Biên phòng - Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giải thích: “Tuyên truyền là đem một phần việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm, nếu không đạt được mục tiêu đó thì tuyên truyền thất bại”. Đặc biệt, tại khu vực biên giới, biển đảo, do nhiều khó khăn, vướng mắc đặc thù và nhất là những rào cản về ngôn ngữ thì công tác tuyên truyền đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Vượt lên tất cả những thách thức đó, đội ngũ trên 500 báo cáo viên kiêm nhiệm các cấp của BĐBP đã thực sự phát huy vai trò nòng cốt, xung kích và sự tận tụy, sáng tạo để làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và định hướng tư tưởng cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo.
Mở con đường nhanh nhất
Trong tình hình hiện nay, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên được xác định là công cụ quan trọng nhằm tuyên truyền, giáo dục, truyền bá đường lối, những quan điểm của Đảng đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Đồng thời, là vũ khí sắc bén kịp thời đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần quan trọng vào việc giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là khu vực biên giới, biển đảo.

Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” cũng đã nhấn mạnh: “Tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một mắt khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, Trung ương với địa phương và cơ sở để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước; gắn truyền đạt với đối thoại, trao đổi, truyền tải trực tiếp những thông tin nội bộ cần thiết phục vụ công tác tư tưởng đối với tất cả các đối tượng ở mọi hoàn cảnh, điều kiện một cách linh hoạt”.
Quán triệt sâu sắc tinh thần của Chỉ thị, phát huy truyền thống anh hùng, vai trò nòng cốt trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và thế mạnh của công tác Đảng, công tác chính trị qua 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung duy trì nghiêm nền nếp công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên.
Các văn bản liên quan đến công tác tuyên truyền miệng như: Hướng dẫn 1627/HD-CT, ngày 13/11/2007 của Tổng cục Chính trị về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư; Quyết định 1104/QĐ-CT, ngày 03/12/2010 về “Quy chế công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, Thông tư số 28/TT, ngày 17/6/2009 về “Hướng dẫn thực hiện chế độ đối với Báo cáo viên của Đảng trong quân đội” và Thông tư số 103, ngày 26/10/2012 về “Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với báo cáo viên các cấp trong quân đội”... được quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đạt yêu cầu đề ra.
Điều đáng ghi nhận là cấp ủy, chỉ huy các cấp cùng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nói riêng và cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng nói chung đã luôn nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhờ đó, công tác tuyên truyền miệng của BĐBP không chỉ phát huy được trọn vẹn các ưu điểm loại hình tuyên truyền này, mà còn trở thành con đường nhanh nhất giúp cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới kịp thời nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của trên và tình hình thời sự trong nước, quốc tế. Kịp thời định hướng tư tưởng, định hướng dư luận trong đơn vị; phê phán quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, giúp cho cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Tuyên truyền bằng trách nhiệm và tình thương
Để có được thành quả đó là tổng hòa rất nhiều các chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều năm qua. Xác định con người là yếu tố then chốt, công tác lựa chọn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của BĐBP cũng được chú trọng. Căn cứ vào quy chế, hướng dẫn của cấp trên, các đơn vị đã lựa chọn cán bộ có đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm công tác tuyên truyền miệng, đồng thời phân công cán bộ dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên do Ban Tuyên giáo Trung ương và Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức. Hàng năm đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và tổ chức Hội thi báo cáo viên giỏi trong lực lượng định kỳ 5 năm 2 lần, lựa chọn, thành lập đội tuyển dự thi cấp toàn quân, toàn quốc và thường xuyên đạt giải cao.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên quân hàm xanh các cấp đã luôn xác định phải bám đơn vị, bám địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng chí, đồng đội và đồng bào để tham mưu đề xuất các chủ trương, biện pháp tuyên truyền miệng phù hợp với từng địa bàn, từng dân tộc và xây dưng các chuyên đề thích ứng linh hoạt với từng thời điểm. Với đặc điểm đa số các báo cáo viên là cán bộ vận động quần chúng, họ đã gắn công tác tuyên truyền miệng vào nhiệm vụ chính trị của mình, thực sự dành nhiều tâm huyết cho việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới. Họ đã mang tình cảm chân thành, sự tận tụy trong từng lời nói, việc làm, thực sự “lắng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tạo sức cảm hóa và trở thành điểm tựa tinh thần của nhân dân.
Không chỉ thực hiện hiệu quả những hình thức, phương pháp chung như tuyên truyền miệng tại các hội nghị, tập huấn hoặc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; tuyên truyền miệng trực tiếp tại các cuộc họp, sinh hoạt thôn bản, khu dân cư, các phiên chợ, dịp lễ, hội; cấp phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật, đĩa DVD..., các đơn vị Biên phòng còn có những hình thức tuyên truyền mang đậm dấu ấn như thông qua hoạt động của các Tổ, đội tuyên truyền văn hóa, các báo cáo viên là cán bộ tăng cường xã và đảng viên phụ trách hộ gia đình hoặc tổ chức các buổi đối thoại, tọa đàm sinh động, có tính tương tác cao giữa báo cáo viên với cán bộ, nhân dân.
Qua đó, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương Quân đội là lực lượng tiên phong trong thực thi pháp luật; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa chính trị tư tưởng của Đảng trong quân đội, BĐBP và khu vực biên giới, biển đảo.
Nhờ được bồi dưỡng, thường xuyên với thực tiễn công tác và trưởng thành qua từng hoạt động cụ thể ở cơ sở nên dù hầu hết các đồng chí báo cáo viên chưa được đào tạo chính quy về nghiệp vụ tuyên truyền miệng, song đều đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hiện nay, toàn lực lượng có 3 đồng chí báo cáo viên chuyên trách, 65 đồng chí báo cáo viên bán chuyên trách, 462 đồng chí báo cáo viên kiêm nhiệm ở các đồn, hải đội, tiểu đoàn Biên phòng. Có thể nói, đây là đội ngũ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, nhạy bén trong tư duy; có khả năng phản ứng trước sự kiện phức tạp, nhạy cảm, kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và có khả năng lựa chọn, thiết kế nội dung tuyên truyền phù hợp với từng loại đối tượng, thuyết phục được người nghe.
Đặng Đức Hải