Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 07/09/2024 10:12 GMT+7

Những ngư dân anh hùng

Biên phòng - Khi màn đêm buông xuống, các ngư dân liên kết và tập trung thành một đoàn tàu để hỗ trợ và bảo vệ nhau. Còn đoàn tàu "ma quái" của Trung Quốc vẫn rình mò bên cạnh để thỉnh thoảng bất ngờ đột kích lao vào đoàn tàu ngư dân ta đang thả câu kéo cá.

Bài 1: Tiến vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981

Bài 2: Né đột kích giữa đêm khuya

Tàu Trung Quốc đột kích


Màn đêm buông xuống quần đảo Hoàng Sa, lão ngư dân Phạm Lượng ngồi nhìn về phía đoàn tàu đang nhấp nhô trên sóng. Ngày nào cũng vậy, bất chấp nguy hiểm, đoàn tàu ngư dân Quảng Ngãi vẫn vào hướng khu vực giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa để đánh cá.

Sau một ngày mệt nhoài, một số ngư dân lăn ra ngủ, số còn lại kéo ra mạn tàu để câu cá trong lúc những chiếc tàu Trung Quốc dàn hàng ngang ẩn hiện phía đằng xa. Những chiếc tàu này có thể đột kích bất ngờ, nhất là khi thấy ngư dân tổ chức đánh lưới. Khó khăn như vậy nên phần lớn các tàu chỉ làm nghề câu. 

yml9_10b-1.jpg
Ngư dân Bùi Văn Dự chèo thúng đến tặng cá cho tàu Kiểm ngư.

Ánh trăng muộn chếch trên nền trời soi bóng đoàn tàu Trung Quốc đang dàn hàng ngang cách đó 1 hải lý. Còn 2 tàu Hải cảnh của Trung Quốc thì thậm thụt suốt đêm và liên tục chạy vòng quanh 20 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang co cụm. Cứ vài phút, tàu Trung Quốc lại bật đèn pha sáng rực quét về hướng đoàn tàu Việt Nam soi rõ từng bảng số.

Trong ánh đèn pha, cả đoàn tàu nổi lên như một rừng cờ. Ngày thường đi biển, mỗi tàu chỉ cắm 1-2 lá cờ đỏ sao vàng. Còn trong những ngày này, các ngư dân thể hiện tinh thần yêu nước và kiên quyết giữ biển, mỗi tàu cắm 4-6 lá cờ đỏ sao vàng. Thông điệp hòa bình được các ngư dân thể hiện bằng cách mỗi tàu cắm thêm 2 lá cờ màu xanh in dòng chữ "Việt Nam hòa bình".

Gần 1 giờ, ngày 3-6, các ngư dân đang say sưa với những lưỡi câu nặng trĩu khi cá lớn liên tục dính câu, bỗng máy Icom phát ra thông tin gấp gáp: "Tàu Trung Quốc đột kích, tàu Trung Quốc đột kích!". Mọi người trên tàu bật dậy và căng mắt quan sát. Thì ra, một chiếc tàu cá Trung Quốc tắt đèn như kẻ ăn trộm, lén lút xông vào đoàn tàu của ngư dân Việt Nam.

Trong bóng đêm, phải tinh mắt mới nhìn thấy con tàu này đang tiến chậm để thực hiện hành vi đánh lén. Nhưng nó không ngờ, các ngư dân đã quan sát phát hiện sớm. Vậy là tàu kéo ga và chớp đèn để sẵn sàng cơ động. Tàu Trung Quốc thấy bị phát giác nên bật ngọn đèn lớn trên nóc ca-bin và dừng lại gầm gừ vài phút. Hành vi của kẻ trộm đã bị lộ mặt nên con tàu Trung Quốc vội vã tháo lui. Các ngư dân cười lớn và tiếp tục quăng lưỡi để câu cá. Cá nổi trên mặt nước tạo thành những vệt sáng lấp lóa. Mỗi khi câu được một con cá mú, các ngư dân lại sướng rơn vì đây là hàng hiếm, con cá to có giá hàng triệu đồng.

Có đêm, tàu QNg 90396TS của Nguyễn Sinh Bảnh đang thả trôi tự do, bỗng nhiên, một chiếc tàu cá Trung Quốc lén lút xuất hiện sát bên. Ông Bảnh gọi các ngư dân bật dậy và kéo dù, đề phòng tàu Trung Quốc lợi dụng bóng đêm để tấn công. Chiếc dù thả dưới nước được kéo lên vội vã đã vướng vào tàu của Trung Quốc rách toạc một lỗ lớn. Con tàu Trung Quốc lù lù xuất hiện nhưng bị phát hiện nên chuyển hướng lui ra.

Cha con kiểm ngư

Tình thế đã trở nên thay đổi, khi tàu Kiểm ngư 765 của Việt Nam xuất hiện bảo vệ đoàn tàu ngư dân đánh cá. Kể chuyện tàu Kiểm ngư, ngư dân Bùi Văn Dự (SN 1970) ở thôn Định Tân, xã Bình Châu rạng rỡ nét mặt: "Anh em mừng hết chỗ nói khi có tàu Kiểm ngư đến bảo vệ. Lúc 16 giờ, ngày 8-6, tàu Kiểm ngư tới hỗ trợ. Tôi lấy thúng bơi ngay qua tàu và cầm theo một xâu cá để làm quà, tàu Kiểm ngư đưa qua thúng chúng tôi 2 thùng mì tôm. Anh em các tàu khác hoan hô Kiểm ngư tới giúp bà con".

Vào những ngày giữa tháng 6 dương lịch, vùng biển Hoàng Sa xuất hiện gió Đông Bắc. Gió thổi ầm ầm vào buổi chiều hôm rồi lại lặng dần đi, khi màn đêm buông xuống. Ngồi ngoài sàn tàu, ngư dân Nguyễn Tuấn mở radio nghe tình hình thời sự trong đất liền. Ông Tuấn, SN 1965, quê ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, bao nhiêu năm đi biển, đêm nào ông cũng duy trì thói quen theo dõi sát sao tình hình thời sự, chính trị qua làn sóng điện.

Sau khi nghe tình hình thời sự trong nước, ông Tuấn chuyển sang kênh Đài Phát thanh tiếng nói Trung Quốc "để nghe họ nói gì về Việt Nam mình". Phát thanh viên Ngọc Ánh nói giọng ngọt xớt, nhưng đặc sệt mùi vị hăm dọa. Ngọc Ánh nói: "Theo các nhà chức trách Trung Quốc, phía Việt Nam liên tục cho tàu ra Hoàng Sa quấy rối giàn khoan Hải Dương 981. Nếu Việt Nam không dừng lại thì Trung Quốc sẽ không để Việt Nam yên ổn". Các ngư dân bật dậy và nói: "Trung Quốc tham lam, cứ dọa dẫm người dân Việt Nam".

Tắt radio, ông Tuấn nhìn ra chiếc tàu Kiểm ngư Việt Nam đang quét đèn và vòng bên trái đội tàu ngư dân Việt Nam. Cách đó không xa là tàu Hải cảnh Trung Quốc cũng đang lò dò bám theo đội hình. Ông Tuấn tâm sự: "Anh em Kiểm ngư ai cũng trẻ tuổi. Thấy anh em nhiệt tình với bà con nên ai cũng thương như con em ruột thịt".

Nhận xét của ông Tuấn cũng là điều mà các ngư dân chia sẻ. Hàng đêm, khi ngư dân hò nhau câu cá trên boong, chiếc tàu Kiểm ngư chạy quanh đoàn tàu cả đêm để bảo vệ cho ngư dân. Sáng ra, các ngư dân hớn hở buộc chùm cá ngừ, cá bạc mòn, mực và chèo thúng cập vào trao cho anh em đi trên tàu Kiểm ngư.

Những ngày đầu tiên, khi tàu ngư dân tiến vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để đánh cá thì đã bị cả đoàn tàu thép "ma quái" của Trung Quốc lao vào cản, ép, đâm, đuổi điên cuồng. 2 chiếc tàu Hải cảnh Trung Quốc có trang bị súng chạy song song 2 bên rồi rút ra cho tàu cá Trung Quốc ầm ầm lao tới.

Nhưng từ khi tàu Kiểm ngư 765 của Việt Nam xuất hiện, 2 chiếc tàu Hải cảnh đã chuyển hẳn sang kẹp sát tàu Kiểm ngư Việt Nam. Hằng ngày, đoàn tàu cá của ta tiếp tục tiến vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981 để đánh cá, tàu Kiểm ngư 765 thường đi bên trái đội hình. Có hôm đội hình đang tiến vào thì tàu Hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi tàu Kiểm ngư. Vậy là cả đoàn tàu phải dừng hành trình để tàu Kiểm ngư vòng sang mạn trái, băng qua những con tàu của ngư dân đang phấp phới cờ đỏ sao vàng.

aj6f_10a-1.jpg
Ngư dân Phạm Lượng kể lại câu chuyện Hoàng Sa 30 năm.
Chuyện trong đêm Hoàng Sa

Đêm yên tĩnh, nhưng thỉnh thoảng lại vang lên tiếng cười và lời tâm sự của ngư dân các tàu kế bên. Tàu ngư dân ở Mỹ Á, huyện Đức Phổ và Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa điện đàm trao đổi về việc hồi sáng tàu Trung Quốc áp sát, ném vỏ chai bia ầm ầm, khiến mảnh vỡ văng tung tóe khắp nơi. Các ngư dân bình luận rằng, tàu Trung Quốc đi biển mà mang theo đá, vỏ chai để ném thì chỉ là hạng côn đồ chứ không thể là ngư dân đi làm ăn chân chính.

Sửa lại chiếc dây câu, ngư dân Bùi Văn Dự (SN 1970) tiếp tục quăng lưỡi xuống nước. Trong ánh đèn sáng tỏ, những con cá liên tục bơi lượn và áp sát bên mạn tàu. Nhìn xuống mặt biển, ngư dân Dự nói với bạn thuyền: "Không biết tối mai trong bờ, bà xã có thấy tôi trên tivi không?".

Lúc chiều, tàu Cảnh sát Biển chở một đoàn nhà báo tiến vào khu vực đoàn tàu ngư dân đang neo đậu để đi đánh bắt. Biển chiều khá êm ả, cả đoàn tàu chạy vài vòng cho các phóng viên quay phim, chụp ảnh. Một phóng viên ái ngại nhìn bàn tay trái của ngư dân Dự chỉ còn một ngón và đề nghị được chụp tấm ảnh bàn tay cầm xâu cá giơ ra với nụ cười cởi mở.

Giữa vùng biển Hoàng Sa yên tĩnh, ngư dân Bùi Văn Dự kể về cuộc đời làm biển "lên hương" rồi lại trắng tay của mình. Năm 1991, anh vượt biển ra nước ngoài mang theo mộng đổi đời. 2 năm ăn nằm ở trại tỵ nạn Hồng Công, anh trở về Việt Nam. Từ năm 1991 đến 2002, vật lộn với nghề biển và kiếm được một ít tiền, anh Dự liên kết với người bạn, vay mượn người thân, mượn thêm chủ nậu và trở thành ông chủ con tàu QNg 90369 TS.

Đi được chuyến biển thứ 2 thì tàu bị nổ bình gas khiến anh mất gần một bàn tay. Anh được bạn thuyền khẩn cấp đưa vào Phan Thiết cấp cứu. Con tàu lại được các ngư dân điều khiển quay ngược ra Trường Sa đánh cá để thu lại phí tổn, nhưng cuối cùng chạy lạc qua vùng biển chồng lấn của Ma-lai-xi-a. Con tàu vừa hạ thủy và đi chuyến biển thứ 2 thì bị tịch thu.

Còn ngư dân Phạm Lượng (57 tuổi) thì lắc đầu khi kể về những chiếc tàu của ngư dân Trung Quốc hằng ngày húc ầm ầm vào tàu gỗ nhỏ bé của ngư dân Quảng Ngãi và ném đá sang tàu như đám côn đồ.
Bài 3: Giây phút nghẹt thở
Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO