào hướng cảng Gianh của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình để tránh bão thì bị sóng đánh chìm. Thông tin trên lập tức được các tàu thuyền trên biển thông báo cho Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình. Vì khi xảy ra tai nạn, nhiều tàu cá trong các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết đã tổ chức cứu vớt các ngư dân bị nạn và thuyền trưởng Nguyễn Văn Thắng được may mắn cứu sống sau đó. Còn lại nhiều thuyền viên bị sóng lớn trôi dạt về nhiều hướng khác nhau.

Cùng lúc, BĐBP Quảng Bình và BĐBP Quảng Trị đã tổ chức 3 tàu tuần tra với 25 cán bộ, chiến sĩ rời bến đến điểm tàu cá bị nạn, tổ chức khoanh vùng, huy động tàu cá ngư dân để tìm kiếm các thuyền viên bị nạn.
Đại tá Nguyễn Văn Thiện, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình đã trực tiếp chỉ đạo việc tìm kiếm trên vùng biển Quảng Bình. Thông tin từ các tàu tuần tra được cập nhật thường xuyên về đất liền. Gia đình các ngư dân bị nạn xúc động cho biết, việc Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình trực tiếp lên tàu ra biển để tìm kiếm, cứu vớt bà con ngư dân đã cho thấy, lúc hoạn nạn thì anh em BĐBP đã hết lòng, hết sức giúp đỡ.
Trong thời gian các tàu tổ chức tìm kiếm trên biển, 5 đồn Biên phòng tuyến biển tổ chức 17 tổ gồm 56 đồng chí tiến hành cùng bà con ngư dân tuần tra dọc biển, quan sát phát hiện người, phương tiện trôi dạt vào đất liền. Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh vận động 13 tàu cá của bà con ngư dân ra biển tìm kiếm. Tinh thần đoàn kết giúp nhau lúc hoạn nạn được BĐBP phát động trong toàn thể các làng chài. Bà con ngư dân đã tự nguyện bơm nhiên liệu, gác việc đánh cá để ra khơi tìm kiếm ngư dân bị nạn.
Sau đợt áp thấp nhiệt đới, trên biển vẫn còn sóng lớn, nhưng đoàn tàu cứu nạn vẫn xuôi ngược trên vùng biển rộng lớn. Các tàu cá của bà con ngư dân thường xuyên kết nối liên lực với 3 tàu của Biên phòng (tàu BP 07-12-01, 07-12-02, 07-06-02).
BĐBP Quảng Trị cũng huy động tàu tuần tra tổ chức đi tìm ngư dân bị nạn. Đến 9 giờ sáng 6-9, tại vùng biển Quảng Trị, cách cảng Cửa Việt 40 hải lý, tàu tuần tra CN 09 của BĐBP Quảng Trị phát hiện 4 ngư dân Nghệ An đang trôi dạt. Các ngư dân khi được cứu lên tàu gồm Trần Văn Cường (16 tuổi), Ngô Xuân Xô (19 tuổi), Lê Văn Chiến (18 tuổi) cùng trú tại xã Xuân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và Phan Huy Hoàng (26 tuổi), trú tại xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Những người dân ở vùng lũ huyện Tuyên Hóa cho biết, thời điểm thiên tai, hoạn nạn thì mới thấy rõ tấm lòng bộ đội và chính quyền lo cho bà con. Sáng ngày khai trường, đoàn công tác của UBND huyện Tuyên Hóa do ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cùng với ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và anh Đoàn Thanh Đạm, Phóng viên Đài Truyền thanh huyện, cùng 3 cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuyên Hóa đã đi kiểm tra, thăm hỏi vùng dân ngập lụt. Khi đi trên sông Gianh, thuyền của đoàn bị lật chìm. Thông tin trên đã làm nhiều người nín thở lo lắng. Nhưng may mắn, cả đoàn công tác đều được bà con ngư dân trên sông cứu vớt khi trôi hơn 1 km.
Chiều 6-9, nhiều cuộc điện thoại gọi từ đất liền đến Đại tá Nguyễn Văn Thiện, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình đều được phản hồi. Ngày cuối tuần, nhưng người chỉ huy của BĐBP Quảng Bình vẫn trực tiếp chỉ đạo việc tìm kiếm trên biển, chưa tìm thấy bà con bị nạn thì tàu vẫn chưa thể quay vào bờ.
Lê Văn Chương