Biên phòng - Một chiều chớm Đông, chúng tôi về thăm xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Vùng đất xa xôi, cách trở dưới chân núi Giăng Màn, giáp biên giới Việt Nam - Lào từng vô cùng khó khăn, thiếu đói đã rộng lòng cưu mang đồng bào Chứt từ rừng sâu năm nào giờ đây đang trên đà chạm đích nông thôn mới. Ở vùng đất ấy, chúng tôi đã gặp những đảng viên bền bỉ, suốt mấy mươi năm phát huy tính gương mẫu và tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” như lời dạy của Bác Hồ để góp sức xây dựng bản làng no ấm.

Người cán bộ cắm bản tận tụy
Ở Hương Liên, có một đảng viên áo lính đã gắn bó với bà con gần 20 năm với tâm nguyện đưa đồng bào Chứt ở Rào Tre thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. 52 tuổi đời, 33 tuổi quân, Trung tá Dương Thanh Tịnh, cán bộ Đồn Biên phòng Bản Giàng, BĐBP Hà Tĩnh đã trở thành người thân của các hộ gia đình, bất cứ lúc nào bà con cần, anh đều có mặt và giúp đỡ hết mình. Là một trong hàng ngàn cán bộ Biên phòng được cử xuống sinh hoạt Đảng tại các chi bộ thôn bản biên giới, góp phần củng cố tổ chức Đảng, xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn theo chủ trương của Đảng ủy BĐBP, Trung tá Dương Thanh Tịnh đã cùng đồng đội của mình tô thắm thêm tình nghĩa quân dân nơi biên ải, phát huy cao độ vai trò của người đảng viên quân hàm xanh.
Trung tá Tịnh được phân công làm Tổ trưởng tổ cắm bản ở Rào Tre. Nhưng suốt gần 20 năm qua, anh vừa là con, vừa là người thầy về mọi mặt của dân bản, tận tụy, tỉ mỉ hướng dẫn nền nếp sinh hoạt, truyền kinh nghiệm cho bà con làm ruộng, chăn nuôi, tìm sinh kế để không phải vào rừng. Nghe lời bộ đội Tịnh, bà con cũng đã từng bước từ bỏ các tập tục lạc hậu, phát huy được giá trị truyền thống tốt đẹp, chăm lo làm ăn, hạn chế vào rừng tránh vi phạm lâm luật, có ý thức chăm lo sức khỏe. Bà Hồ Thị Năm - Bí thư chi bộ đầu tiên ở Rào Tre nói với chúng tôi: “Cuộc sống của chúng tôi có được như ngày hôm nay có công rất lớn của bộ đội Tịnh và các chú Biên phòng cắm bản”.
Người lính ấy cũng là phụ huynh của tất cả 43 học sinh Rào Tre. Bởi mọi việc hàng ngày từ gọi dậy đi học, xe cộ hỏng, thiếu đồ dùng học tập, thiếu lương thực hay thậm chí, khi các cháu ham chơi trốn học, đánh nhau..., anh đều đứng ra phân xử. Anh cũng là “ông mối” mát tay trong hành trình ngăn chặn những cuộc hôn nhân cận huyết thống để cải tạo giống nòi cho người Chứt. Sau nhiều chuyến đến các xã, bản lân cận để tìm hiểu và đưa các cháu đến tuổi thành niên ở Rào Tre đi hẹn hò và trực tiếp đứng ra tổ chức cưới xin, giờ đây, anh Tịnh có tới 8 thông gia và 12 đứa cháu nội, ngoại. Những đứa trẻ kháu khỉnh, khỏe mạnh, thông minh, mang hai dòng máu Kinh - Chứt đang học tại trường mầm non của bản là kết tinh của những lời ru vượt đỉnh Giăng Màn...
Ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên nhận xét: “Trung tá Dương Thanh Tịnh là cán bộ Biên phòng tận tụy, hiểu biết, có trách nhiệm và có vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của Rào Tre nói riêng và các thôn, xóm của xã Hương Liên nói chung. Anh luôn chủ động tham mưu, phối hợp, đồng hành với chính quyền địa phương trong thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển đồng bào dân tộc Chứt. Rào Tre thực sự đã bước sang một chặng đường mới cần đến sự quan tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là Tổ công tác Biên phòng Rào Tre”.
Bản lĩnh, tinh thần tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Trung tá Dương Thanh Tịnh cùng hàng ngàn đồng đội trên khắp nẻo biên cương là minh chứng sống động nhất về hiệu quả của chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã biên giới của Đảng ủy BĐBP thời gian vừa qua.
Nữ “thủ lĩnh” của người Chứt
33 tuổi đời, 10 tuổi Đảng, Nữ trưởng bản Hồ Kiên đã có thâm niên 6 năm làm “thủ lĩnh” của đồng bào Chứt dưới chân núi Kà Đay. Hồ Kiên là một trong những đứa trẻ đầu tiên ở đây được học hành, biết đọc, biết viết. Dám nghĩ, dám làm và chịu khó, đảm đang, Hồ Kiên trở thành một đảng viên trẻ có uy tín giúp đỡ bà con trong bản cùng phát triển kinh tế hộ gia đình.

Đối với chị, để trở thành trưởng bản là điều không hề đơn giản, bởi theo tập tục của đồng bào, việc chọn người đứng đầu phải là những già làng, thông thạo ngõ ngách núi rừng, giỏi săn bắt, hái lượm, am hiểu ma chay. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Liên, nguyên Bí thư chi bộ bản Rào Tre cho biết: “Giữa năm 2015, được sự vận động của UBND xã Hương Liên và Tổ công tác cắm bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng và cảm nhận được đạo đức, năng lực, tấm lòng của Hồ Kiên, bà con đã “phá lệ”, chọn Hồ Kiên làm nữ trưởng bản trẻ tuổi đầu tiên của người Chứt”.
Niềm tin yêu của nữ trưởng bản Hồ Kiên đối với Đảng, Nhà nước và BĐBP xuất phát từ những điều thật giản dị. Chị hiểu rằng, nếu không có tình đồng bào sâu nặng và sự quan tâm, yêu thương của Đảng và chính quyền thì dân tộc của chị sẽ không có được cuộc sống như hôm nay. Niềm tin ấy là động lực thúc đẩy chị rèn luyện, tu dưỡng để xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ xã, của đảng viên trong thôn và bà con Rào Tre.
Chị trở thành điển hình tiêu biểu cùng giúp bộ đội tuyên truyền những cách làm kinh tế hay, xóa bỏ những tập tục lạc hậu của người Chứt tồn tại bao đời nay và xây dựng chi bộ bản Rào Tre vững mạnh, để Rào Tre hôm nay thay đổi từng ngày, chi bộ của bản có nhiều thêm những đảng viên trẻ có trình độ và tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, xây dựng quê hương. Những con đường liên thôn, liên xóm đang rộng dần ra nhờ bà con tình nguyện hiến đất, trước mỗi ngôi nhà rực rỡ màu hoa vì người dân nơi đây đã biết làm đẹp cho quê hương mình, lối xóm sạch tinh bởi có bàn tay chăm chỉ của phụ nữ, thiếu niên nhận tự quản và an ninh nông thôn được đảm bảo khi đêm về, công an viên, dân quân, thanh niên đều đặn đi tuần...
Câu chuyện về những người đảng viên đặc biệt mà chúng tôi được gặp ở xã Hương Liên đã cho thấy, niềm tin, sự dấn thân và trách nhiệm luôn là ngọn lửa soi sáng dẫn đường để họ có thêm quyết tâm cống hiến, để một vùng biên giới từng là túi bom đạn, từng là nơi khó khăn, thiếu thốn đang bừng lên sức sống mới. Trong lòng tôi, họ là những đảng viên trung kiên, người cán bộ ưu tú đã mang ngọn cờ đỏ của Đảng để cắm trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Giăng Màn.
Lê Hoa