Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 11:36 GMT+7

Những nghệ sĩ tuồng "dũng cảm"

Biên phòng - Làng cổ Phú Mẫn ướt mềm sau mấy tuần mưa lạnh, đến gạch đá cũng ngậm nước, xanh rêu. Trong màn mưa bụi giăng giăng, bỗng đâu vẳng đưa tiếng chiêng, trống, chũm chọe phụ họa những điệu tuồng, nghe như tiếng thổn thức của các nghệ nhân già. Lần theo âm thanh rộn ràng đó, tôi đến với những người "nghệ sĩ cấp làng"...

xsrv_21a-1.jpg
Hình ảnh trong một vở tuồng cổ do các nghệ sĩ tuồng làng Phú Mẫn biểu diễn.

Cách đây mấy năm, khi còn là một sinh viên Học viện Báo chí-Tuyên truyền, tôi đã có dịp theo chúng bạn đến Phú Mẫn (thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh) chứng kiến nghệ nhân Lê Tài Hỷ (SN 1936), nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng cổ Phú Mẫn với vai trò cố vấn cho các "diễn viên nông dân" ở đây diễn vở tuồng "Triệu Tử Long phò A Đẩu". Ngay từ thời đó, tôi đã có cảm nhận rằng, ông Hỷ có lẽ sinh ra, lớn lên, hít thở trong không gian tuồng cổ nên nguyện sống chết với nó và đem tài năng thiên bẩm của mình làm nhịp cầu thời gian, góp phần mang những khoảnh khắc quá khứ về với hiện tại.

Trò chuyện với nghệ nhân Lê Tài Hỷ, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng, không chỉ với ông mà tuồng đã trở thành cái nghiệp chung của cả làng Phú Mẫn. Cái nghiệp lâu dài ấy lại bắt đầu từ một huyền tích đã truyền đời ở Phú Mẫn từ khi nào không rõ. Chuyện rằng, xưa có hai vị hoàng tử con vua mê mẩn với các tiết mục văn nghệ của gánh hát rong nên bỏ hoàng cung theo đi khắp chốn.

Mặc dù nhà vua đã lệnh cho quan quân đi tìm, triệu về cung, nhưng họ đều lẩn tránh. Nhà vua vì tức giận đã tuyên bố từ cả hai hoàng tử và theo lệ khắc nghiệt xưa, khi họ bỏ đi sẽ không còn đường lui về hoàng cung. Khi còn làm ăn khấm khá, gánh hát không tiếc tiền nuôi niềm đam mê của hai hoàng tử. Nhưng đến khi gánh hát hết thời giải thể, mỗi người lang bạt một nơi thì hai hoàng tử cũng bơ vơ, rồi chết trong đói khát. Tuy nhiên, sau khi họ qua đời, gánh hát bỗng dưng phục dựng lại nghề, làm ăn phát đạt. Từ đó, gánh hát lập ban thờ hai vị hoàng tử mê tuồng và tôn làm ông tổ của nghề.

Giải thích thêm với tôi về chuyện này, nghệ nhân Lê Tài Hỷ bảo: "Chuyện xưa là thế, chứ phải yêu nghề, có tài năng mới theo nổi nghề ông cha, không ép được đâu. Và để giữ lấy nghề truyền thống trong xã hội hiện đại này còn phải dũng cảm nữa!". Theo ông Hỷ, xưa, tuy không dựng rạp lập gánh hát, nhưng các "nghệ sĩ cấp làng" ở Phú Mẫn vẫn như những "đạo sĩ tuồng" thời danh có duyên nợ với tuồng cổ đến bạc đầu.

Những mẩu chuyện tình cờ nghe được từ họ trong thời thơ ấu luôn ám ảnh ông. Hầu hết là những chuyện thuộc về quá khứ và liên quan đến cái dũng của người nghệ sĩ dân gian trong cuộc sống cơm áo gạo tiền khắc nghiệt. Và chẳng biết từ lúc nào, những câu chuyện nhuốm màu phong trần nghệ sĩ cùng với các điệu tuồng đã ngấm vào máu ông, để rồi với năng khiếu sẵn có và niềm đam mê đặc biệt dành cho những vở diễn tuồng, ông đã trở thành thành viên chính thức trong câu lạc bộ tuồng cổ của vùng quê vốn nổi danh với những câu quan họ của các liền anh, liền chị.

Tâm sự với chúng tôi, nghệ nhân Lê Tài Hỷ bảo, ở Phú Mẫn, hàng ngày, có rất nhiều người chăm chỉ cày cuốc trên ruộng đồng, thế nhưng tối đến, họ "rũ bùn" trở thành những diễn viên tuồng thực thụ. Mạch nguồn đam mê đó cứ dần dần thấm sâu vào máu người dân cả làng, như duyên phận trời định không tài nào dứt ra được. Rời ruộng đồng bước lên sàn diễn, các diễn viên đội tuồng Phú Mẫn gác lại những lo toan đời thường để sống với vai diễn.

Tại hầu hết các hội diễn sân khấu không chuyên, đội tuồng làng Phú Mẫn luôn để lại dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng yêu mến bộ môn nghệ thuật vừa bác học, vừa dân gian này. Số lượng vở tuồng mà đội tuồng làng Phú Mẫn dàn dựng tính đến nay không đếm hết được, điển hình nhất là các vở tuồng cổ như  "Triệu Tử Long phò A Đẩu", "Ngũ Vân Thiệu", "Đề Thám", "An Tư công chúa", "Sơn Hậu", "Ngọn lửa Hồng Sơn", "Chiêu Quân cống Hồ", "Trưng nữ vương"… Hàng chục bằng khen, giấy khen, huy chương các loại được tặng thưởng cho cá nhân và tập thể qua các lần hội diễn nghệ thuật quần chúng đã trở thành tài sản lớn nhất của cả làng.

i0yv_21b-1.jpg
Người dân Phú Mẫn cùng nhau chăm sóc nhà truyền thống của đội tuồng làng.
 
Cũng theo ông Hỷ, thời kỳ phát triển thịnh nhất của "làng tuồng" Phú Mẫn phải kể đến những năm 1959-1960. Khí đó, đội tuồng của làng thu hút hơn 60 diễn viên, nhạc công, từng đi biểu diễn khắp các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang… trong các cửa đình, lễ hội và phục vụ du khách thập phương. Nhiều gia đình có từ 4 đến 5 thế hệ làm diễn viên tuồng, trong đó có nhiều người trở thành những diễn viên chuyên nghiệp.

Cũng vì lúc đó, người dân còn say mê với loại hình nghệ thuật truyền thống này, mỗi buổi tối đi diễn, đội tuồng của làng Phú Mẫn mỗi người một việc, gồng gánh trang phục, nhạc cụ đi hàng chục cây số biểu diễn khắp nơi, ai nấy đều hừng hực khí thế, chỉ cần nghe những lời tán thưởng của khán giả là quên hết mệt mỏi.

Thế nhưng, khát vọng truyền nghề đội tuồng của làng Phú Mẫn nay chỉ còn lại 25 diễn viên, nhạc công thường xuyên sinh hoạt, trong đó, có những thành viên cả ba thế hệ cha con đều gắn bó với đội tuồng. Tất cả đều đang gắng sức lưu truyền bộ môn nghệ thuật đã và vẫn đang bị mai một theo thời gian. Hầu hết trong số này đều đã ở tuổi "ngũ thập" trở lên, họ luôn e ngại thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghệ thuật tuồng như lớp cha anh.

Sau cuộc đàm đạo với nghệ nhân Lê Tài Hỷ, tôi đội mưa đi thăm một số "nghệ sĩ cấp làng" ở Phú Mẫn. Gặp ai, cũng vẫn chỉ một chủ đề: Yêu nghề. Nghe họ nói làu làu tuồng tích, tôi không thể hình dung rằng hầu hết trong số họ không biết đến một chữ Hán, chữ Nôm. Cũng dễ hiểu, những nghệ sĩ dân gian này đều học tuồng theo lối truyền khẩu…

Điều đáng mừng là nhằm giúp thế hệ trẻ thấy được giá trị một bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này, các thành viên trong đội tuồng làng Phú Mẫn đã quyết tâm duy trì đều đặn hoạt động. Ông Nguyễn Văn Tính, phụ trách nghệ thuật của đội tuồng Phú Mẫn tâm sự rằng, để duy trì hoạt động, ngoài kinh phí hạn hẹp của người dân trong làng đóng góp, bản thân các thành viên trong đội thường phải móc hầu bao trang trải để mua sắm sửa đạo cụ, phông màn.

Các ngành chức năng địa phương, trong chừng mực có thể cũng luôn dành sự ưu ái hỗ trợ cả về mặt tài chính lẫn nghệ thuật, thắp thêm ngọn lửa đam mê tuồng cho các nghệ sĩ nông dân góp phần "làm mới" sức sống cho tương lai nghệ thuật tuồng. Những gắng gỏi đó đã giúp cho tuồng Phú Mẫn "đơm hoa kết trái", mà thành quả mới đây nhất là trong Liên hoan đàn, hát dân ca tỉnh Bắc Ninh lần thứ III-2014, đội tuồng Phú Mẫn đã nhận được 3 giải vàng.

Có một điều đặc biệt là vừa qua, chính quyền xã, thôn đã bàn giao nhà truyền thống cho đội tuồng để lưu giữ lịch sử phát triển của mình, đồng thời lấy đó làm nơi sinh hoạt chung của các thành viên trong đoàn. "Ngày nay, ngay cả các nhà hát nghệ thuật truyền thống "vắng như chùa bà Đanh", lương diễn viên không đủ sống, vậy mà những "nghệ sĩ cấp làng" ở Phú Mẫn không bỏ cuộc chơi nửa chừng là điều rất đáng quý!" - Nghe một đồng nghiệp đi cùng chia sẻ như vậy, tôi thầm nghĩ, có lẽ, với họ, được diễn đã là hạnh phúc lắm rồi. Và như thế, họ đã là những người dũng cảm!
Phạm Lê Thu

Bình luận

ZALO