Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 05:03 GMT+7

Những người dệt nắng biên cương

Biên phòng - Những ngày cuối Đông, mưa phùn, giá rét liên miên, mang nét đặc trưng của miền rừng biên ải vùng Đông Bắc. Hầu như năm nào, các đồn Biên phòng đóng chân ở đây như Đồn Biên phòng Bắc Sơn, Đồn Biên phòng Quảng Đức, BĐBP Quảng Ninh… cũng có kế hoạch sửa sang nhà cửa, xây mới công trình giúp bà con chống đỡ với rét buốt, giá lạnh. Đồng thời, những nếp nhà cô lẻ, neo đơn có cơ hội đón một cái Tết no ấm, khang trang.

Quân y Đồn Biên phòng Quảng Đức khám, phát thuốc miễn phí cho gia đình người dân tộc thiểu số nghèo ở biên giới. Ảnh: Văn Dương

Gia đình ông Hà Văn Thanh, thôn 3, xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là gia đình chính sách, thuộc diện hộ nghèo, lại đang thờ cúng 2 liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông Thanh nuôi 2 cháu nhỏ, vợ thường xuyên đau ốm và bản thân ông tàn tật, không lao động được. Nhận thấy trường hợp gia đình ông Thanh cần được trợ giúp, Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã chủ động kết nối với địa phương, các đoàn thể liên quan và bàn bạc với đơn vị kết nghĩa là Công ty Tuyển than Hòn Gai để lên kế hoạch sửa chữa nhà ở, xây mới công trình phụ trợ cho gia đình ông Thanh.

Điều mà ông Thanh cảm kích khi nhận được sự hỗ trợ đặc biệt này là sự ấm áp vun vén từ chính bàn tay người lính. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn tham gia nhiều ngày công xây dựng, giúp gia đình ông khắc phục cái lạnh tê cóng những ngày Đông. Ngoài ra, đơn vị và Công ty Tuyển than Hòn Gai ủng hộ số tiền 50 triệu đồng và vận động thêm các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ tiền, vật liệu xây dựng trị giá trên 30 triệu đồng. UBND xã Quảng Nghĩa vận động Ủy ban MTTQ phường Ka Long ủng hộ số tiền 25 triệu đồng. Chỉ sau 2 tháng triển khai, công trình đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng, với tổng đầu tư 120 triệu đồng. Ngày khánh thành công trình, nắng lên rực rỡ, mọi người quần tụ trong khoảnh sân mới tinh để chúc mừng gia chủ. Ông Hà Văn Thanh rưng rưng nói: “Năm nay mới thực sự là Tết đây”.

Đồn Biên phòng Quảng Đức quản lý 10 xã trực thuộc 2 huyện biên giới, có đường biên giới dài gần 18km, bờ biển dài 50km. Trong địa bàn có 10 dân tộc anh em sinh sống gồm Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu, Mường, Hoa, Nùng, Thái và Cao Lan. Theo thống kê, năm 2021, trong địa bàn vẫn còn 85 hộ nghèo và 101 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới.

Trung tá Nguyễn Đức Hiệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quảng Đức chia sẻ: “Khi nào người dân sinh sống trên địa bàn còn nghèo, còn neo đơn và khó khăn thì vẫn còn đó nhiệm vụ giúp dân xóa đói, giảm nghèo của BĐBP. Chúng tôi nhận định rằng, giúp dân ổn định nơi ăn, chốn ở là sự hỗ trợ thiết thực nhất, bền vững nhất. Đơn vị đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quan tâm đến người dân khu vực biên giới. Những hoàn cảnh, trường hợp cụ thể, đơn vị sẽ lựa chọn kỹ, bàn bạc với đối tác, sao cho đồng tiền của mạnh thường quân bỏ ra phải thật hiệu quả, mà người nhận còn được đón nhận thêm giá trị tinh thần, sự khích lệ, như một bàn đạp, một bệ đỡ để từ đó, giúp họ vươn lên trong cuộc sống”.

Năm 2021, Đồn Biên phòng Quảng Đức đã quyết liệt vận động bà con xã biên giới Quảng Sơn, huyện Hải Hà cùng bắt tay vào di dời chuồng trại ra xa nơi ở. Đã nhiều năm qua, nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Dao ở đây vẫn giữ tập quán lạc hậu là nuôi nhốt gia súc, gia cầm ngay bên cạnh nhà ở. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Đức đã kiên trì vận động, thuyết phục để bà con từ bỏ tập tục này. Kết quả là, có 16 gia đình đồng ý để BĐBP hỗ trợ di chuyển, xây dựng 16 khu chuồng trại chăn nuôi mới, xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh. Tổng kinh phí mà Đồn Biên phòng Quảng Đức đóng góp cùng nguồn kinh phí xã hội hóa là 120 triệu đồng dành cho công cuộc chuyển dời lịch sử này.

Tháng 7-2021, sau hơn 2 tháng tiến hành triển khai xây dựng, đã có 13 hộ gia đình hoàn thành công trình chăn nuôi và đưa vào sử dụng. Đơn vị cùng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu thương mại Lâm Ngọc Dương đã tiến hành bàn giao công trình và tiền hỗ trợ cho các hộ gia đình tại bản Cấu Phùng, xã Quảng Sơn. Trong suốt quá trình hỗ trợ, tư vấn và triển khai công trình giúp dân này, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Ninh và vận động cả dòng họ, người có uy tín của địa phương cùng vào cuộc. “Để cuộc sống khang trang, sạch đẹp hơn thì không ai từ chối cả, kể cả người dân còn phải tự lo thêm kinh phí đối ứng, nhưng cách để triển khai thực hiện công trình thì không thể hời hợt, thiếu trách nhiệm. Khi nào người dân toại nguyện, mục tiêu đến đích, chúng tôi mới yên tâm được” - Trung tá Hiệp chia sẻ kinh nghiệm.

Dựa vào công tác dân vận, Đồn Biên phòng Quảng Đức phát hiện gia đình ông Tằng Cắm Mằn, dân tộc Dao Thanh Y ở bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà có trên 1.000m2 đất canh tác bỏ hoang. Gia đình người đàn ông này thuộc diện cận nghèo, khó khăn triền miên vì đông con và không có công ăn việc làm ổn định, lúng túng tìm kế sinh nhai. Đơn vị đã quyết định tặng gia đình ông Mằn một vườn cây kiểu mẫu, tự tay cán bộ, chiến sĩ giúp ông trồng 200 gốc trà hoa vàng - một loại trà đặc sản của miền Đông Quảng Ninh đang có giá trị kinh tế cao trên thị trường. Vốn đầu tư ban đầu cho khu vườn là 30 triệu đồng. Chỉ vài tháng qua, cây trồng đã sinh trưởng tốt, tạo nên một bước đệm cho năm 2022, đơn vị tiếp tục hỗ trợ nhiều gia đình nữa trồng cây, gây giống, hòa vào nhịp sống biên cương đang đổi thay từng ngày ở Quảng Đức.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Đức giúp dân đào móng xây nhà. Ảnh: Văn Dương

Năm 2022, Đồn Biên phòng Quảng Đức tiếp tục phối hợp với UBND xã Đại Bình và Tân Lập của huyện Đầm Hà xây dựng 2 ngôi nhà ở cho 2 gia đình chính sách. Đặc biệt, đơn vị đã sớm triển khai mô hình trồng tre ở khu vực biên giới, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đã trồng 400 gốc tre để cố định đất, cộng thêm nhiều ngày công để phát quang đường biên, mốc giới, đường vào ngõ xóm, bản làng. Đã thành nếp, “ngày thứ Bảy tình nguyện” và “ngày Chủ nhật xanh”, thanh niên đơn vị dành thời gian để dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang lại cảnh quan của làng bản. Đã có chuyện người dân nghèo trong các bản xa được bà con chòm xóm giúp đỡ xây được ngôi nhà rồi, nhưng cái sân thì lại thiếu hụt kinh phí, nên cứ để nhớp nhúa, vào mùa mưa nước ngập lênh láng. Anh em trong đơn vị đi tuần tra qua, thấy vậy lại xắn tay vào giúp chủ nhà đầm lại sân, rải sỏi, láng một lớp xi măng để ngôi nhà thêm đẹp, trẻ nhỏ có chỗ chơi đùa, gia chủ bớt đi một phần lo toan gánh nặng. Vùng biên cương thêm nhiều tiếng cười, tình người thêm ấm áp, tin tưởng vào tương lai.

Trung tá Nguyễn Đức Hiệp tiết lộ, năm 2022 sẽ là năm đơn vị bứt phá thực hiện mô hình dân vận khéo, tiếp tục đẩy nhanh các mô hình giúp dân, xây mới nhà ở và chuồng trại nuôi gia súc, trồng cây giá trị kinh tế cao, sao cho bà con vực dậy đời sống sau một thời gian dài dịch Covid-19 làm ngưng trệ mọi hoạt động, sinh hoạt. Với địa bàn phụ trách bao gồm cả miền biển, miền rừng, hải đảo, cảng đường bộ, cảng biển, vì thế, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Đức phải tinh thông nhiều hoạt động chuyên môn, sáng tạo nhiều mô hình dân vận phù hợp với từng địa bàn. Trong chiến lược xóa đói giảm nghèo của tỉnh Quảng Ninh, họ luôn tiên phong trong việc thực hiện nhiều mô hình khó, hiệu quả cao, mang lại cho người dân khu vực biên giới một cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ. Họ chính là những người dệt nên những ngày nắng ấm ở miền biên viễn này.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO