Biên phòng - Vào những năm 1990, ở những bản làng người dân tộc Dao của xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, tình trạng bản “trắng đảng viên” tồn tại dai dẳng, trở thành nỗi lo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây chính là “rào cản” khiến cho các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khó đến được với bà con. Cũng từ đó, cái đói, cái nghèo và những hủ tục cứ đeo bám lấy đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Đứng trước tình trạng đó, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu đã tăng cường nhiều cán bộ BĐBP về xã, bám bản giúp chính quyền địa phương phát triển đảng viên mới.

Có lẽ, khi nhắc đến những tháng ngày dày công thực hiện việc xóa bản “trắng đảng viên” tại các bản của xã Mồ Sì San, Trung tá Nguyễn Duy Tuyên vẫn không thể quên được, chính anh là một trong những người đầu tiên “ươm mầm” đảng viên ở nơi khó khăn ấy. Cả xã Mồ Sì San có 4 bản, gồm Séo Hồ Thầu, Mồ Sì San, Tô Y Phìn và Tân Séo Phìn. Trước khi Trung tá Tuyên nhận nhiệm vụ tăng cường xuống Mồ Sì San, người dân nơi đây nghe nói đến hai tiếng đảng viên như một khái niệm mơ hồ.
Trung tá Nguyễn Duy Tuyên tâm sự: “Tháng 6-1999, tôi được Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải giao nhiệm vụ tăng cường xuống xã Mồ Sì San. Khi đó, tôi luôn xác định, phải cố gắng hết mình, vì đây là địa bàn vô cùng khó khăn, gian khổ. Nhưng phải bắt đầu từ đâu, bằng cách nào lại là một câu chuyện dài”.
Đã hiểu trước con đường mình đi sẽ vô cùng gian nan, vất vả, nhưng gạt bỏ đi tất cả, người lính Biên phòng đã không nản lòng. Lúc bấy giờ, khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn thì nhận thức về Đảng của đồng bào người Dao hẳn là chưa thể đầy đủ, họ không mấy mặn mà với việc vào Đảng. Hơn nữa, đó còn chưa tính đến những điều lệ của Đảng, các đối tượng kết nạp Đảng phải học hết bậc Trung học cơ sở, không vi phạm chính sách dân số (không sinh con thứ 3), chưa từng vi phạm pháp luật. Trong khi đó, hầu hết người Dao ở Mồ Sì San trình độ văn hóa còn thấp, đa số đều sinh từ 3 đến 4 con trở lên.
Thế nhưng, bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm và gắn bó với nhân dân, anh đã tự tìm ra cách đi của riêng mình. Đầu tiên, Trung tá Nguyễn Duy Tuyên lựa chọn những thanh niên ưu tú, nổi lên từ các phong trào thi đua lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự và có lý lịch trong sạch trên địa bàn. Bên cạnh đó, anh lựa chọn những chiến sĩ BĐBP người Dao ở các bản đã xuất ngũ trở về địa phương để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Tuy nhiên, gian nan, vất vả nhất chính là việc xác minh lý lịch của đối tượng kết nạp Đảng, bởi tất cả đồng bào Dao tại đây, ngày, tháng, năm sinh họ đều không nhớ rõ. Nhiều người cũng chẳng có giấy khai sinh, thậm chí không nhớ nổi tuổi của mình. Có nhiều trường hợp nhân thân tốt, từng tham gia nghĩa vụ quân sự, nhưng khi trở về địa phương lập gia đình, lại sinh 3-4 đứa con.
Để xác minh được lý lịch, đích thân Trung tá Nguyễn Duy Tuyên phải trèo đèo, lội suối, đi hàng chục cây số về tận các bản của đồng bào Dao để xác minh lý lịch. Anh tâm sự: “Công việc xác minh lý lịch không phải là quá khó khăn. Quan trọng nhất là có được sự đồng thuận cũng như giúp đỡ của cán bộ, chính quyền địa phương. Điều trở ngại nhất chính là đồng bào người Dao ở các bản xa trong xã, đời sống gặp nhiều khó khăn, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn thì việc dành thời gian để đi nghe tuyên truyền cũng khó. Thế nên, trong những lần giúp dân, cung cấp cây giống, vật nuôi, tôi kết hợp lồng ghép để tuyên truyền mới đạt hiệu quả”.
Năm 2004, Trung tá Tuyên được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Mồ Sì San, công việc cũng như trách nhiệm càng nặng nề hơn. Khi ấy, bản Tô Y Phìn đang “trắng đảng viên”, anh lại bắt tay đi tìm những hạt nhân tốt nhất bằng cách vận động, tuyên truyền những thanh niên đã hoàn thành hết nghĩa vụ quân sự trở về với địa phương nhưng chưa lập gia đình, cộng thêm những thanh niên năng nổ trong các phong trào tại địa phương, thường xuyên đi tuần tra bảo vệ biên giới cùng BĐBP để gây dựng cơ sở đảng.
Nhắc tới những ngày đầu đi tìm những “hạt giống đỏ” đầu tiên, Trung tá Nguyễn Duy Tuyên tâm sự: “Điều làm mình cảm thấy vui nhất, hạnh phúc nhất là nhiều thanh niên sau khi được vận động, tuyên truyền đã nỗ lực, phấn đấu hết mình để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau này, có người trở thành cán bộ tại địa phương, như trường hợp của đồng chí Tẩn Chỉnh Lùng. Trước đó, Tẩn Chỉnh Lùng là cậu thanh niên người Dao rất có triển vọng, học rất nhanh và nghiêm túc, sau một thời gian thử thách, phấn đấu, Tẩn Chỉnh Lùng đã được kết nạp vào Đảng và được nhân dân tin yêu, tín nhiệm. Giờ đây, Tẩn Chỉnh Lùng đã là Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San”.
Ở Mồ Sì San, hiện nay, các đảng viên đều gương mẫu đi đầu trong các phong trào lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới. Đặc biệt, cam kết không vi phạm pháp luật như không buôn bán và sử dụng ma túy, không gây mất an ninh trật tự, mua bán phụ nữ, trẻ em. Cả xã Mồ Sì San đã có 7 chi bộ, một số đảng viên được Trung tá Nguyễn Duy Tuyên chọn kết nạp cũng đã được Đảng ủy xã Mồ Sì San lựa chọn bổ sung vào nguồn cán bộ lãnh đạo của xã.
Ngồi tại tổ công tác địa bàn, nhìn mái tóc Trung tá Tuyên đã lốm đốm bạc, anh nói với tôi, nụ cười tươi rói: “Tôi năm nay về hưu rồi, cũng định về quê, nhưng suy đi, tính lại, thấy mình gắn bó với nơi này quá. Tết này đón bà xã lên đây ở hẳn, cùng ở với đồng bào”.
Được biết, ở xã Mồ Sì San, Trung tá Tuyên được bà con người Dao coi như già làng, trưởng bản. Nghe xong, anh cười, nói với tôi: “Thật ra, do ở lâu, gắn bó với bà con nên bà con tin tưởng thôi. Cán bộ xã bây giờ đa số đều được tôi dạy học, giúp đỡ từ khi còn đang học cấp 2, cấp 3 trường huyện. Các cháu giờ về làm lãnh đạo xã, thấy tôi cứ gọi vui là già làng, nhiều lúc cũng ngại”.
Tôi hiểu, để có được những chi bộ hoạt động hiệu quả và không ngừng phát triển như hiện nay, công sức của Trung tá Nguyễn Duy Tuyên cũng như những người lính Biên phòng nơi đây không hề nhỏ. Họ đã âm thầm ươm mầm và tạo nên những “hạt giống đỏ” tại nơi xa xôi, hẻo lánh và vô cùng khó khăn, khắc nghiệt mà nhiều người vẫn gọi là mảnh đất gian nan nơi “cuối trời Tây Bắc” này.
Kim Nhượng