Biên phòng - Móng Cái - thành phố sầm uất bậc nhất tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc trải qua hơn 2 thập kỷ mở cửa giao thương biên mậu chưa từng phải đối mặt với một tình huống an ninh phi truyền thống cam go như “cuộc chiến” chống Covid-19. Tại Trạm kiểm soát liên hợp cách thành phố Móng Cái 15km - Bến tàu Dân Tiến, tôi và số rất ít hành khách đi vào khu vực biên giới thời điểm tháng 2-2020 phải xuống xe kiểm tra y tế rất kỹ càng. Tôi hiểu, Móng Cái đang trải qua “cuộc chiến” nóng bỏng nhất chỉ để giữ cho thân nhiệt của ai nấy đều bình thường.
Vào những năm trước, tháng Giêng âm lịch ở Móng Cái là tháng đông vui nhất. Người miền Đông Quảng Ninh, bà con các dân tộc thiểu số và cả tiểu thương của khu vực biên giới 2 quốc gia buôn bán biên mậu đều có phong tục mở hàng cầu tài, cầu lộc phiên đầu năm rất đình đám, nhất là dịp Tết Nguyên tiêu. Năm nay, Móng Cái quạnh hiu vắng ngắt. Cả thành phố hiu hắt ủ dột và lạnh giá như màu đá xám cầu Ka Long.
Xác định rằng cả vùng biên giới, đường biên giới dài chung với quốc gia có nguồn lây dịch bệnh là tuyến đầu phải kiểm soát chặt chẽ, lực lượng BĐBP đóng tại các xã biên giới rà soát địa bàn, vận động nhân dân ngừng mọi hoạt động giao thương, không qua lại biên giới thăm thân, lao động “chui” để tập trung chống dịch. Tại các cửa khẩu, công tác kiểm soát người, kiểm dịch y tế luôn được siết chặt.
Vào ngày 1-2, thời điểm công bố dịch thì cả thành phố Móng Cái đã vào guồng, không khí luôn “nồng nặc” mùi Cloramin – B. Chiều cùng ngày, các đồn Biên phòng đã đồng loạt ra quân lập chốt dã chiến ở đầu các đường mòn, tuyến đường tuần tra, lối mở. Quy chế biên giới thi hành nghiêm túc, chặt chẽ, tạm thời ngừng giao thương, lễ hội, tránh tập trung đông người, các trung tâm thương mại, chợ lớn, trung tâm giải trí như Hồng Vận, Lợi Lai đóng cửa. Những người về qua cửa khẩu được cách ly 14 ngày theo quy định.
Có những đêm, tôi cùng đi với các cán bộ BĐBP dọc dòng sông biên giới Ka Long, chứng kiến những phiên gác của các chốt trực. Bên kia sông sáng đèn, nhìn sang khu dân cư nước bạn cũng vắng ngắt không một bóng người. Dọc theo các con đường cặp sát biên giới, chỉ có bóng áo xanh Biên phòng tuần tra. Cuốn sổ nhật ký ghi các phiên gác đã dày lên nhiều trang. Đống lửa sưởi ấm chống chọi với những đêm mưa rào. Những người lính lạc quan nói: “Tháng Giêng năm nay thời tiết cũng phi truyền thống, mưa rất to có khi trôi hết cả dịch bệnh”.
Trải qua nhiều ngày chống dịch, cửa ngõ biên giới thực sự đã ổn định tâm lý, không còn hoang mang như ban đầu. Một cán bộ gác đêm chốt Km1 Bến Chùa, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái nói với tôi: “Anh em tôi nhận thức chính trị đã thông, xác định nhiệm vụ chống dịch có thể còn dài. Nhưng từng giờ, từng phút cảnh giác cao độ. Chỉ cần có trường hợp nào nhiễm virus lọt qua biên giới không xử lý kịp thời, tôi hiểu rằng, cả tuyến sau sẽ vô cùng vất vả”.
Ở Móng Cái những ngày cam go nhất, tôi may mắn được chứng kiến bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái trực tiếp chỉ huy các tình huống khó khi chống dịch. Người phụ nữ lãnh đạo “cuộc chiến” chống Covid-19 của thành phố dáng người nhỏ bé nhưng cương quyết và rắn rỏi. Bà cắt đặt các phần việc khám sàng lọc, trưng dụng các khu cách ly, quyết định nhân sự cụ thể cho từng tình huống. Bà nói: “Trong tất cả các “mắt lưới” ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, khâu kiểm soát của lực lượng Biên phòng là quan trọng nhất. Anh em chủ động tích cực trấn giữ các đường mòn, lối mở chống người xuất nhập cảnh trái phép. Đến nay, lực lượng Biên phòng làm rất tốt và trở thành điểm tựa cho chúng tôi cùng các ngành khác tiếp tục “cuộc chiến” cam go này”.
Thượng tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái cũng phải thường trực thường xuyên 2 nhiệm vụ. Anh điều hành công tác chỉ huy đồn, đồng thời tham gia chỉ đạo chống dịch cấp thành phố. Thượng tá Phong cho biết, những ngày thường có khoảng từ 10 đến 15 ngàn người qua cửa khẩu, bao gồm tiểu thương, người làm dịch vụ biên mậu, khách du lịch lữ hành, cư dân biên giới qua lại thăm thân.
Khi công bố dịch và có quyết định cách ly, có những ngày không một bóng người qua lại cửa khẩu ngoài cán bộ Biên phòng và nhân viên kiểm dịch. Đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ dù có hay không có ai qua lại cũng thỉnh thoảng lại tới đi qua máy đo thân nhiệt. Chính họ cũng quá căng thẳng vì tình hình dịch bệnh trong những ngày con số nhiễm virus trên thế giới và số người tử vong vì dịch bệnh được cập nhật theo giờ và tăng không ngừng trên thế giới.
Địa bàn thuộc quản lý của Đồn Biên phòng Trà Cổ có một khu cách ly tập trung quy mô lớn của thành phố Móng Cái. Bất kể có tình huống liên quan tới quyết định cách ly người dân về từ vùng có dịch khó giải quyết, các lực lượng chống dịch lại nhờ đến lực lượng Biên phòng. Những ngày đầu, người dân chưa thông, còn trốn tránh, từ chối, né cách ly. Có những tình huống, người dân nghe cán bộ y tế địa phương thuyết phục mãi không thông hiểu, mà mấy cán bộ Biên phòng tuyên truyền, vận động lại bằng lòng vào khu cách ly. Sống trong lòng dân bao nhiêu năm, nhiệm vụ quen làm, dân muốn gì bộ đội biết. Có như thế, nhiệm vụ chống dịch mới đan xen, chặt chẽ, tổng lực và đạt hiệu quả.

Đồn Biên phòng Bắc Sơn và Đồn Biên phòng Pò Hèn với đặc điểm địa bàn có xã vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống càng chồng lên nỗi vất vả. Cán bộ địa bàn sát sao tới từng thôn bản, kiểm tra nhân khẩu, nắm từng trường hợp có nghề nghiệp ra sao, chống dịch bằng cách nào, tạm thời không di chuyển tới lui trên địa bàn. Thượng tá Đỗ Thái Bình Vương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn khẳng định: “Những ngày này, không thể có kẽ hở nào cho hàng lậu qua biên giới. Tất cả các vụ buôn lậu khẩu trang từ nội địa ra nhằm đưa qua biên giới đều bị phát hiện, thu giữ”.
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái được xem là đã qua khỏi những ngày chống dịch cam go nhất, bắt đầu lên phương án hồi phục lại nhịp đập giao thương biên mậu. Điểm đến an toàn là mục tiêu, duy trì thái độ thân thiện nhưng vẫn phải chống dịch nhiều lớp là bài toán khó mà năng lực của lực lượng Biên phòng đóng vai trò quyết định.
Đối với tuyến biên giới bộ, vẫn phải củng cố việc thực hiện quy chế biên giới. Đồng bào lần đầu tiên phải làm quen với việc đeo chiếc khẩu trang mặc dù từ nhỏ tới lớn, họ chỉ biết nương rẫy thôn bản, chưa hiểu cơ chế lây nhiễm của dịch bệnh thế nào. Và như vậy, “cuộc chiến” của người lính để nâng cao nhận thức về nếp sống vệ sinh, truyền tải kiến thức dịch tễ vẫn còn cam go, chẳng bao giờ dừng lại.
Trương Thúy Hằng