Biên phòng - Gần 3 năm qua, các đồn Biên phòng (BP) đã đón 356 trẻ em, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số có gia cảnh đặc biệt khó khăn về đơn vị nuôi dưỡng chăm sóc. Từ ngày về “mái ấm” mới, con em của đồng bào đã trải qua những mùa Xuân thực sự hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của những người lính trấn ải biên cương.

Ở với bộ đội, con sẽ có tương lai hơn
Trước khi đưa 2 con nuôi về đón Tết Nguyên đán cùng gia đình, Đồn BP cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng chuẩn bị sẵn những gói quà lớn cho các con. Đó là bánh kẹo, hoa quả cùng những nhu yếu phẩm khác. 2 cậu con trai cứ bịn rịn nửa muốn về, nửa muốn ở lại, dù chỉ xa các bác, các chú - những người bố nuôi vài ngày. Điều đó cũng dễ hiểu bởi nơi đây đã là mái nhà thân thương của 2 em.
Tết này đánh dấu năm thứ 3, cậu học trò Đàm Vĩnh Hưng sinh sống trong “tổ ấm” mang tên Đồn BP cửa khẩu quốc tế Tà Lùng. Còn với cậu bé Hoàng Nam Cường mới là năm đầu tiên. Hưng ở thôn Cốc Lùng, xã Đại Sơn, huyện Quảng Hòa, được Đồn BP cửa khẩu quốc tế Tà Lùng nhận làm con nuôi từ tháng 10-2019. Hưng sinh năm 2008, là con thứ 2 trong gia đình. Bố em mất năm 2011 do bị bệnh. Cuộc sống của 3 mẹ con Hưng chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên rất cơ cực. Hưng phải vừa học, vừa phụ giúp mẹ chăm vườn rau, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Người em gầy nhẳng vì bữa ăn hằng ngày chủ yếu là rau và đậu phụ. Gia cảnh của Cường cũng khó khăn không kém. Cường sinh năm 2010, mồ côi bố từ lúc 6 tuổi. Mẹ Cường không có nghề nghiệp ổn định. Từ khi bố mất, cuộc sống của 4 mẹ con Cường càng thêm khó khăn.
Thấu hiểu hoàn cảnh đặc biệt của 2 cậu bé, Đồn BP cửa khẩu quốc tế Tà Lùng đã trao đổi với gia đình và chính quyền địa phương đón về đơn vị nuôi. 2 em được bố trí một phòng riêng, có đầy đủ, chăn màn, giường tủ. Cả hai thức dậy cùng giờ với bộ đội, cùng tập võ thể dục, quét dọn nơi ở… Sau khi vệ sinh cá nhân, cả hai ăn sáng cùng bộ đội và đi học. Chiều về, 2 em làm vườn, chơi thể thao với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Kể chuyện về 2 cậu con nuôi của đơn vị mình, Trung tá Nông Văn Hòa, Chính trị viên phó Đồn BP cửa khẩu quốc tế Tà Lùng không giấu niềm hạnh phúc: “Tôi rất mừng vì 2 con rất thương yêu nhau, làm gì cũng làm cùng nhau. 2 con đã quen với nền nếp của đơn vị, tự biết chăm lo cho mình, biết giặt quần áo, gấp chăn màn... 2 cu cậu rất thích thể thao, chiều nào cũng đánh cầu lông, đánh bóng chuyền, đá cầu, đá bóng cùng các chiến sĩ. Nhìn chúng lớn lên mỗi ngày, chững chạc, tự tin hơn, chúng tôi rất vui và hạnh phúc”.
Anh Hòa hạnh phúc một thì chị Bế Thị Liên, mẹ của Hưng hạnh phúc mười. Tôi cảm nhận được điều đó qua ánh mắt rạng rỡ và những câu chuyện chị kể. Có một kỷ niệm mà chị Liên thường chia sẻ với mọi người, đó là lần đầu tiên chị gặp lại con sau hơn 1 tháng gửi gắm cho bộ đội. “Tôi nhìn con mà suýt không nhận ra. Thằng bé trắng trẻo hẳn ra, vóc dáng phổng phao. Tôi bảo con cân thử thấy tăng lên 3,5kg. Kết quả học tập của con cũng khá hơn. Gần 3 năm qua, chưa khi nào tôi thấy lo lắng, bất an khi gửi con cho bộ đội. Tôi tin rằng, chắc chắn con sẽ có tương lai hơn dưới sự cưu mang của BĐBP” - chị Liên chia sẻ.
Háo hức về nhà mới
Lâu nay, vợ chồng chị Hồ Thị Hiêng, anh Lê Thanh Hải (người Pa Cô, ở thôn A Đeeng Par Lieng 2, xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn luôn canh cánh về tương lai của 2 con trai. Anh Hải thường xuyên ốm đau, bản thân chị Hiêng bị nhiễm chất độc da cam, không có sức lao động nên gia đình nghèo lắm. Anh chị lo không đủ sức lo cho 2 con ăn học thì thật đáng tiếc vì chúng học rất giỏi. Bởi vậy, khi Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế ngỏ lời nhận con trai thứ 2 của chị là Lê Thanh Tùng, học lớp 6 làm con nuôi, chị Hiêng, anh Hải vui lắm. Anh chị biết rằng, được về ở với các bố, các chú BĐBP thì chuyện ăn học của Tùng sẽ không còn bị dở dang.

Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, Đồn trưởng Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân chia sẻ: “Cháu Tùng có ông nội là liệt sĩ, bà nội có nhiều năm tham gia dân công hỏa tuyến, thế nên, việc nhận nuôi cháu không chỉ là giúp đỡ cho học sinh nghèo mà còn là tri ân với thế hệ đi trước. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều xác định trách nhiệm để từ đó, tạo điều kiện tốt nhất cho cháu phát triển bản thân”.
Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và để chuẩn bị tâm lý cho việc cháu sống xa gia đình nên đơn vị đang từng bước xây dựng tình cảm trước khi đón về đơn vị. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện cùng cháu. Bên cạnh đó, cán bộ phụ trách giữ mối liên hệ với nhà trường để theo dõi việc học tập của Tùng. Điều thuận lợi là Ban giám hiệu cũng như các thầy, cô giáo rất trân trọng việc làm của những người lính BP nên rất quan tâm tới cậu học trò nhỏ.
Những ngày này, Lê Thanh Tùng vừa háo hức với việc sẽ được về đồn BP ở, vừa có phần lo lắng vì phải xa cha mẹ, bà nội và anh trai. Ở trường, Tùng biết có anh chị được Đồn BP cửa khẩu Hồng Vân nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Năm trước, các anh chị được đón về đồn ăn Tết. Ngày trở lại trường, ai cũng có câu chuyện để kể về những ngày Tết hạnh phúc bên các bố nuôi BP khiến mọi người phải ghen tị. Tùng hứa với bà nội, bố mẹ, khi về đồn BP sẽ ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập để không phụ công mọi người.
Trước thềm năm mới, thật hạnh phúc khi biết rằng, ở biên cương, những người lính BP đang chuẩn bị hành trang tốt nhất cho con nuôi của mình để chúng có thể vững bước vào đời, đón những mùa Xuân hạnh phúc.
Bích Hà