Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 01:27 GMT+7

Những “nghệ sĩ sao xanh” trên biên giới Quảng Bình

Biên phòng - Những ngày này, trên sàn tập, cán bộ, chiến sĩ Đội Tuyên truyền văn hóa (TTVH) BĐBP Quảng Bình đang miệt mài hăng say luyện tập chương trình để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn dài ngày phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc trên 2 tuyến biên giới nhân dịp chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021) và hướng tới kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, của tỉnh Quảng Bình trong tháng 4 và tháng 5, đặc biệt là tuyên truyền về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đội TTVH Quảng Bình hăng say luyện tập chương trình để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên biên giới. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Trước yêu cầu của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình và để phù hợp với nhu cầu của người dân ở những địa bàn đến biểu diễn, chương trình phải có thời lượng ít nhất là 120 phút và đầy đủ các loại hình như đơn ca, song ca, tốp ca, múa và kịch tuyên truyền..., song phải là những tiết mục mới nên việc xây dựng chương trình và tổ chức tập luyện gặp không ít khó khăn. Mặt khác, theo biên chế mới, số anh chị em trong đội trước đây đều biên chế về các đơn vị chiến đấu và phòng, ban, vì thế, không còn được hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực văn nghệ, nhất là việc luyện thanh, luyện múa.

Không để những khó khăn làm giảm chất lượng nghệ thuật của các chương trình biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn biên giới, tập thể cán bộ, nhân viên Đội TTVH BĐBP Quảng Bình đã tích cực tìm tòi, sáng tạo, phát huy tối đa trí tuệ của mọi người để xây dựng những chương trình mang tính nghệ thuật cao nhưng ít tốn kém về kinh phí.

Trao đổi cùng tôi về tinh thần khắc phục khó khăn của anh, chị em trong đội, Thượng tá Ngô Văn Dũng, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Quảng Bình cho biết: “Không chỉ khó khăn về nguồn kinh phí, về điều kiện tập luyện mà đội còn eo hẹp cả nguồn bổ sung nhân lực. Đại đa số anh chị em trong đội, nhất là các đồng chí nữ tuổi đời không còn trẻ nên hạn chế nhiều trong thực hiện những tiết mục múa. Một số đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn, con nhỏ, chồng công tác xa, bố, mẹ già yếu nên phải thay chồng gánh vác mọi công việc gia đình. Tuy nhiên, toàn thể cán bộ, nhân viên của đội đã đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Năm 2020, tuy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Đội TTVH BĐBP Quảng Bình cũng đã có hơn 17 đợt lưu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân biên giới. Trong các chương trình biểu diễn, đội đã mạnh dạn đưa những thể loại mới, có độ khó cao để thể hiện cũng như làm mới phong cách biểu diễn của đội. Một trong những thể loại mới ấy chính là hát Mashup.

Trung úy Đoàn Ngọc Hòa, nhân viên Đội TTVH BĐBP Quảng Bình chia sẻ về thể loại hát Mashup: “Đây là thể loại hát được sáng tạo bằng cách ghép hai hoặc nhiều bài hát và phủ lên bản nhạc thành một bài hát liền mạch trên bản nhạc cụ thể của bài hát khác để trở thành một bản nhạc hoàn chỉnh. Hát Mashup thường được thể hiện bởi tốp ca nam-nữ và đòi hỏi rất cao về kỹ thuật cũng như khả năng cảm thụ âm nhạc của người hát sao cho không bị trật nhịp, chênh, phô mà phải hòa quyện vào tập thể xuyên suốt từ đầu cho đến khi kết thúc bài hát. Để hoàn thiện một tiết mục hát theo thể loại này, chúng tôi phải chia nhóm tập dần từng câu, từng đoạn, sau đó ghép tổng thể nên tốn khá nhiều thời gian và công sức”.

Song song với việc đưa thể loại hát mới vào chương trình thì việc sáng tác những ca khúc mới cũng luôn được chú trọng. Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, để kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ trên các chốt trực chiến, Đại úy, nhạc sĩ Lê Đức Trí, Đội trưởng Đội TTVH BĐBP Quảng Bình đã sáng tác ca khúc “Đẹp mãi giữa lòng dân” ngợi ca sự hy sinh thầm lặng của người lính Biên phòng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Thiếu tá Ngô Thị Như Quỳnh, nhân viên của đội chia sẻ: “Cứ mỗi lần trình bày ca khúc này là chúng em không kìm nổi nước mắt của mình bởi mỗi lời của ca khúc là sự hy sinh, vất vả gian truân của đồng đội đang ngày đêm chịu đựng và vượt lên khó khăn để góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 nơi miền biên viễn”.

Trải qua gần 28 năm thành lập, khi quân số lên tới hàng chục cán bộ, chiến sĩ, lúc chỉ có vài đồng chí theo quy định về biên chế mới, song trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, nhân viên Đội TTVH BĐBP Quảng Bình luôn biết vượt lên mọi hoàn cảnh để đem lời ca, tiếng hát, điệu múa đến những bản làng, miền quê xa xôi trên khắp nẻo biên cương phục vụ đồng đội, phục vụ nhân dân. Nắng, mưa, lũ lụt, thiếu lương thực hay những khi xe bị hỏng không đến được điểm diễn, cả đội phải ngủ giữa rừng... đã trở thành ký ức không thể thiếu trong tâm khảm của mỗi “nghệ sĩ” mang quân hàm xanh.

Sau khi hoàn thành những chuyến đi lưu diễn theo kế hoạch, những đồng chí thuộc quân số của các đơn vị lại trở về với công việc thường ngày. Để rồi, khi có lệnh điều động của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, họ tiếp tục đổ những giọt mồ hôi trên sàn tập, xây dựng những chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trên biên giới. Lời ca, tiếng hát, điệu múa của họ sẽ là nguồn động viên lớn lao để đồng đội và bà con các dân tộc nơi biên cương đồng lòng dựng xây pháo đài lòng dân, thế trận biên phòng vững chắc, giữ gìn phên dậu bình yên.

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO