Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:55 GMT+7

Những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Biên phòng - Những năm qua, thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” (gọi tắt là Đề án) của Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã chủ động, tích cực thực hiện với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Quá trình triển khai thực hiện Đề án, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.

Đồng chí Dương Xuân Huyên. Ảnh: Trần Đức

Tỉnh Lạng Sơn có đường biên giới dài 231,7km, tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; khu vực biên giới (KVBG) của tỉnh có 20 xã và 1 thị trấn, 180 thôn, bản, khu dân cư; dân số trên 70 nghìn người, có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Tày, Nùng, Kinh, Dao và Hoa. Tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung, KVBG nói riêng những năm qua có bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tiền giả, buôn người, xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu diễn biến phức tạp. Mặt khác, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp, phong tục, tập quán có nơi còn lạc hậu, đời sống của đồng bào còn khó khăn, tình trạng vi phạm pháp luật còn xảy ra. Từ những lý do nêu trên, việc triển khai thực hiện Đề án là rất cần thiết.

Thực hiện Công văn số 1016/VPCP-NC, ngày 8-2-2017 của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 919/KH-BCĐ, ngày 23-3-2017 của Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh gồm 18 đồng chí, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; đồng chí Chính ủy BĐBP tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực; cơ quan Thường trực là Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Với vai trò là cơ quan Thường trực, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn đã chủ động tham mưu, đề xuất ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên và cộng tác viên pháp luật.

Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ pháp luật, tổ hòa giải, tổ an ninh tự quản ở các thôn, bản, khu dân cư; biên soạn đề cương, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, với những hình ảnh minh họa sinh động, nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu để tuyên truyền trong nhân dân. Bên cạnh đó, thường xuyên rút kinh nghiệm, phát huy những kết quả đã đạt được, phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở các cấp.

Trên cơ sở kế hoạch, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, UBND các huyện biên giới, các cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký, Tổ giúp việc; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp mình; bám sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, xây dựng đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để thực hiện thống nhất, hiệu quả; tổ chức phân công, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo; xác định việc triển khai thực hiện Đề án là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành; quan tâm bố trí kinh phí, huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện Đề án.

Quá trình thực hiện Đề án, cơ quan Thường trực và thành viên Ban Chỉ đạo Đề án các cấp đã thường xuyên trao đổi, thống nhất về nội dung, biện pháp thực hiện; phối hợp chặt chẽ trong tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở các cấp, nhất là đối với cấp cơ sở. Qua đó, kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế; kế thừa và phát huy kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2016, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, do đó, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL ở KVBG.

Với trách nhiệm và quyết tâm cao, sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, do đó, kết quả thực hiện Đề án rất khả quan. Quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở.

Cụ thể như: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo thành lập 21 tổ thông tin truyền thông ở các đồn Biên phòng và các xã, thị trấn biên giới, mỗi tổ có từ 5 đến 7 thành viên, do đồng chí Chính trị viên đồn Biên phòng làm tổ trưởng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách tư pháp làm tổ phó; các thành viên khác là cán bộ, nhân viên đội vận động quần chúng đồn Biên phòng, công chức văn hóa, tư pháp xã.

Đây là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, hằng tháng biên tập các bản tin, như: “Bản tin về chính sách mới” của Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội; các chương trình, kế hoạch, mục tiêu về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. “Bản tin về an ninh, trật tự” phản ánh về tình hình hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại; tình hình về an toàn giao thông; các vụ việc gây mất an ninh, trật tự địa bàn; trách nhiệm của người dân trong phối hợp, giúp đỡ các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết...

Các bản tin được các tổ thông tin truyền thông phổ biến trực tiếp trong các cuộc họp tập trung, hoặc thu âm và phát trên hệ thống loa truyền thanh của các thôn, bản, khu dân cư và khu vực cửa khẩu. Mỗi bản tin có thời lượng từ 25 đến 30 phút. Thông qua cách làm này, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, khơi dậy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, chủ động, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn biên giới.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh triển khai mô hình “Công an lắng nghe ý kiến của người dân”, “Tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”, nhằm nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở KVBG, phát huy trách nhiệm của nhân dân trong tham gia giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản. Tổ chức Đoàn thanh niên phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức Chương trình “Học kỳ Quân đội” vào các dịp nghỉ hè, đưa các cháu học sinh vào hoạt động trải nghiệm trong môi trường Quân đội, để rèn luyện thể lực và ý thức tổ chức kỷ luật; đồng thời triển khai mô hình “Chi đoàn 3 không với ma túy”, “Tuổi trẻ với pháp luật”; Chi đoàn đồn Biên phòng phối hợp với Đoàn xã, thị trấn biên giới và các nhà trường tổ chức diễn đàn "Cán bộ, đoàn viên xã biên giới nói không với ma túy", "Đoàn viên, thanh niên đi đầu trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh thôn, bản", góp phần giáo dục, định hướng lối sống cho thế hệ trẻ, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thanh, BĐBP Lạng Sơn phát tờ rơi tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân tại các phiên chợ vùng cao. Ảnh: Vi Toàn

Ngoài ra, hằng năm, các đồn Biên phòng còn chủ động phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới nước bạn tổ chức các buổi tuyên truyền, PBGDPL với những cách làm thiết thực như biên tập tài liệu thành các tờ rơi, tờ gấp in bằng chữ Việt Nam và chữ Trung Quốc để cấp phát cho người dân, chủ hàng, chủ xe, lái xe và hành khách xuất, nhập cảnh qua biên giới để phổ biến, tuyên truyền các văn bản, quy định về pháp luật của hai nước.

Từ những mô hình hay, cách làm sáng tạo nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, khẳng định sự đa dạng, phong phú về nội dung, hình thức, phương pháp và tinh thần cố gắng, đưa công tác tuyên truyền, PBGDPL của tỉnh trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng ở KVBG.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Lạng Sơn rút ra một số bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới như sau:

Một là, công tác tuyên truyền, PBGDPL phải được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức, thực sự coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL gắn với duy trì nghiêm pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, nhất là tính gương mẫu chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hai là, cần phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các lực lượng; phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện Đề án; công tác tuyên truyền, PBGDPL phải được duy trì thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đối với những địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự.

Ba là, tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý, thi tìm hiểu pháp luật; xét xử lưu động các vụ án để giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác tuyên truyền, PBGDPL ở các cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bốn là, phát huy, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo; duy trì nghiêm túc nền nếp, chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật, tổ hòa giải, tổ an ninh tự quản, mở rộng mạng lưới cộng tác viên pháp luật; tổ chức thiết thực ngày pháp luật, ngày sách Việt Nam; phát huy có hiệu quả tủ sách, ngăn sách pháp luật tại các xã và thôn, bản biên giới.

Năm là, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, khắc phục những khâu yếu, mặt yếu; coi trọng công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong tổ chức thực hiện Đề án.

Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Lạng Sơn

Bình luận

ZALO