Biên phòng - Chỉ nghe qua báo đài không đủ, không thấm thía gì, mà phải đi, phải mắt thấy tai nghe về họ. Họ ở đây là những em học sinh, những phụ huynh các em, những thầy, cô giáo ở những nơi xa xôi hẻo lánh, thiếu thốn nhất của Tổ quốc. Nghe họ nói, tâm sự, thốt ra từ con tim, đáy lòng cảm xúc, tâm tư từ họ về những người lính Biên phòng đóng quân trên địa bàn, chúng ta mới cảm thấu sâu sắc về một tình cảm gần gũi, giản dị, thân thương mà lại vô cùng thiêng liêng. Ở những nơi đệ nhất khó khăn ấy, cái gì cũng thiếu nhưng tình cảm quân dân lại chan chứa và chính tình cảm ấy đã gieo lên những mầm xanh hy vọng cho những trẻ em chưa được đến trường.

Khi chúng tôi hay tin chuẩn bị tổ chức đoàn công tác bắt đầu cuộc hành trình xuyên cung đường phía Bắc dài ngày, ai cũng rất phấn khởi. Dẫu biết là mệt, chắc chắn sẽ vất vả nhưng vẫn thấy đầy hứng thú, vì biết rằng, đây là công tác đi thực hiện phim tài liệu về chương trình "Nâng bước em tới trường". Điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi là Đồn BPCK Lóng Sập, BĐBP Sơn La. Ở đây, vào một buổi sớm khi đồng hồ đã điểm 4 giờ, song nhìn trời như vẫn đang lúc nửa đêm tại thành phố. Cảnh vật chìm trong màu tối và giá buốt thấu xương. Duy chỉ có khu vực nhà bếp của đơn vị là có ánh sáng lập lòe của ánh điện được phủ kín sương mù và ấm lên ánh bập bùng từ bếp lửa hồng rực.
Tôi tự thắc mắc, sao đơn vị 6 giờ mới ăn sáng, bữa sáng của các cán bộ, chiến sĩ cũng rất đơn giản chỉ cơm và chút thịt kho, hay trứng rán mà chiến sĩ ở đây dậy nấu ăn sớm như vậy? Hỏi ra, chúng tôi mới biết, đó là những chiến sĩ chuẩn bị bữa ăn sáng cho các em nhỏ ở điểm trường Buốc Pát. Chiến sĩ Cù Minh Tăng cho biết, do 7 giờ sáng, các em phải vào học nên đơn vị nấu ăn sớm, sau đó đi bằng xe máy vượt đèo mang cơm lên để các em ăn cho kịp giờ học. Chẳng mấy chốc, bữa sáng của các em cũng đã chuẩn bị xong. Từng âu cơm trắng ngần, nóng hổi và trứng gà rán, thịt kho được chia vào từng hộp nhỏ đóng gói trong hai lớp túi nilon. Sau đó, 4 cán bộ dùng hai xe máy chở nhau và mang những khẩu phần ăn lên cho các em.
Theo chân các anh, tôi được một đồng chí cán bộ trinh sát chở đi. Lúc này trời đã rạng hơn chút, nhưng sương vẫn còn đặc quánh. Thấy xe các chú bộ đội mang cơm sáng lên, các em nhỏ từ lớp mẫu giáo đến các anh, chị lớp ghép 4+5 lớp đều đứng sẵn xếp hàng và hò reo. Chợt tôi phát hiện trong mắt các em ánh lên niềm vui tựa như đứa trẻ mong quà mẹ đi chợ về. Khi nhìn các em ăn cơm, tôi mới hiểu, thì ra các em mong bữa cơm no buổi sáng còn hơn nhiều lần những đứa trẻ miền quê được tặng quà. Vì các em đói, một bữa ăn đủ với các em là cả một ước mơ.
Nhìn các em ăn ngon lành, thầy Lê Bá Thành, Chủ nhiệm lớp ghép 4+5, người đã gắn bó cả chục năm với điểm trường nơi đây chia sẻ: "Các em tội nghiệp lắm, hầu như đều mất mẹ hoặc cha, hoặc mất cả cha lẫn mẹ, vì liên quan đến tệ nạn ma túy. May thay, nhờ có cán bộ, chiến sĩ ở Đồn BPCK Lóng Sập trích tiền lương, tiền ăn của mình ra lo cho các em bữa sáng sung túc như thế này. Thực ra, bữa sáng của các em đây chính là bữa chủ đạo. Anh nhìn đó, các em ăn no rồi chịu khó, ngoan ngoãn vào lớp học ngay".
Trước giờ học, tôi tranh thủ bắt chuyện với một em được coi là chín chắn, mạnh dạn nhất trong lớp 4. Em có tên là Mùa A Chính, đang sống cùng bà nội đã ngoài 70 tuổi và hai đứa em nhỏ lít nhít, cả bố và mẹ em đều đã mất do nghiện thuốc phiện. Do sợ tiếp xúc người lạ, phải mất hồi lâu, em mới tiếp chuyện được với tôi. "Thế em có biết bữa sáng hàng ngày ở đây do ai mang cho các em không? Em ăn có đủ no bụng chưa?" - Tôi hỏi. Em khẽ cúi mặt một thoáng rồi ngẩng lên: "Dạ, do cha Khải, cha Tuyển và các cha ở đồn Biên phòng nấu và mang cho ạ. Chúng con quý các cha lắm, con muốn học để sau này được làm người tốt như các cha ạ".
Nghe xong, thầy Thành vui vẻ cho biết: Nay anh lên vào ngày nắng đấy, chứ hôm trời mưa dài ngày, các anh Biên phòng mang cơm lên khổ lắm. Con đường đất đỏ dốc ngược, mưa xuống, đường trơn, xe máy đi không được phải đi bộ cả tiếng đồng hồ mang cơm cho các em. Tôi nhìn các anh mà không biết nói sao, chỉ mong dạy tốt các em để không phụ lòng, phụ công các anh dành cho tụi trẻ ở đây".
Chia tay cán bộ, chiến sĩ và thầy trò ở Lóng Sập, đoàn chúng tôi lại tiếp tục chuyến công tác đến với Đồn BP Ka Lăng, BĐBP Lai Châu, song trong lòng mỗi người hẳn không thể không ấn tượng về họ, về tình cảm thật giản dị mà sao quấn quýt, thiêng liêng đến lạ thường. Lúc này trời đổ mưa mỗi lúc một nặng hạt khiến con đường xuống Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) vốn đã khó đi lại càng thêm hiểm trở. Trời đã tối hẳn, đoàn chúng tôi cũng đã đến Ka Lăng. Bữa cơm tối nghi ngút khói với không ít món ăn đã bày trước mặt, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị biết trước có khách nên món ăn được làm nhiều hơn và sang hơn thường ngày. Có thịt gà, thịt lợn và khá nhiều loại rau.
Nhưng theo lời Thượng tá, Đồn trưởng Nguyễn Tiến Ngọc thì tất cả là của nhà trồng được, không phải mua bất cứ thứ gì, ngoại trừ dầu ăn, muối... Chỉ có điều lạ, trong nhà ăn của đơn vị lại có hai em nhỏ ngồi ăn cùng mâm chiến sĩ, được đơn vị nhận đỡ đầu. Đó là em Vàng Lý Sinh (17 tuổi) và Lò Phì Xe (14 tuổi), đang học lớp 8 của trường cấp hai Ka Lăng. Thượng tá Ngọc cho biết, hai em có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ bệnh nặng không có khả năng nuôi các em nên đơn vị đã nhận về nuôi. Các em ăn, ở sinh hoạt tại đơn vị và thực hiện các chế độ trong ngày như người lính. Nhìn các em chững chạc hơn tuổi, ánh mắt không giấu nổi nỗi buồn đượm sâu.
Ngồi ăn cùng chúng tôi có Chủ tịch xã Ka Lăng. Sau vài ly rượu mời khách vui vẻ, giọng Chủ tịch lặng xuống: "Hai cháu giờ khỏe mạnh thế, chứ trước khi đơn vị nhận nuôi hai cháu gầy còm, ốm yếu liên miên. Bố cháu Sinh cũng chịu thương chịu khó, nhưng không may đổ bệnh nặng. Tiền thuốc không đủ nên đành bỏ mặc cháu. Nhà hai cháu ngay gần nhà tôi, thương lắm nhưng biết sao! May thay, các anh Biên phòng đưa tay đón cháu về chăm lo, dạy dỗ và cho các cháu tiếp tục đến trường, các cháu biết lắm nên ngoan ngoãn chịu khó học. Buổi tối lại được các chiến sĩ thay nhau kèm cặp, dạy thêm nên cháu nào cũng học khá".
Sáng hôm sau là ngày nghỉ, Đồn trưởng Ngọc lại dẫn hai em và rủ tôi ra chợ thị trấn chơi. Ở đây, "bố" Ngọc (hai em đều gọi Thượng tá Ngọc là bố) lại dẫn hai con vào hàng quần áo. Hôm đó, anh mua cho hai em áo khoác dày và cặp mới bằng tiền lương của mình. Nhìn anh cẩn thận khoác và thử từng chiếc áo cho hai em, ai cũng nghĩ họ là cha con ruột. Chị bán hàng còn khá trẻ, rất mau mắn, chất phác, thấy tôi lạ, thì đon đả: "Anh ở xuôi mới lên à?". "Vâng, tôi ở dưới Hà Nội mới lên” - tôi đáp. Chị cười, nói, nhìn hai em thử áo và tiếp chuyện: “Cứ vào ngày nghỉ, ba bố con bộ đội này lại dẫn nhau ra thị trấn. Hôm thì mua đồ cho hai đứa, buổi thì cho đi ăn quà vặt".
Sau khi mua xong, anh lại kéo tôi và hai em ra trung tâm chợ. Ở đây, vô tình tôi gặp được bố của Vàng Lý Sinh, mới 40 tuổi, nhưng nhìn anh gầy gò và già hơn tuổi rất nhiều. Gặp Thượng tá Ngọc, hai tay anh Sinh cứ nắm chặt lấy tay anh Ngọc: "Chào bố Ngọc, bố lại cho các cháu đi mua sắm ạ. Vợ chồng, gia đình em biết ơn bố Ngọc và các chú trong đồn lắm. Sức khỏe em ốm yếu thế này không biết làm gì, lấy gì để đền đáp công ơn các anh. Tết sắp đến rồi, một con gà cũng không có nổi biếu các anh ăn Tết. Gia đình chúng em biết ơn các anh Biên phòng nhiều lắm".
Đồn trưởng Ngọc vỗ về: "Ơn huệ gì, anh cố gắng về lo dưỡng bệnh khỏe mạnh cho con cái nó yên tâm học thì mới giỏi được"... "Dạ, dạ, dạ...". Những câu "dạ" của phụ huynh cháu Sinh đầy cảm động... Tôi sững người trước cuộc hội thoại rất đỗi thân tình, rất đỗi bình dị mà sao sâu lắng một tình người, tình quân dân đến vậy.
Quả thực, được đi, được tiếp xúc những mảnh đời, những em nhỏ đang ước mơ tới trường, mới thấy bàn tay nâng niu, tình cảm chân thực và những việc làm bình dị của những người lính Biên phòng đáng ghi nhận và trân trọng biết nhường nào. Ngoài việc vững tay súng bảo vệ biên cương, các anh còn luôn lưu giữ được hình ảnh một người cha thân thương trong lòng những đứa trẻ cơ nhỡ, bất hạnh.
Lê Tuấn