Biên phòng - Khi màn đêm buông xuống, tiếng giảng bài, học bài của thầy và trò tại lớp học phổ cập giáo dục tiểu học do Đồn Biên phòng Tuyên Bình, BĐBP Long An tổ chức lại vang lên rộn ràng, xóa tan màn đêm tĩnh mịch của vùng biên giới. Học sinh là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, di cư tự do từ Campuchia về sinh sống trên địa bàn, nên cuộc sống hết sức khó khăn. Ngày ngày, các em phải tất tả phụ giúp gia đình làm thuê, làm mướn mưu sinh, đêm đến lại cần mẫn cắp sách đến trường theo đuổi giấc mơ con chữ.
Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đến xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An - nơi các “thầy giáo mang quân hàm xanh” của Đồn Biên phòng Tuyên Bình đang ngày đêm miệt mài uốn nắn từng nét chữ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lớp học xóa mù chữ của các “thầy giáo quân hàm xanh” dành cho con em các gia đình người Việt Nam từng sinh sống ở Biển Hồ (Campuchia), nay trở về nước sinh sống trên địa bàn. Các hộ dân dựng lều, làm nhà tạm trên các bờ đê hoặc sống trên thuyền dọc theo biên giới, tập trung ở 2 xã Tuyên Bình, Vĩnh Bình. Con em của họ dù đang trong độ tuổi đi học, nhưng hầu hết không đủ các điều kiện pháp lý để được cắp sách tới trường với bạn bè cùng trang lứa, hằng ngày cùng với bố mẹ làm thuê, bán vé số kiếm sống...
Đại úy Nguyễn Minh Lợi, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tuyên Bình chia sẻ, trước hoàn cảnh của các em, từ năm 2012, đơn vị đã xin ý kiến Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, phối hợp với chính quyền địa phương, ngành giáo dục triển khai các lớp học xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho các em. Để mở được lớp học, ngoài việc điều tra, khảo sát thực trạng người mù chữ, cán bộ, chiến sĩ phải kiên trì tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh đồng ý cho các em đến lớp. Đồng thời, tiến hành tổ chức họp các hộ dân bàn kế hoạch tổ chức lớp học, bố trí thời gian dạy học hợp lý, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của các gia đình. Khi hình thành được lớp học, các cán bộ BĐBP phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là làm sao duy trì sĩ số, tạo cho học sinh không khí thi đua học tập, vượt qua mặc cảm...
Nhờ sự kiên trì, tận tụy của những người “thầy giáo mang quân hàm xanh” hằng đêm, lớp học được duy trì đều đặn. Cũng từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã tổ chức lớp học phổ cập giáo dục phổ thông cho con em Việt kiều Campuchia sinh sống trên địa bàn một cách hiệu quả. Chỉ huy đơn vị phân công 1 đồng chí sĩ quan phụ trách, 3 chiến sĩ trực tiếp giảng dạy cho 52 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Về chương trình học tập, giai đoạn đầu, các em được học chương trình phổ cập lớp 1 và kết thúc năm học, Đồn Biên phòng Tuyên Bình phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng tổ chức thi lên lớp cho các em. Những học sinh đạt điểm quy định được lên lớp, số chưa đạt tiếp tục học lại chương trình.
Hiện nay, Đồn Biên phòng Tuyên Bình đang duy trì 5 lớp với 52 học sinh theo học chương trình từ lớp 1 đến lớp 5, tất cả các em đều hăng say học tập, chất lượng dạy và học ngày một nâng lên.
Đại úy Nguyễn Minh Lợi cho biết, sau 7 năm tổ chức dạy học cho các em, qua các bài kiểm tra, lớp học của Đồn Biên phòng Tuyên Bình được ngành giáo dục công nhận đạt chuẩn chung của ngành giáo dục. Đây là niềm động viên để các “thầy giáo mang quân hàm xanh” phấn đấu nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức, nghiệp vụ sư phạm, tiếp tục hoàn thành tốt mục tiêu phổ cập kiến thức lớp 5 cho trẻ em ở khu vực biên giới.
“Khi được phân công đứng lớp, ai cũng xác định đây vừa là nhiệm vụ, vừa là vinh dự của người chiến sĩ Biên phòng. Qua thời gian tiếp xúc, dạy học, tôi càng hiểu hơn, đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn của các em. Chính tinh thần ham học, sự tiến bộ của các em là nguồn động lực thôi thúc chúng tôi duy trì lớp học. Không chỉ dạy chữ, chúng tôi còn cố gắng truyền đạt cho các em về kỹ năng sống, ứng xử... để giúp ích cho các em trong cuộc sống” - Binh nhất Mạc Văn Nhân chia sẻ.
Em Võ Thị Ny (SN 2004) chưa một lần cắp sách đến trường cho tới khi được tham gia lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học của Đồn Biên phòng Tuyên Bình. “Từ khi về Việt Nam sinh sống, ba mẹ em sống bằng nhiều nghề mới đủ trang trải cuộc sống. Hằng ngày, em phải đi phụ giúp ba mẹ làm thuê, bán vé số, nhặt ve chai... Sau một thời gian theo học, giờ đây, em đã có thể đọc thông, viết thạo. Em sẽ cố gắng học tập tốt để có kiến thức và không phụ công lao của các thầy đã dìu dắt em bấy lâu nay”.
Để tranh thủ tối đa thời gian, giúp các em theo kịp chương trình chính thức, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình quyết định huy động ra lớp tất cả các buổi tối trong tuần, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Học sinh được chia lớp theo trình độ để thầy giáo có thể kèm cặp cho từng em.
Binh nhất Mạc Văn Nhân chia sẻ: Do không có nghiệp vụ sư phạm, lúc đầu, tôi và các chiến sĩ được phân công đứng lớp gặp không ít khó khăn trong việc chuẩn bị giáo án, cách truyền đạt kiến thức... Tuy vậy, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình từ các thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học Tuyên Bình, sự động viên của chỉ huy đơn vị, cùng với sự tìm tòi nghiên cứu các tài liệu về sư phạm, nên chúng tôi có thêm niềm tin, vững vàng hơn khi lên lớp, giúp các em ngày càng tiến bộ.
Viết Hà