Biên phòng - Hơn 2 tháng qua kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta, những con tàu của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn hiên ngang tiến vào khu vực giàn khoan đánh bắt hải sản để mưu sinh và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Những con tàu gỗ nhỏ phải đối đầu với đoàn tàu sắt to lớn và ma quái. Đó là cuộc vật lộn không cân sức, là câu chuyện về tinh thần quả cảm của những người con Việt Nam với quyết tâm bám biển và buộc Trung Quốc phải ra khỏi vùng biển của nước ta...
Tiến vào khu vực giàn khoan
Sau vụ tàu cá ĐNa 90152 TS của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc 11209 đâm chìm tại quần đảo Hoàng Sa vào ngày 26-5-2014, không khí tại các làng chài ở Quảng Ngãi càng sôi sục. Các ngư dân đều đồng loạt sẵn sàng ra khơi để đánh bắt hải sản, đồng thời bám biển để khẳng định chủ quyền.
Đầu tháng 6, những con tàu từ làng chài Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xuất bến hướng về quần đảo Hoàng Sa. Điều khác biệt trên con tàu, đó là bà con ngư dân treo khẩu hiệu: "Biển là nhà; Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; ngư dân Quảng Ngãi cương quyết bám biển".
Bà Nguyễn Thị Tùng, mẹ ngư dân Trần Văn Tuận (20 tuổi), ở thôn Định Tân, xã Bình Châu kể lại: "Chiều hôm trước, Tuận về nhà nằm sốt li bì, nhưng vẫn nói con ráng giữ sức ngày mai ra ngư trường để đánh cá, giữ biển. Con ra đó đấu tranh với Trung Quốc, không sợ chết đâu má ơi!". Mờ sáng, ngư dân trẻ Trần Văn Tuận đã thức dậy và ôm túi quần áo lao lên tàu QNg 90396 TS của Nguyễn Sinh Bảnh, nhổ neo. Ngư dân đoàn kết và tổ chức đi thành tổ đội để sẵn sàng hỗ trợ, bảo vệ nhau.
![]() |
Đoàn tàu ngư dân Quảng Ngãi treo khẩu hiệu tuyên truyền bằng chữ Trung Quốc, tiến vào đánh cá tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép. |
Đoàn tàu mải miết rẽ sóng lao về phía Hoàng Sa, trong đó phần lớn là tàu làng chài thôn Định Tân, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), đó là các tàu: QNg 90116 TS của Nguyễn Ảnh, QNg 95693 TS của Trần Văn Trung, QNg 90143 TS của Đỗ Văn Nho, QNg 95192 TS của Trần Quận, QNg 90396 TS của Nguyễn Sinh Bảnh. Các ngư dân trên tàu luôn nói với nhau về việc Trung Quốc sẽ có hành động gì khi thấy đoàn tàu mang biển số QNg. Ông Nguyễn Tuấn, một ngư dân lớn tuổi gạt phắt đi: "Coi thử nó dám làm gì, Hoàng Sa là của Việt Nam mình, anh em cứ ra thẳng đó, đánh cá gần chỗ giàn khoan".
Nửa đêm, ánh trăng non mới nhú ra từ phía đường chân trời. Khi đoàn tàu cắt qua 111 độ vĩ Bắc thì gặp đoàn tàu Đà Nẵng và Quảng Nam đang neo đậu và bật đèn sáng một vùng biển. Tiếng ngư dân í ới gọi nhau trên máy Icom cùng với câu chuyện của những người bám biển: "Chào anh em Quảng Ngãi, qua tàu lấy cá về ăn; cứ tiến vào khu vực giàn khoan đánh cá... một ngày nó đuổi 4 lần cũng mặc kệ...". Sau những giây phút giao lưu ngắn ngủi trên biển, đoàn tàu Quảng Ngãi tiếp tục hành trình hướng về phía ngư trường quen thuộc, nơi giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép để đánh bắt cá.
Thuyền trưởng Nguyễn Sinh Bảnh chia sẻ: "Bình thường đi biển gặp nhau phất tay chào là xong, nhưng trong những ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển nước ta thì anh em ngư dân gặp nhau ngoài biển là thấy tình thương, đoàn kết, gắn bó. Bởi vì, mình phải như bó đũa thì mới thêm sức mạnh để đấu tranh với Trung Quốc, buộc họ phải rút khỏi vùng biển của Việt Nam".
Trên biển, tọa độ 110 và 111 độ vĩ Bắc được các ngư dân gọi là biên 110, biên 111. Khi đuổi ngư dân, tàu Trung Quốc hay dừng lại ở biên 110, 111. Nếu ngư dân lui vào phía trong tọa độ này thì bình yên, khi tiến qua biên 111 thì đoàn tàu ma quái của Trung Quốc bắt đầu ập đến.
Tấm lòng người dân biển
Bình minh một ngày mới rực hồng phía đường chân trời. Nhưng ánh bình minh trong trẻo ở Hoàng Sa đã bị vẩn đục và u ám. Từ trên tàu nhìn về phía trước, các ngư dân thốt lên khi nhìn thấy 40 tàu cá giả dạng của Trung Quốc đang dàn thành một hàng ngang. Một ngư dân đi trên tàu cá QNg 92186 TS của Trần Cọ (ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa) nói: "Anh em ra coi, tàu Trung Quốc đông như ruồi... Nó dàn hàng ngang đón anh em mình, nếu muốn vô lọt thì phải chạy theo nhiều hướng để kéo giãn nó ra". Mọi người quên đi cái đẹp sóng sánh trên mặt biển ban mai, tất cả nhẩm đếm và ước lượng những con tàu Trung Quốc to gấp mấy lần tàu gỗ của ngư dân Việt Nam.
Đội hình tàu Trung Quốc xuất hiện từ phía xa, gồm các loại tàu như: Tàu giã cào có giàn kéo hình chữ V sau đuôi tàu, tàu cá màu đỏ, tàu chụp mực màu xanh có một chiếc giàn khổng lồ úp trên đầu. Những chiếc tàu này to và dài từ 50 - 120m, trong khi tàu ngư dân ta dài nhất là 18m. Nếu so với tàu Trung Quốc thì đó là một sự chênh lệch quá lớn. Nhưng sự chênh lệch này càng cho thấy tấm lòng người dân làng chài đối với chủ quyền biển đảo của đất nước. Khi biển đảo bị xâm lấn, những ngư dân lại trở nên gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với những con tàu vỏ sắt to lớn của Trung Quốc.
Bữa cơm sáng trên mỗi tàu ngư dân được thực hiện nhanh chóng. Cảm giác nôn nao khiến mọi người ăn sáng thật nhanh. Trên tàu QNg 90143 TS của Đỗ Văn Nho, những chiếc phao tròn ném la liệt khắp ca bin và sàn trước. Dù tiến vào vùng biển nóng để đánh cá, nhưng các ngư dân đều chuẩn bị tư thế sẵn sàng, chấp nhận mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ông Nho là ngư dân đã nhiều năm đánh bắt ở Hoàng Sa, không hề lo lắng, khoát tay: "Cứ vô, xông vô, biển của mình mà nó nghênh ngang như vậy thì ai mà không tức". Câu nói của ông Nho cũng là mệnh lệnh cho 3 người con trai cùng đi trên tàu hỗ trợ cha cho con tàu tiến về phía trước.
7 giờ sáng, ngày 2-6, cả đoàn tàu nổ máy, tăng ga tiến thẳng về hướng giàn khoan để đánh cá. Sóng biển mù mịt sau đuôi tàu, khói xịt đen đặc. Trung Quốc cho tàu dàn thành đội hình, lúc thì chữ I, lúc hình chữ C để vây, bọc, chặn tàu ngư dân Việt Nam. Trên tàu cá QNg 95693 TS, Thuyền trưởng Trần Trung kéo ga cho tàu rướn lên tốp đầu. Anh Trung ra biển Hoàng Sa đánh cá, nhưng cũng không quên lời dặn của người cha là ông Trần Xề: "Lính Trung Quốc từng thu giữ của ba 400 tấm lưới, ba phải làm mấy năm trời mới kiếm lại được lưới để đi làm. Bây giờ mà nó chiếm biển nữa thì mình không còn gì, nên con cứ ra đó, không sợ gì hết". 75 tuổi, nhưng ông Xề nằng nặc đòi đi theo, con cái khuyên nhủ mãi, ông mới chịu ngồi ở nhà.
Đoàn tàu rời làng chài Định Tân tiến ra Hoàng Sa. Ông Xề hằng ngày điện đàm ra biển động viên con và nói với các ngư dân với tầm nhìn của một "tư lệnh" biển cả: "Nó vây mình mấy chục chiếc hả? Ở mạn khác thì nó vây tàu Kiểm ngư và tàu Cảnh sát Biển! Nó tập trung tàu ra Tri Tôn thì mấy chỗ khác bỏ trống, bà con cứ tới đó đánh cá chứ không nó giành mất biển".
Dù bị ngăn cản, nhưng tàu ngư dân không dừng lại mà cứ len lỏi tiến theo hình dích dắc để tránh tàu cá Trung Quốc đang dàn đội hình ngăn cản. Khi thấy không đe dọa được tàu ngư dân Việt Nam, 2 chiếc tàu Hải cảnh Trung Quốc bắt đầu chạy kẹp 2 bên đội hình tàu ngư dân và bắn súng phun nước. Chiếc tàu Hải cảnh 46002 tỏ vẻ hung hãn khi áp vào sát tàu của ngư dân cửa biển Mỹ Á và phụt vòi rồng xối xả.
Hung thần đâm húc
Mặt biển sôi sùng sục khi đoàn tàu sắt của Trung Quốc xuyên thẳng vào giữa đoàn tàu ngư dân Việt Nam, đó là những con tàu mang biển số: 16852, 16851, 11209, 11210, 16826. Những ngày đầu tháng 6, Trung Quốc giữ nguyên đội hình tàu đâm húc, đến cuối tháng, đoàn tàu này được tăng cường các loại tàu giã cào màu xanh. Trong số này, tàu 11209 chính là tàu đã từng đâm chìm tàu của ngư dân Đà Nẵng. Ngư dân Trần Trung nhận xét: "Hung dữ nhất là những tàu có lồng chụp mực trên đầu. Những con tàu này đâm xối xả vào tàu ngư dân ta như muốn đè bẹp tất cả mọi người".
![]() |
Những con tàu Trung Quốc lởn vởn suốt ngày đêm để ngăn cản ngư dân Việt Nam. Ảnh: Văn Chương |
Tàu ngư dân Quảng Ngãi liên tục di chuyển, luồn qua đoàn tàu Trung Quốc để tiến vào khu vực giàn khoan đánh bắt cá, vừa thể hiện tinh thần giữ biển. Tàu Trung Quốc thường có tải trọng từ 500 tấn đến 1.000 tấn, trong khi những con tàu của ngư dân Quảng Ngãi chỉ có tải trọng 60 tấn. Khi tàu Việt Nam tiến vào khu vực giàn khoan, lẫn trong tiếng máy là tiếng các ngư dân thông báo trên điện đàm: "Coi chừng thằng tàu xanh... nó húc bên mạn trái... anh em mặc áo phao sẵn... nó phun nước rồi anh em ơi! Đóng cửa, nó ném đá!".
Ngư dân Nguyễn Duy Khánh cho biết: "Những âm thanh đó ầm ào, hỗn loạn và trở thành ký ức khó quên trong cuộc đời của những ngư dân bám biển chúng tôi". Mỗi khi tàu Trung Quốc như con thú dữ chủ động tấn công, anh Khánh lại ôm chặt thành ca-bin và dùng chiếc điện thoại di động để ghi lại hình ảnh mang về làng chài cho mọi người xem.
Cha anh là ông Đỗ Đức Mậu, thương binh hạng 4/4. Thời trẻ, ông không đầu hàng thương tật, vẫn gắng sức bám biển để nuôi bầy con. Ngày anh Khánh đến thăm cha để cùng ngư dân tiến ra Hoàng Sa, cựu chiến binh Đỗ Đức Mậu chỉ tay ra đảo Hoàng Sa căn dặn con: "Mình không bao giờ thua Trung Quốc. Phải đuổi nó ra khỏi vùng biển của mình. Mình mà lùi là mất biển, mất đảo, con cháu sau này hết ngư trường để làm ăn".
Trong những ngày đầu tháng 6, biển bắt đầu xuất hiện gió Nam vào buổi sáng. Mặt biển không còn phẳng lặng như những ngày trước đó. Những đợt sóng nhấp nhô ập vào thân tàu bé nhỏ. Bữa cơm dọn ra trên sàn ca-bin, anh em vừa ăn cơm, vừa ghìm giữ bát đũa thi nhau chạy vì tàu lắc mạnh.
Hằng ngày, tàu ngư dân ta vẫn tiến vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép để đánh cá. Có hôm vào cách gần 20 hải lý thì tàu Trung Quốc đã hung hăng xông đến muốn nhấn chìm tàu ngư dân ta. Khi vào càng vào sâu thì càng bị tàu Trung Quốc đuổi theo áp đảo. Để đảm bảo an toàn, các ngư dân lại cho tàu quay ngược ra và thả dù. Đây là vùng biển có độ sâu 1.000 mét, tàu không thể buông neo, chỉ có thể bung dù trước mũi cho tàu trôi tự do với tốc độ chậm. Những con tàu Trung Quốc cũng bung dù và trôi sát bên tàu của ngư dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn ra sàn thuyền nhìn lên thấy những khuôn mặt trên tàu Trung Quốc đang lấm lét nhìn sang. Ở khoảng cách sát bên, ông Tuấn ra hiệu và nói: "Chúng tôi đi đánh cá trong vùng biển của chúng tôi, sao mấy anh chặn đường hoài vậy? Mấy anh cũng đi đánh cá, nhưng tôi không thấy mấy anh đánh lưới mà chỉ kè theo chúng tôi rồi thả trôi nghĩa là sao. Trung Quốc ơi, đi đánh cá hay đi ép người mà kèm miết vậy?".
Đáp lời của ông Tuấn là những khuôn mặt thụt vào trong ô cửa sổ, là khối thép sơn màu xanh lạnh tanh, gầm gừ tiếng máy.
Bài 2: Né đột kích giữa đêm khuya