Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 04:23 GMT+7

Kỷ niệm 60 năm Ngày phát sóng chương trình Phát thanh QĐND:

Những kỷ niệm khó quên của người làm “báo nói” Quân đội

Biên phòng - Cách đây 60 năm, ngày 16-3-1959, lần đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, bản nhạc "Vì nhân dân quên mình", nhạc hiệu của Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân (QĐND) đã vang lên khắp cả nước. 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, các chương trình của Phát thanh QĐND trở thành tiếng nói tin cậy của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, diễn đàn của lực lượng vũ trang và nhân dân, xứng đáng với sự yêu mến của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Nhân sự kiện đặc biệt này, các biên tập viên, phóng viên, phát thanh viên, kĩ thuật viên… của Phát thanh Quân đội đã chia sẻ những kỉ niệm sâu sắc trong quá trình thực hiện chương trình.

az4r_22
Một buổi phát thanh trực tiếp của Chương trình Phát thanh QĐND. Ảnh: Thanh Thuận

Xuân Phong, nguyên Phó Trưởng phòng Phát thanh QĐND: Từ “Sổ tay chiến sự” đến “Vấn đề và sự kiện”

Ngày 5-8-1964, khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo cho Cục Tuyên huấn viết bản tin chiến sự đầu tiên của Tổng cục Chính trị. Sau đó, các “Bản tin chiến sự” phát triển thành “Sổ tay chiến sự”, cùng các bình luận trên buổi Phát thanh QĐND, Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Sổ tay chiến sự” được phát vào 21 giờ hằng ngày và phát lại 6 giờ 30 phút ngày hôm sau; nội dung không chỉ đưa tin, bình luận về chiến thắng của quân và dân hai miền Nam-Bắc diễn ra trong ngày mà còn vạch trần âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, ngụy, tố cáo những tội ác dã man, tàn bạo của chúng trong các cuộc hành quân càn quét ra vùng giải phóng miền Nam; góp phần động viên, cổ vũ quân và dân ta ở cả hai miền thi đua giết giặc lập công, bắn rơi nhiều máy bay địch; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973, chuyên mục “Sổ tay chiến sự” đổi thành “Nêu cao cảnh giác, giữ vững hòa bình”. Tới giữa năm 1978, khi bọn Pol Pot gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, theo chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Ban Biên tập Phát thanh QĐND đã thực hiện chuyên mục “Nêu cao cảnh giác, bảo vệ Tổ quốc”, sau đó được đổi tên thành “Nói chuyện chuyên đề”. Năm 2009, chuyên mục “Nói chuyện chuyên đề” được đổi thành “Vấn đề và sự kiện”.

Từ “Sổ tay chiến sự” đến “Vấn đề và sự kiện”, qua nhiều giai đoạn lịch sử và nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên phụ trách, nhưng nội dung của chuyên mục đều thiết thực và hấp dẫn người nghe; bởi nó tổng hợp những vấn đề thời sự chính trị nổi bật, nóng hổi đang diễn ra và do các biên tập viên trực tiếp trình bày trên sóng. Đây là một trong những chuyên mục đã làm rạng danh Chương trình Phát thanh QĐND trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Phạm Quốc Huy, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Quân đội: Không làm thì sẽ không bao giờ làm được

Hòa cùng dòng chảy đổi mới theo hướng phát thanh hiện đại của Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban biên tập Phát thanh QĐND đã quyết định làm các chương trình phát thanh trực tiếp, có sự tương tác với thính giả. Tôi cùng anh Hoàng Gia Khánh, Phó Trưởng phòng Thời sự phát thanh (nay là Phó Giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội) và anh Nguyễn Văn Hoan, biên tập viên (nay là Trưởng phòng Thời sự phát thanh) sang gặp anh Uông Ngọc Dậu, Giám đốc Hệ Thời sự, Chính trị tổng hợp VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam, xin được phối hợp với Hệ 1 làm chương trình phát thanh trực tiếp, để học hỏi kinh nghiệm.

Anh Uông Ngọc Dậu rất hoan nghênh và tạo điều kiện giúp đỡ ngay. Sau đó, chương trình phát thanh trực tiếp với tiêu đề: “Nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong hành trình 70 năm vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng” được phát sóng đúng ngày kỷ niệm 70 năm  thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2014) do chị Bùi Chuyên và anh Nguyễn Văn Hoan đồng dẫn chương trình được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam và thính giả đánh giá cao. Chương trình, được mang đi thi và đoạt giải B, Giải Báo chí Quốc gia năm 2014.

Từ thành công bước đầu của sự phối hợp làm chương trình phát thanh trực tiếp ấy, đã tạo động lực để chúng tôi tiến tới làm chương trình phát thanh trực tiếp độc lập với tiêu đề “Bảo đảm quân y chiến trường, từ quá khứ đến hiện tại” (phát sóng ngày 16-4-2015, nhân Ngày Truyền thống ngành Quân y). Chương trình đầu tay này đã thành công vang dội tới mức “cháy kịch bản”. Nó chính là dấu ấn khởi điểm chuyển mình của Phát thanh Quân đội trong dòng chảy đổi mới mạnh mẽ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuy rằng, đối với việc làm chương trình phát thanh trực tiếp thì Phát thanh Quân đội là người đi sau so với một số Ban của Đài Tiếng nói Việt Nam, thế nhưng, nếu chỉ vì lý do “đi sau” mà không làm thì sẽ không bao giờ làm được.

Kể từ đó, chúng tôi đặt chỉ tiêu: Mỗi tuần phải có từ một đến hai chương trình phát thanh trực tiếp, hoặc cầu phát thanh trực tiếp đảm bảo chất lượng tốt, không sai sót về chính trị và kỹ thuật dẫn. Và điều đáng mừng là trong gần 3 năm qua (từ tháng 4-2015 đến tháng 12-2017), Phát thanh Quân đội đã làm được 172 chương trình phát thanh trực tiếp và cầu phát thanh trực tiếp, đảm bảo được các tiêu chí đề ra, được thính giả hoan nghênh.

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phạm Đông: "Tôi - “người chiến sĩ ở đại đội”.

NSƯT Phạm Đông từng cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam mấy chục năm trong rất nhiều chương trình như: Phát thanh thanh niên, Phát thanh thiếu niên, Văn hóa đời sống, Công nghiệp phân phối lưu thông, Phụ nữ, Sân khấu truyền thanh, An ninh Tổ quốc, Văn nghệ Quân đội, nhưng có lẽ tên tuổi và giọng đọc của ông chiếm được cảm tình nhiều nhất và gây được ấn tượng khá sâu sắc với thính giả đó chính là chuyên mục “Chuyện kể ở đại đội”, trong Chương trình Phát thanh QĐND.

NSƯT Phạm Đông nhớ lại: “Một buổi trưa mùa hè năm 1983, có hai quân nhân còn rất trẻ của Ban biên tập Chương trình Phát thanh QĐND tìm đến nhà tôi, mời tôi tham gia làm người kể chuyện trong mục: “Chuyện kể ở đại đội”. Tôi đồng ý ngay, bởi đã là người lính, Quân đội tín nhiệm giao nhiệm vụ thì chỉ có chấp hành và phải làm cho tốt. Từ đó, cứ đến đúng 3 giờ chiều thứ sáu hằng tuần, tôi lại có mặt ở phòng thu “Chuyện kể ở đại đội”, trong Chương trình Phát thanh QĐND tối thứ sáu và phát lại vào sáng thứ bảy hằng tuần.

Thấm thoát vậy mà đến nay đã hơn 35 năm với hơn 1.800 câu chuyện tôi đã kể chắc chắn không phải là con số nhỏ. Nhưng có điều đáng tự hào là: Suốt 35 năm qua, mục “Chuyện kể ở đại đội” vẫn luôn luôn chiếm được cảm tình và sự ủng hộ của thính giả cả nước. Một điều đáng nói nữa, mặc dù tên chương trình là “Chương trình dành cho các bạn trẻ trong Quân đội” nhưng số lượng và thành phần người nghe đã vượt ra khỏi cái khung đó rất nhiều... 35 năm qua, sức sống của chuyên mục vẫn có sức lan tỏa, vẫn thu hút được người nghe, đó thực sự là một điều không đơn giản. Và lúc nào tôi cũng nghĩ: “Mình là anh “Bộ đội Cụ Hồ”, là người “Chiến sĩ ở đại đội”.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO