Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 11:41 GMT+7

Những người bố nuôi tận tụy

Biên phòng - Từ những cậu bé nhút nhát, sợ sệt, cuộc sống nghèo khó, thiệt thòi, thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn được đón về ở cùng những người lính Biên phòng, những cậu bé ấy bỗng dưng thay đổi hoàn toàn: Chăm ngoan hơn, lễ phép hơn, ý thức hơn và đặc biệt là học tập tốt hơn. Đó giống như một câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” được viết lên bởi những ông bố mang quân hàm xanh nơi biên giới Leng Su Sìn.

jd9e_14
Mỗi buổi chiều, Nọi và Sơn ra vườn tăng gia của đơn vị cùng cán bộ, chiến sĩ chăm sóc vườn rau. Ảnh: Kim Nhượng

Khi tiếng kẻng báo thức của Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Điện Biên vang lên thì cũng là lúc tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chuẩn bị ra sân tập thể dục. Đứng lọt thỏm giữa 5 hàng ngang, xuất hiện 2 cháu nhỏ vươn vai, tập thể dục với những động tác thuần thục không kém gì những người lính xung quanh. Hỏi ra mới hay đó là “Con nuôi của đồn Biên phòng”. Trung tá Đinh Công Điện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Leng Su Sìn chỉ tay về phía 2 cháu nhỏ, nói với chúng tôi: “Trông thế thôi anh, chứ mấy ngày đầu vất vả lắm, uốn nắn từng li, từng tí. Hai cháu nhỏ khi mới về đồn rất nhút nhát, ít nói, không tiếp xúc với ai, mấy ngày đầu về chỉ chực trốn rồi khóc, bỏ ăn”. Hù Chà Nọi, sinh năm 2009, dân tộc Xi La, ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải và Háng A Sơn, dân tộc Mông, ở bản Suối Vai, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình không có khả năng nuôi cũng như cho 2 cháu ăn học. Hù Chà Nọi có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất bởi em mồ côi cha từ lúc 3 tuổi, nhà lại khó khăn, phải ở với bác họ. Không phụ lòng những người cha nuôi Biên phòng, Hù Chà Nọi và Háng A Sơn đều là những “chiến sĩ nhí” cứng cáp hơn so với các bạn cùng trang lứa. 

Trung tá Đinh Công Điện còn nhớ như in ngày vào bản Nậm Sin để gặp người nhà của Hù Chà Nọi: “Thấy chúng tôi, cháu chạy ngay vào nhà, ngồi co ro trong buồng, biết chúng tôi có ý định muốn đón cháu về nuôi, cháu chạy một mạch vào rừng. Để tránh cho cháu không gặp phải điều bất trắc, chúng tôi tạm dừng lại vài hôm rồi xuống nhà sau”. Nhận được lời đề nghị của những người lính Biên phòng, bác họ của Hù Chà Nọi đồng ý, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để thuyết phục được Nọi. Bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm và yêu thương, 4 ngày sau, Hù Chà Nọi cũng chịu theo chân những người lính về đơn vị. Hù Chà Nọi bảo: “Ban đầu, mới được các chú Biên phòng đón vào đồn, cháu sợ lắm, cháu chưa ra khỏi bản bao giờ, nhưng bây giờ cháu thích ở đồn hơn”.

Đại úy Lê Văn Thao, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Leng Su Sìn là người thường xuyên đưa đón Hù Chà Nọi và Háng A Sơn đi học, tối đến lại kèm cặp 2 cháu học tập. Anh Thao cho biết: “Thời gian đầu mới về đồn, cả hai đều sợ sệt, e dè, nhưng một thời gian khi tiếp xúc, Nọi và Sơn dần thay đổi. Nắm được tâm lý con trẻ nên chúng tôi luôn gần gũi, động viên, chia sẻ để Nọi và Sơn bớt tủi thân. Nhưng chúng tôi cũng rất nghiêm túc chỉ dạy từ việc nhỏ đến việc lớn, được cái 2 cháu rất ngoan, nghiêm túc, nghe lời nên chưa vi phạm lần nào”. 

Giờ đây, cả Nọi và Sơn đã quen với môi trường quân đội. Những lúc rảnh rỗi sau giờ học, cả hai tự giặt quần áo, lo việc cá nhân, đồng thời phụ giúp các chú dọn dẹp trong đồn, tưới rau, nấu cơm. Được biết, Nọi và Sơn từng là học sinh yếu kém trong học tập, giờ đã vươn lên đứng đầu lớp, được xếp loại học sinh tiến tiến. Cô giáo Lê Thị Toan, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Leng Su Sìn cho biết: Nói tới Nọi và Sơn, chúng tôi không khỏi bất ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn mà 2 em đã có sự tiến bộ rõ nét về học tập. Hù Chà Nọi bây giờ trở thành học sinh tiên tiến, cố gắng sẽ được học sinh giỏi, còn Háng A Sơn cũng vậy, học giỏi, viết chữ lại đẹp. Nhiều lúc, các cán bộ Biên phòng xuống trường đón 2 em khi tan học, ghé vào Ban Giám hiệu nhà trường, chúng tôi vẫn thường trêu là các anh có “bí quyết đặc biệt” gì mà lại có thể làm được như vậy?

Chiều muộn, những người lính Đồn Biên phòng Leng Su Sìn lại tất bật xuống khu tăng gia, Hù Chà Nọi và Háng A Sơn cũng theo chân các chú, các anh cuốc đất, tưới rau như bao người lính. Nhìn những hình ảnh ấn tượng ấy, chúng tôi không khỏi vui mừng và thầm cảm ơn những người lính ở nơi được mệnh danh “Cuối trời Tây Bắc” này. Chúng tôi mong ước một ngày không xa, Nọi và Sơn sẽ trở thành những người lính Biên phòng, tiếp tục viết tiếp truyền thống của những người “cha nuôi” của mình để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO