Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:53 GMT+7

Những người gỡ bỏ “rào cản” cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Biên phòng - Với những hoạt động thầm lặng suốt 25 năm qua, 2.611 cô đỡ tại 8.165 thôn bản đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, đến từng gia đình tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập quán lạc hậu, tích cực tư vấn sức khỏe, vận động khám thai và sinh con tại trạm y tế xã, đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

cjsi_7b
Cô đỡ thôn bản hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà. Ảnh: N.T

Cô đỡ thôn bản H’ộch Bon Kalayu sinh sống và làm việc tại thôn 6, xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông cho biết: Hơn 20 năm trước, đời sống đồng bào ở quê hương chị còn gặp nhiều khó khăn, người dân không được tiếp cận nhiều với y tế và còn có tâm lí chưa quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Trước đây, các sản phụ ở xã Quảng Khê thường tự đẻ tại nhà. Người đỡ đẻ là người mẹ, người bà, hay bất kì người phụ nữ nào từng qua sinh con. Từng đỡ một ca sinh con thứ 7 của một sản phụ, khi chưa trở thành cô đỡ thôn bản, chị nhớ lại: “Bà mụ đỡ của thôn 6 bị ốm, tôi đi đỡ thay, vừa run, vừa sợ, không găng tay, không khẩu trang y tế. Đỡ được em bé xong, về tôi ốm cả tuần”. Ngoài ra, sau khi sinh, trẻ sơ sinh nơi đây được cắt rốn bằng cật nứa, không sát khuẩn. Chính vì vậy, có nhiều em bé sơ sinh đã tử vong do uốn ván từ rốn.

Đến từ địa đầu Tổ quốc, tỉnh Hà Giang, cô đỡ thôn bản Vừ A Mỹ cho biết, hơn 20 năm trước, các sản phụ ở thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, cũng tự đẻ tại nhà. Người đỡ không cắt rốn bằng dao lam sạch, mà bằng kéo chưa sát khuẩn hoặc để rốn bé tự rụng, đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong thương tâm. Bên cạnh đó, còn nhiều sản phụ tử vong do biến chứng thai kì, sót nhau, băng huyết sau sinh, phù nề...

isq9_7a
Cô đỡ H’ộch Bon Kalayu tại Hội nghị biểu dương cô đỡ thôn bản tiêu biểu trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em năm 2018. Ảnh: Thùy Trang

25 năm trước, tỉ lệ tử vong mẹ khi sinh ở Việt Nam vào khoảng 233/100.000 ca, cao gấp 4 lần thời điểm hiện tại. Tử vong mẹ tại các vùng sâu, vùng xa còn cao hơn rất nhiều. Đặc biệt, theo nghiên cứu giai đoạn 1990 – 1995, tại các huyện miền núi của các tỉnh duyên hải miền Trung, tỉ lệ tử vong mẹ khi sinh có thể lên tới 900/100.000 ca.

Tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi vào thời điểm năm 1990 là 58. Và có sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ giữa các vùng địa lý, kinh tế-xã hội và giữa các nhóm dân tộc. Tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở khu vực miền núi vẫn cao hơn từ 3-4 lần so với khu vực đồng bằng và thành thị.

Nguyên nhân là do nghèo đói, giao thông khó khăn, thiếu thông tin liên lạc, tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế, dịch vụ chưa phù hợp với văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Phong tục, tập quán sinh đẻ tại nhà hoặc chỉ cho người nhà, người cùng dòng tộc đỡ đẻ, là những yếu tố cản trở đồng bào dân tộc tới sinh con tại cơ sở y tế.

Sự khác biệt về các yếu tố văn hóa như ngôn ngữ, phong tục, tập quán có liên quan đến mang thai, sinh con làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân ở vùng núi cao. Bên cạnh đó, cán bộ y tế tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn thiếu trầm trọng.

Nhận thức được thực trạng và khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 1992, Bộ Y tế đã đào tạo 37 cô đỡ thôn bản đầu tiên tại Lâm Đồng và Ninh Thuận thuộc các dân tộc Nùng, Mơ Mông, Tày, Khmer, S’tiêng... Cô đỡ thôn bản được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại bản địa, có vùng văn hóa, phong tục tập quán, dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ dân tộc của mình để tuyên truyền, vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.

Với kiến thức và kĩ năng được đào tạo, thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ em, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời. Cho tới nay, trên khắp cả nước đã có mạng lưới 2.611 cô đỡ thôn bản hiện đang hoạt động tại 8.165 thôn bản khó khăn.

5ac1db79471e3c1d040020ef
Cô đỡ thôn bản tuyên truyền về lợi ích của khám thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ảnh: N.T

Nhờ chương trình này mà người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tỉ số tử vong mẹ được giảm còn 69/100.000 ca sinh, năm 2009 và chỉ còn khoảng 58/100.000 ca sinh theo ước tính của Tổng cục Thống kê vào năm 2015. Tương tự, tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm còn 21,8, tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm còn 14,5‰ vào năm 2016.

Cô đỡ thôn bản Y Ngọc, người dân tộc Xê Đăng, sinh sống tại thôn Kạch Lớn II, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, mỗi năm chị đỡ đẻ tại nhà an toàn cho khoảng 10 bà mẹ khi chuyển dạ không đến hoặc không kịp đến cơ sở để sinh đẻ. Đặc biệt, năm 2010, chị đỡ khoảng 50 ca. Tỷ lệ bà mẹ có thai tại xã Đăk Sao đi khám từ 50% năm 2009 tăng lên 93% năm 2017, tỉ lệ đẻ tại cơ sở y tế tăng từ 20% năm 2009 lên đến gần 70% năm 2017.

“Cô đỡ thôn bản là giải pháp tạm thời nhưng hiệu quả trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa, tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Để có những thay đổi tích cực này, các cô đỡ thôn bản đã không quản khó khăn, vất vả, vượt đèo, lội suối đến từng bản, từng gia đình tuyên truyền, vận động. Cô đỡ thôn bản H’ộch Bon Kalayu cho biết, khó khăn nhất là tư vấn kế hoạch hóa gia đình.

“Năm đầu tiên, tôi tư vấn gia đình ông Ka Sát, vợ là Hờ Clan, cùng thôn với tôi, đã có 6 người con. Người vợ sử dụng thuốc tránh thai và vòng tránh thai đều không có tác dụng. Tôi tư vấn đình sản. Ông chồng liền cầm tô cơm đang ăn dở đòi ném vào người tôi. Nhưng đến năm 2015, tự ông lại tới tìm tôi để nhờ dẫn đi đình sản”.

Còn cô đỡ thôn bản Vừ A Mỹ lại gặp nhiều trường hợp người nhà sản phụ không cho tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván. “Mình phải giải thích rằng, cần tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván để nếu sản phụ không tới trạm y tế sinh thì sinh tại nhà vẫn đảm bảo được an toàn cho cả mẹ và con”.

Các cô đỡ thôn bản như Vừ A Mỹ, Y Ngọc, H’ộch Bon Kalayu đã luôn tranh thủ thời gian mọi lúc, mọi nơi, phát huy hết khả năng trong công tác tuyên truyền tới bà con trong bản. Đó là những nỗ lực không ngừng và là minh chứng cho hiệu quả của chương trình Cô đỡ thôn bản, phù hợp với điều kiện vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO