Biên phòng - Tối 21-12, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Chương trình “Điểm tựa của bản làng” nhằm tôn vinh 163 đại biểu, người có uy tín tiêu biểu toàn quốc trong bảo vệ đường biên, mốc giới, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm trên biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Phóng viên Báo Biên phòng đã gặp gỡ và ghi lại những ý kiến tâm huyết của một số gương mặt tiêu biểu tham dự Chương trình này.

Hòa thượng Thạch Huôn, trụ trì chùa Prây Chóp, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng: “Phát huy phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo” trong bảo vệ an ninh biên giới quốc gia”.
Thời gian qua, với vai trò là Đại biểu Quốc hội khóa XII và là Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước của tỉnh Sóc Trăng, tôi đã tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng vận động đồng bào thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tôi cũng cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP thường xuyên tuyên truyền, lồng ghép các chủ trương, chính sách này trong các buổi sinh hoạt thường kỳ hàng tháng cho phật tử. Qua đó, đồng bào dân tộc thiểu số xã Lai Hòa đã cung cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị cho lực lượng Công an, Biên phòng giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan đến tôn giáo như đất đai, truyền đạo trái pháp luật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...
Thời gian tới, tôi sẽ nâng cao hơn nữa vai trò người có uy tín tiêu biểu mà chính quyền và nhân dân đã bình chọn, tiếp tục phát huy phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, nỗ lực gắn kết, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và đặc biệt là tham gia tích cực vào phong trào “Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Ông Lò A Hải, dân tộc Mảng, người có uy tín bản Pa Cheo, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu: “Phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc Mảng”
Từ khi còn là một thanh niên, tôi đã được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng bản Pa Cheo, được bồi dưỡng, trưởng thành và được bầu là đại biểu HĐND huyện, Phó Chủ tịch HĐND xã Hum Bua. Khi đó, tôi đã cùng các đồng chí lãnh đạo xã phối hợp với Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Hua Bum lãnh đạo, vận động nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn biên giới; tổ chức cho lực lượng dân quân xã tuần tra, đấu tranh chống các hoạt động xâm canh, khai thác lâm thổ sản trái phép.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao giai đoạn 2011 - 2020”. Đây là niềm vui lớn đối với người Mảng chúng tôi, bởi từ đây, cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi, có điện sinh hoạt và được hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ về giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc Mảng, tôi đã cùng chính quyền địa phương và BĐBP vận động bà con tham gia khai hoang, xây dựng ruộng bậc thang sản xuất lúa nước. Bây giờ, cứ đến mùa, vào vụ là cả bản có mặt trên nương, bảo nhau cày bừa, cấy hái..., cuộc sống đã thêm phần no đủ. Các tập tục lạc hậu như làm ruộng một mùa, uống rượu, hôn nhân cận huyết thống, cùng các nghi thức cúng lễ tốn kém dần thay đổi, nhường chỗ cho nếp sống mới văn minh, tiết kiệm.

Bà Thị Y Ran, dân tộc M,Nông, Trưởng bon Bu Prăng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông: “Phối hợp với các tổ chức chính trị, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở”.
Quảng Trực là xã biên giới hết sức khó khăn của huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông, trong đó, bon Bu Prăng IIA có 99 hộ, với 5 dân tộc bản địa cùng sinh sống. Bản thân tôi là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa hạn chế, tuổi đời còn trẻ, song, được sự tín nhiệm của cán bộ và nhân dân, tôi đã được bầu là Chi hội trưởng Chi hội nông dân kiêm Trưởng bon Bu Prăng IIA. Tôi cũng thường xuyên dự các cuộc họp quân dân chính, sinh hoạt hội đoàn thể cũng như họp toàn dân để tham gia ý kiến, giáo dục nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các hương ước, quy ước của buôn làng. Đồng thời, vận động bà con luôn nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu, phòng, chống tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ an ninh biên giới, góp phần gìn giữ sự bình yên trong bon cũng như trong toàn xã.
Tôi luôn chú trọng công tác phối hợp với các tổ chức chính trị để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Tôi luôn đi sâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và giải quyết những mâu thuẫn trong đời sống sản xuất, dân tộc, tôn giáo của bà con, giúp cho tình cảm đồng bào, làng xóm luôn đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Bà Nông Thị Hợp, dân tộc Tày, Trưởng thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang: “Vinh dự càng nhiều, trách nhiệm càng phải cao”
Tôi rất vinh dự và tự hào được có mặt trong chương trình này, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người có uy tín chúng tôi nói riêng. Tôi cho rằng, vinh dự càng nhiều, trách nhiệm càng phải cao, đặc biệt là trong việc vận động nhân dân thực hiện khối đại đoàn kết các dân tộc nơi biên giới. Trong suốt 18 năm qua, với vai trò là Trưởng thôn, tôi thường xuyên phối hợp với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông, tích cực phối hợp với BĐBP tham gia tuần tra, phát quang đường biên giới, đường thông tầm nhìn biên giới, khi có vụ việc xảy ra, chúng tôi đều thông tin ngay cho cán bộ Biên phòng phối hợp giải quyết kịp thời; không để vụ việc phức tạp kéo dài. Ngoài ra, tôi còn tích cực vận động con em ở các bản, làng biên giới đến trường học, đạt 98% số trẻ trong độ tuổi đến trường... Vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới.
Hà My (thực hiện)