Biên phòng - Đã hơn 15 năm, 3 bản Ka Tăng, Ka Túp, Duy Tân (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) kết nghĩa với 3 bản Đen Sa Vẳn, Ka Túp 1 và Phường (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào). Cũng chừng đó thời gian, người dân của 3 cặp bản kết nghĩa được chứng kiến bao sự đổi thay của bản làng, từ những núi đồi hoang hóa đã hình thành nên những vườn cây hữu nghị, từ chỗ chỉ vài con bò, dê thả rông của hộ gia đình đã thành những trang trại bò, dê hay những con đường gập ghềnh đất đỏ đã trở thành những con đường bê tông thẳng tắp mang tên “con đường hữu nghị”... Có được hiện thực sống động ấy chính là nhờ sự chung tay của chính quyền thị trấn Lao Bảo và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị.

Những mô hình thiết thực, ý nghĩa
Qua cửa khẩu chưa tới 200m, là cánh rừng bời lời xanh ngát, với diện tích trên 10ha được Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo và thị trấn Lao Bảo hỗ trợ bản Ka Tăng tặng cho bản Đen Sa Vẳn kết nghĩa và được hai bản đặt tên là “Vườn cây hữu nghị”. Sau 5 năm chăm bón, đến nay, rừng bời lời này đã cho thu nhập 150 đến 200 triệu đồng. Trưởng bản Đen Sa Vẳn Kộ Thắn Tha Thép vui vẻ nói: “Bình quân mỗi đợt bán cây bời lời, chúng tôi thu về khoảng trên 200 triệu đồng (tiền Việt Nam). Số tiền này được bà con trong bản thống nhất để đầu tư xây dựng trường học, đường sá, xây dựng nhà cho người nghèo, hỗ trợ các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Chúng tôi rất cảm ơn đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Lao Bảo đã luôn giúp đỡ chúng tôi trong mọi việc, đặc biệt là giúp người dân Đen Sa Vẳn tiến bộ từng ngày trong lao động, sản xuất”.
Cùng với mô hình “Vườn cây kết nghĩa”, Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo đã phối hợp với chính quyền thị trấn Lao Bảo kêu gọi mọi nguồn lực để hỗ trợ cho 3 bản kết nghĩa nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt khác. Từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã huy động mọi nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và từ nguồn cán bộ, chiến sĩ đóng góp, trao tặng cho 3 bản Ka Túp 1, Phường và Đen Sa Vẳn, mỗi bản 12 con bò, 20 con dê, trên 5.000 con vịt, gà, ngan giống, đồng thời, cử cán bộ qua hướng dẫn, chăm sóc. Đến nay, số lượng gia súc, gia cầm phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nghèo phía bản bạn.
Chị Thạo Khắn, ở bản Phường vui vẻ cho biết: “Năm 2019, Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo tặng cho bản Phường 7 con bò giống, gia đình tôi may mắn được hỗ trợ 1 con. Để đàn bò phát triển tốt, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã hướng dẫn chúng tôi cách chăm sóc, phòng, tránh dịch bệnh cho vật nuôi; khuyến khích chúng tôi tập trung bò về một mối và thay phiên nhau trông coi, chăn nuôi hiệu quả hơn. Đến nay, bò sinh sản được 5 con. Chúng tôi quyết tâm duy trì mô hình này bền vững để ai cũng có thêm nguồn thu nhập ổn định”.
Trong số kết quả mà các bản giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, thì không thể không kể đến “Vườn chuối hữu nghị” của bản Duy Tân, thị trấn Lao Bảo tặng cho bản Phường, huyện Sê Pôn, với hơn 5ha, mỗi năm cho thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng. Để có được mô hình hiệu quả là cả một quá trình lăn lộn, “cầm tay chỉ việc” của cán bộ và nhân dân bản Duy Tân, như lời ông Lê Kim Tuyến, Trưởng bản Duy Tân cho biết: “Để giúp người dân của bạn có thêm kiến thức trồng trọt, thu hoạch sản phẩm, bản Duy Tân cử những nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi qua tận bản Phường để hỗ trợ, giúp họ từ cách trồng cây, chăm bón, thu hoạch và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho bạn”. Nhờ được chăm sóc cẩn thận, vườn chuối kết nghĩa ở bản Phường phát triển tốt, cho thu nhập cao, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây. Ông Chúi Khay Nha Khăm, ở bản Phường hiện sở hữu trên 900 gốc chuối sau khi được bản Duy Tân giúp đỡ, đã không khỏi tự hào và phấn khởi chia sẻ: “Người dân Duy Tân luôn thân thiện, cởi mở, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với chúng tôi. Từ các mô hình kinh tế phía bạn giúp đỡ, nhiều gia đình trong bản Phường đã học tập và làm theo có hiệu quả. Chúng tôi mong muốn người dân hai bên tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp vốn có này”.
Nghĩa tình thủy chung, trong sáng
Thông qua các hoạt động kết nghĩa, 3 cặp bản biên giới đối diện gồm các bản: Ka Tăng, Duy Tân và Ka Túp (thị trấn Lao Bảo) và các bản Đen Sa Vẳn, Phường và Ka Túp 1 (huyện Sê Pôn) đã tích cực hỗ trợ nhau phát triển kinh tế trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Qua đó, thể hiện sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống, cùng khắc phục khó khăn để vươn lên của nhân dân hai nước Việt - Lào.

Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phường Sí Tha Ka Sí Xông Đệt cho biết: Từ nguồn cây giống mà người dân bản Duy Tân hỗ trợ ban đầu cho bản Phường, giờ đây, hộ nào cũng tham gia trồng chuối, bời lời và các loại cây ăn quả. Hiện, bản Phường phát triển được trên 200ha chuối, trên 300ha bời lời và nhiều vườn cây ăn quả. Đáp lại tấm lòng của bạn, chúng tôi đã tạo điều kiện cho một số hộ bản Duy Tân có nhu cầu hợp tác về đất để trồng chuối. Đến thời điểm này, có 20 hộ ở Duy Tân trồng chuối tại bản Phường, với tổng diện tích hơn 25ha, tạo công ăn việc làm cho 120 người dân của bản với thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Thông qua hợp tác trồng chuối, hai bên càng có điều kiện hỗ trợ nhau kĩ thuật trồng trọt, kinh nghiệm sản xuất. Đối với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi của thị trấn Lao Bảo và Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo hỗ trợ, chúng tôi luôn theo dõi, kiểm tra, động viên, nhắc nhở người dân chăm sóc thật tốt và có báo cáo cụ thể về hiệu quả mô hình trong các đợt giao ban với phía bạn.
Đặc biệt, thị trấn Lao Bảo và Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo đã có nhiều đóng góp vào công tác hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ an sinh xã hội cho các bản kết nghĩa, gồm: Các loại cây, con giống, nhu yếu phẩm, thuốc men, lương thực, thực phẩm... trị giá trên 200 triệu đồng; tặng 10 con bò và trao 50 suất quà cho các cháu học sinh Lào, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng, với tổng giá trị trên 250 triệu đồng. Phía huyện Sê Pôn cũng thường xuyên giúp đỡ các cặp bản kết nghĩa của thị trấn Lao Bảo nhiều cây, con giống, đặc biệt là hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc các vườn chuối mà người dân Lao Bảo đầu tư trồng chuối ở phía bạn Lào. Các cặp bản kết nghĩa cũng giúp đỡ nhau về cây, con giống với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng; hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm sau dịch Covid-19.
Trung tá Nguyễn Xuân Hiển, Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo khẳng định: Để phong trào kết nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương hai bên biên giới nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”. Cùng với đó, tăng cường quan hệ đoàn kết, tổ chức giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội để hai bên biên giới phát triển bền vững.
Xuân Thế