Biên phòng - Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay, BĐBP Quảng Trị phụ trách địa bàn 2 xã A Ngo và A Bung, huyện Đakrông, có dân số 2.200 hộ/8.812 nhân khẩu, chiếm hơn 85% là người dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Kô, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tuổi trẻ Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã xây dựng nhiều mô hình giúp người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh trên miền biên cương Tổ quốc.

Từ mô hình dê giống giúp thanh niên khởi nghiệp
Hàng năm, trên địa bàn Đồn Biên phòng CKQT La Lay phụ trách có khoảng từ 150 đến 200 cặp vợ chồng trẻ xin tách hộ để ra tự lập, xây dựng cuộc sống riêng. Tuy nhiên, trên 80% số gia đình trẻ này đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, thiếu nguồn vốn đầu tư để khởi nghiệp làm ăn, phát triển kinh tế, tạo động lực trong việc xóa đói, giảm nghèo.
Trước thực trạng của địa phương, Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã đề xuất Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn triển khai mô hình “Dê giống khởi nghiệp” để giúp những cặp vợ chồng trẻ xây dựng, phát triển kinh tế gia đình bằng phương thức luân chuyển từ gia đình này đến gia đình khác sau khi đàn dê con đủ thời gian tách mẹ.
Tháng 9/2020, bằng sự đóng góp của đoàn viên, thanh niên, với số tiền thu được hơn 12 triệu đồng, Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã mua 4 con dê cái giống và giao cho hộ gia đình anh Hồ Văn Thuở, 24 tuổi, ở thôn A Đeng, xã A Ngo và gia đình anh Hồ Cu Roái, 25 tuổi, ở thôn A Bung, xã A Bung để phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn hỗ trợ về cách chăm sóc, phối giống, phòng ngừa dịch bệnh để dê nhanh phát triển, khỏe mạnh. Từ 4 con dê giống ban đầu, đến nay, đã có 9 hộ gia đình đoàn viên, thanh niên của 2 xã A Ngo và A Bung được nhận nuôi 26 con dê con và hiện tại, 2 con dê giống đã luân chuyển lượt thứ 6 cho 2 hộ gia đình tiếp theo. Niềm vui nhân lên khi những con dê con của lứa sinh sản đầu tiên và thứ 2 đã đến tuổi phối giống, đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều gia đình đoàn viên, thanh niên được hưởng lợi từ mô hình ý nghĩa này.
Anh Nguyễn Đức Linh, Bí thư Huyện đoàn Đakrông chia sẻ: “Đây là mô hình hết sức có ý nghĩa, thông qua đó, các hộ gia đình là đoàn viên, thanh niên của 2 xã A Bung và A Ngo sẽ có động lực để vươn lên, họ không cần phải bỏ vốn ban đầu khi điều kiện về nguồn vốn còn khó khăn. Chúng tôi rất vui và cũng rất khâm phục các đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng CKQT La Lay, bởi chính các anh đã đem đến nụ cười hạnh phúc cho tuổi trẻ địa phương từ mô hình “Dê giống khởi nghiệp”.
Đến ổ bánh mì ấm lòng học sinh khi đến lớp
Trong những lần xuống địa bàn, vào thăm các điểm trường, nhận thấy nhiều học sinh đến trường với cái bụng đói do không có gì ăn sáng, ảnh hưởng rất lớn đến sự tiếp thu của các em khi học tập trên lớp, đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã xây dựng và triển khai mô hình “Ổ bánh mì biên giới” để giúp các em ấm bụng hơn mỗi khi đến trường. Đều đặn từ tháng 3/2018 đến nay, học trò các điểm trường ở 2 xã A Ngo và A Bung vào mỗi sáng thứ ba và thứ năm hằng tuần luôn nhận được những chiếc bánh mì thơm phức từ tay của các chú BĐBP.
Ban đầu, kinh phí hoạt động “Ổ bánh mì biên giới” được huy động chủ yếu từ cán bộ, đoàn viên, thanh niên tự nguyện đóng góp, với mức từ 100.000 đến 200.000 đồng/tháng/người. Thời gian sau, khi biết đến và thấy được ý nghĩa nhân văn của việc làm này nên toàn thể anh em trong đơn vị đã chung tay đóng góp, cùng sự tài trợ từ một số cơ quan, tổ chức, cá nhân, vì thế, những ổ bánh mì có thêm sữa. Không kể nắng mưa hay giá rét, có điểm trường xa đồn hơn 10km, song, những đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng CKQT La Lay tuần 2 buổi đều đặn chở bánh mì tới các điểm trường thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở 2 xã A Ngo, A Bung để phát cho học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã A Ngo chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có mô hình “Ổ bánh mì biên giới” của các anh Biên phòng và các nhà tài trợ cấp miễn phí, thì tình trạng học sinh trốn tiết xảy ra thường xuyên. Kể từ khi có bữa sáng miễn phí, các em đã tập trung trong học tập và đi học chăm chỉ, đầy đủ hơn. Được ăn sáng nên học tới tiết 4, tiết 5, các em vẫn không mệt mỏi. Từ đó, chất lượng giáo dục của trường cũng được nâng lên”.
Và nồi cháo nghĩa tình của những người lính quân hàm xanh
Triển khai từ giữa tháng 2/2020, mô hình “Nồi cháo nghĩa tình” do đoàn viên, thanh niên Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng CKQT La Lay phối hợp với Công đoàn Trung tâm Y tế huyện Đakrông cơ sở 2 Tà Rụt đã làm ấm lòng những bệnh nhân nghèo nơi biên cương. Từ đó đến nay, nhiều bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đakrông cơ sở 2 Tà Rụt đã quen với hình ảnh người lính quân hàm xanh xuất hiện cùng những nồi cháo nóng hổi, đủ chất dinh dưỡng để dành tặng cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đây. Ông Kôn Hư, 68 tuổi, ở thôn A Bung, xã A Bung chia sẻ: “Mình bị đau khớp gối, điều trị ở đây gần 10 ngày rồi. Nhà mình nghèo lắm, không có tiền mua cháo ngon để ăn, may nhờ có BĐBP phát cháo nên mình vừa được ăn no, vừa được bồi bổ để nhanh lành bệnh”.
Mô hình “Nồi cháo nghĩa tình” được thực hiện từ nguồn kinh phí chủ yếu do đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng CKQT La Lay và cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Đakrông cơ sở 2 Tà Rụt đóng góp.
Trung úy Hồ Văn Thủ, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng CKQT La Lay cho biết: “Cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh của bà con, chúng tôi quyết định phối hợp xây dựng mô hình này để chia sẻ phần nào khó khăn với đồng bào. Nhờ chủ động được nguồn lực nên mô hình “Nồi cháo nghĩa tình” được thực hiện đều đặn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp triển khai mô hình này, bởi đây không chỉ là sự động viên, chia sẻ đối với đồng bào nghèo, mà còn là việc làm ý nghĩa để thắt chặt hơn tình nghĩa quân dân nơi biên giới”.
Ban đầu, mô hình “Nồi cháo nghĩa tình” được thực hiện định kỳ 2 lần/tháng, tuy nhiên, bệnh nhân đến điều trị đều có hoàn cảnh khó khăn nên các anh quyết định bổ sung thêm 2 nồi cháo nữa, duy trì đều đặn mô hình với 4 lần/tháng vào các sáng thứ sáu hàng tuần.
Nguyễn Thành Phú