Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Những kỷ niệm với Đại tướng Phùng Quang Thanh

Biên phòng - Tôi có nhiều cơ hội được làm việc cùng Đại tướng Phùng Quang Thanh, đặc biệt, trong thời kỳ tôi làm dự án đường tuần tra biên giới. Trong ký ức của tôi, ông là người gần gũi, sâu sát với bộ đội...

Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại buổi làm việc với Ban quản lý Dự án 46 (đường Trường Sơn Đông) và Ban quản lý Dự án 47 (đường tuần tra biên giới) năm 2016. Ảnh: Trọng Hải

Đặc biệt quan tâm tới đời sống bộ đội

Tháng 8-1994, Thiếu tướng Phùng Quang Thanh, Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu đưa Thiếu tướng Đào Trọng Lịch, Phó Tổng tham mưu trưởng đến thăm Trung đoàn Công binh Hải quân 83. Sau khi đưa đoàn đi thăm doanh trại một vòng, tôi khi ấy là Trung đoàn trưởng báo cáo tình hình của trung đoàn.

Thiếu tướng Phùng Quang Thanh phát biểu đánh giá cao về thực hiện nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa của Trung đoàn Công binh 83, đơn vị tiết kiệm triệt để vật liệu xây dựng, thu hồi bao bì quay vòng nhiều lần, mở ra làm kinh tế, Trung đoàn trưởng kiêm Giám đốc công ty, hai tay hai dấu, một mô hình mới đặc biệt cần nghiên cứu. Doanh trại đơn vị tự túc xây dựng, đơn vị cấp trung đoàn đầu tiên trong quân đội có bể bơi. Được đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng và đồng chí Cục trưởng Cục Tác chiến thăm, kiểm tra, biểu dương là niềm động viên lớn đối với trung đoàn và cá nhân tôi.

Năm 2004, tôi được bổ nhiệm làm Tư lệnh Binh chủng Công binh. Năm 2005, tại một hội nghị của Bộ tư lệnh Công binh, đồng chí Phùng Quang Thanh khi đó là Tổng Tham mưu trưởng đánh giá rất cao sự cố gắng của Bộ đội Công binh trong toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu, đặc biệt là đào đường hầm.

Các cơ quan cần nghiên cứu mấy vấn đề: Nghiên cứu cơ giới hóa thi công đường hầm để nâng cao tiến độ, chất lượng công trình, giảm lao động nặng nhọc cho bộ đội; nghiên cứu chế độ bồi dưỡng cho phù hợp, anh em lao động vất vả quá; trong thi công rất khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, yêu cầu phải bảo đảm an toàn tuyệt đối; trường hợp bất khả kháng xảy ra, phải làm chế độ thương binh, liệt sĩ cho anh em thật chu đáo. Những chỉ đạo của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng lúc ấy cho thấy sự quan tâm, sâu sát tường tận của ông tới đời sống bộ đội.

Luôn trăn trở về công việc

Năm 2007, tôi nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Ban quản lý Dự án đường tuần tra biên giới. Ngày 30-6, Hội nghị Quân chính 6 tháng đầu năm của Binh chủng Công binh lần đầu tiên được đón Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xuống dự. Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu, rồi nêu: "Do yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đường tuần tra biên giới, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định điều Thiếu tướng Hoàng Kiền, Tư lệnh Binh chủng Công binh sang làm Giám đốc Ban quản lý Dự án đường tuần tra biên giới, đây là chọn mặt, gửi vàng". Lời động viên của Đại tướng khiến tôi vô cùng cảm động, dốc sức cho công việc mới.

Cuối năm 2007, Ban chỉ đạo họp, tôi báo cáo việc thi công đường tuần tra biên giới rất khó khăn, do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nhất là ở tỉnh Sơn La, đề nghị Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có ý kiến với lãnh đạo tỉnh giúp đỡ.

Cuối tháng 3-2008, trong chuyến làm việc với tỉnh Sơn La, tôi đưa Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cùng Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La và các cơ quan ra thăm đường tuần tra biên giới đang thi công. Khi dừng lại báo cáo, chú lái xe có ý kiến là tại sao anh Kiền lại đưa Bộ trưởng vào đường nguy hiểm như thế này? Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: Không sao, xe mình đi sau, mình đi có một lần, còn anh Kiền cùng anh em họ đi suốt mấy năm mà. Cũng tại cuộc làm việc này, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã thống nhất sẽ tạo điều kiện để Ban quản lý Dự án đường tuần tra biên giới triển khai thi công thuận lợi.

Sau khi làm việc với tỉnh Sơn La, trên đường về Hà Nội, ra khỏi thành phố, thấy ô tô trước dừng lại, xe tôi đi sau cũng dừng. Bộ trưởng xuống xe, tới xe tôi mở cửa nói: "Tôi đi nhờ ông Kiền một đoạn". Trên xe có Đại tá Trần Trung Tín, Phó cục trưởng Cục Kinh tế ngồi ghế trên, cạnh lái xe Đinh Văn Thể. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngồi ghế sau cùng với tôi. Đại tướng nói: "Mỗi lần họp Ban chỉ đạo, anh Kiền cũng chỉ phát biểu báo cáo được mười lăm phút, hôm nay ngồi trên xe, anh nói cho hết những vướng mắc xem sao". Được thủ trưởng động viên, tôi không còn ngại ngần gì nữa mà trình bày hết những khó khăn, vướng mắc.

Khó khăn đầu tiên là giải phóng mặt bằng, rồi chuyên môn, địa hình, địa chất phức tạp... Lắng nghe tôi nói xong, dù rất dài, Bộ trưởng cất tiếng: "Tôi đồng ý. Hôm nay tôi giao cho anh thay mặt Bộ trưởng điều hành các lực lượng tham gia xây dựng đường tuần tra biên giới trong toàn quân, yêu cầu phải làm cho thật tốt, không được để Thủ tướng Chính phủ phê bình Bộ trưởng, phê bình Bộ Quốc phòng trước Chính phủ". Anh nói thêm: "Mình đi họp Chính phủ, đeo quân hàm Đại tướng mà lại để người ta phê bình làm đường tuần tra biên giới chậm, ngượng lắm ông Kiền, ông Tín ạ".

Tôi có ý kiến về điều động cán bộ, cần chọn người có chuyên môn, không nên coi Ban quản lý dự án là chỗ để đưa cán bộ không sắp xếp được thì về đây, hoặc về với mục đích khác. Bộ trưởng nói, giao quyền cho giám đốc chọn cán bộ về, báo cáo trực tiếp Bộ trưởng, nhưng không dễ thực hiện. Cuối cùng, Bộ trưởng nói: "Hai máy điện thoại của tôi đây, anh Kiền ghi số, có vấn đề gì cần báo cáo, cứ gọi điện bất cứ lúc nào. Khi cần gặp trực tiếp, cứ điện thoại cho tôi". Sau khi trình bày và nghe ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, tôi vững tâm hơn để triển khai nhiệm vụ xây dựng con đường này.

Ngày 2-9-2012, Bộ trưởng gọi tôi lên nói muốn nghe báo cáo tình hình xây dựng đường tuần tra biên giới cho kỹ hơn. Tôi đã nhớ mọi việc trong đầu, không cần sổ sách gì, trình bày hết mọi vấn đề. Nghe xong, Bộ trưởng yên tâm. Anh nói: Anh em gặp tôi đều nhận xét đánh giá cao về anh Kiền, quản lý xây dựng đường tuần tra biên giới rất tốt, chặt chẽ, tiến độ nhanh. Tôi trả lời: Được Bộ trưởng tin tưởng, tôi sẽ cố gắng cùng Ban quản lý Dự án và các đơn vị triển khai để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả, giữ uy tín cho quân đội. Bộ trưởng cũng nói về việc ghi nhận công lao của tôi và sẽ đề nghị các cấp xem xét phong Anh hùng Lao động cho tôi.

Nghe vậy, tôi báo cáo: "Năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị xuống làm việc với Quân chủng Hải quân, có chỉ đạo quân chủng bồi dưỡng một cá nhân, xây dựng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chuẩn đô đốc Lê Văn Xuân, Phó tư lệnh Chính trị, Bí thư Đảng ủy, giao cho cơ quan chọn tôi khi đó là Trung tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83, có thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa. Tôi thấy chưa đủ tiêu chuẩn, nên xin thôi và đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đoàn 83. Nay, nếu Bộ trưởng quan tâm, tôi đề nghị, vì tôi không làm kinh tế, nên phong tặng tôi danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tôi không gặp gỡ xin ai đâu, được thì vinh dự cho tôi, tôi cảm ơn Bộ trưởng, không được thì thôi, tôi vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Nghe tôi trình bày vậy, Bộ trưởng ôn tồn nói: "Anh nói đúng, để tôi chỉ đạo phong tặng anh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Anh không phải gặp ai cả, gặp người ta coi thường mình. Khi báo cáo thành tích, báo cáo cả những việc đã làm được tại Trường Sa và đường tuần tra biên giới". Bộ trưởng gọi ngay Thiếu tướng Ngô Quang Liên sang viết công văn chỉ đạo, gửi Cục Tuyên huấn về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tôi.

Năm 2015, tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tôi mời Bộ trưởng về quê dự lễ đón nhận. Do bận công việc, anh không về được nhưng không quên gửi tặng hoa. Năm 2017, tôi được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng về dự, tặng hoa chúc mừng.

Từ năm 2014, dù đã nghỉ hưu, Tết nào tôi cũng đến thăm, chúc sức khỏe, chúc Tết anh. Đầu Xuân Tân Sửu 2021, tôi đến thăm chúc Tết Đại tướng Phùng Quang Thanh, tôi hỏi: "Dạo này Thủ trưởng có đọc sách không?". Anh trả lời: "Có chứ, đọc để hiểu biết thêm, đọc để vận động trí não". Tôi tặng anh hai quyển sách: Chủ quyền biển đảo Việt Nam và Trường Sơn huyền thoại đều do tôi viết. Đại tướng nói: "Tôi theo dõi thấy anh Kiền tích cực tham gia hoạt động của Hội Trường Sơn, thế là tốt. Cảm ơn anh Kiền, tôi sẽ đọc".

Mới cách đây hơn chục ngày, tôi điện thoại hỏi thăm sức khỏe anh, biết anh đã mệt nhiều, chỉ biết động viên anh cố gắng lên!

Giờ nghe tin anh qua đời, dù đã đoán trước được, nhưng vẫn nghẹn ngào, xúc động thương tiếc anh, người chỉ huy luôn gần gũi, sâu sát với bộ đội.

Xin vĩnh biệt Đại tướng Phùng Quang Thanh!

Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh

Theo QĐND

Bình luận

ZALO