Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 05/10/2023 10:34 GMT+7

Những khúc ca từ nước mắt cựu binh Vị Xuyên

Biên phòng - Xúc động đến trào nước mắt là cảm giác của nhiều người khi nghe ca khúc "Về đây đồng đội ơi" và “Hát cho người còn sống” của nhạc sĩ Trương Quý Hải viết về những người đồng đội của Sư đoàn 356 và những người lính chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (giai đoạn 1979-1989). 40 năm đã trôi qua, nỗi ám ảnh, xót thương vẫn chưa nguôi trong tâm trí nhạc sĩ Trương Quý Hải và những người từng bước qua cuộc chiến…

sige7v30pf-11050_f_js8piyr50_17a
Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát trong buổi lễ gặp mặt kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, ngày 23-1, tại Hà Nội. Ảnh: Viết Hà

Hình ảnh người đàn ông trung niên trong bộ quân phục lính, tóc húi cua lấm tấm sợi bạc, đứng giữa nghĩa trang Vị Xuyên hay trên cao điểm 468 Thanh Thủy - Vị Xuyên, Hà Giang ôm đàn ghi ta hát “Về đây đồng đội ơi” đã để lại trong lòng nhiều người nỗi xúc động, nghẹn ngào về sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sỹ cho độc lập, tự do hôm nay. Bất ngờ hơn, nhạc sĩ Trương Quý Hải - người nhạc sĩ nổi tiếng trong làng nhạc Việt Nam với những ca khúc lãng mạn “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, “Khoảnh khắc”... lại nguyên là chiến sỹ Sư đoàn 356 chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Trương Quý Hải kể lại rằng, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh thi vào Đại học Mỏ - Địa chất, để có cơ hội được đi tới các vùng miền của đất nước. Đúng lúc ấy, chiến tranh biên giới nổ ra, theo lời kêu gọi của đất nước, chàng thanh niên Hà Nội đã xung phong đi bộ đội, lên biên giới chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chính nơi đây, giữa mặt trận Vị Xuyên khói lửa, chàng lính tuyên văn của Sư đoàn 356 đã sáng tác bài hát đầu tiên về đồng đội mình.

Cũng tại đây, năm 1984 xảy ra những trận chiến ác liệt ở các cao điểm: 486, 1509, 772, 685..., có những trận pháo kích, tên lửa của quân thù đã làm hàng trăm chiến sỹ ta hy sinh. Ngày 12-7-1984 là ngày diễn ra trận chiến khốc liệt nhất tại mặt trận biên giới Hà Giang với bí danh MB84. Chỉ trong một ngày, Sư đoàn 356 đã mất 600 chiến sỹ, nhiều người bị thương trong trận chiến đấu giành lại các điểm cao tại Vị Xuyên. Chính anh và đồng đội đã tự tay khâm liệm cho nhiều chiến sỹ trong ngày bi thương ấy. Từ đó, ngày 12-7 đã trở thành “ngày giỗ trận”. Đó chính là hình ảnh day dứt mãi trong tâm trí Trương Quý Hải tới tận sau này.

May mắn trở về từ chiến trường Vị Xuyên, năm nào cũng vậy, cứ gần đến “Ngày giỗ trận”, Trương Quý Hải lại cùng những cựu chiến binh của sư đoàn hành quân lên nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang) thắp hương cho đồng đội.

Nhạc sĩ cho biết, trong một lần gặp gỡ của những người đồng đội tại Vị Xuyên nhân dịp kỉ niệm 30 năm sau chiến dịch MB84, sau khi những cựu chiến binh của Sư đoàn 356 có ước nguyện lập cây hương ở cao điểm 468 để lấy chỗ “đi về” cho những liệt sỹ đã hy sinh mà vẫn đang nằm lại chiến trường, chưa tập kết được về nghĩa trang liệt sỹ.

“Ngày 12-7 là một ngày đặc biệt - là ngày giỗ trận của sư đoàn. Một ý tưởng chợt đến để tôi viết ca khúc này là nếu đài hương được lập nên ở cao điểm 468 thì những đồng đội đã hy sinh sẽ có chỗ đi về và những người còn sống có nơi gặp lại những người đồng đội đã hy sinh” - Nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại.

Những giây phút đó cảm xúc cứ ùa về trong anh, thôi thúc anh viết nhạc. Trương Quý Hải đã sáng tác ca khúc “Về đây đồng đội ơi” chỉ trong vẻn vẹn một ngày của tháng 7-2013. Bài hát là tiếng lòng của những người còn sống với những đồng đội đã hy sinh. “Dường như có ai “nhắc bài”, từng câu hát tiếp theo và câu tiếp theo nữa cứ thế trào ra. Bài hát cứ theo mạch mà đi, tôi nói với anh em, đấy là vong linh của đồng đội về mách cho mình. Bài hát cũng là nỗi niềm của chúng ta, những người còn sống nói với những đồng đội đã hy sinh: 468, 1509, 772, 685, đồi Cô Ích, Bốn Hầm... đều được tôi nhắc đến. Bài hát hoàn thành mà chính tôi cũng ngỡ ngàng. Rồi từ đấy, nó trở thành bài hát chung không chỉ của Sư 356, mà còn cho tất cả các “đơn vị bạn”, mỗi khi có dịp gặp nhau cùng hát” - Nhạc sĩ Trương Quý Hải xúc động.

Sau khi hoàn thành bài hát "Về đây đồng đội ơi", trong một tuần, nhạc sĩ Trương Quý Hải sống trong trạng thái “như có sự mách bảo của anh em hy sinh”. Anh viết tiếp ca khúc thứ hai có tên "Hát cho người còn sống". Bài hát là lời của những người đã ngã xuống, bày tỏ niềm mong nhớ cha mẹ, người thân, dặn dò đồng đội còn may mắn trở về sống cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong tâm trí của nhạc sĩ Trương Quý Hải luôn khắc ghi lời của đồng đội nhắc nhau “sau này nếu ra quân, tiện thì đồng hương qua nhà tôi...”. “Một lần, có đồng đội nói với tôi một câu rất ý nghĩa: “Anh em mình đang sống phần đời của mình và phần đời của những đồng đội đã hy sinh trao tặng”. Vậy nên tôi viết bài “Hát cho người còn sống” để trọn vẹn nghĩa tình đồng đội. Khi tôi càng có tuổi, ký ức về đồng đội, về chiến trận ngày xưa ngày càng hiện rõ hơn. Nhiều đêm tôi mơ thấy gương mặt của những người bạn xưa. Thế rồi, anh em lại về nhắc tôi viết bài hát thứ hai. Đây là lời của những người hy sinh gửi những người còn sống” - Nhạc sĩ Trương Quý Hải tâm sự.

Với những khúc ca được viết ra từ máu và nước mắt, lay động lòng người, Trương Quý Hải đã giành tất cả tâm huyết cho đồng đội đã nằm xuống nơi vùng đất biên cương và những đồng đội may mắn còn sống trở về. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc sẽ mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO